Bước ngoặt lịch sử không thể quên

.

Năm 1997, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng chia tách thành 2 đơn vị hành chính (tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương), nhiều người phải tham gia cuộc “di chuyển” lịch sử nhằm kiện toàn bộ máy chính quyền, tạo đà cho sự phát triển kinh tế, xã hội hai địa phương.  

1. Khi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng chuẩn bị chia tách, bà Nguyễn Thị Vân Lan đang là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh. Bà Vân Lan nhớ lại, thời điểm đó, Quảng Nam - Đà Nẵng là tỉnh lớn, đông dân, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn. Tại nhiều cuộc họp quan trọng của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, lãnh đạo tỉnh bàn kế hoạch xin Chính phủ tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành 2 đơn vị hành chính.

Ngày 7-10-1996, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng Mai Thúc Lân nhận công điện của Trung ương với nội dung: Bộ Chính trị nhất trí chia tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành tỉnh Quảng Nam và nâng cấp Đà Nẵng lên thành phố trực thuộc Trung ương, yêu cầu chính quyền tỉnh nhanh chóng hoàn tất thủ tục, sau một tháng trình Quốc hội thông qua. Sau nhiều cuộc họp bàn, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh quyết định chọn địa giới thành phố Đà Nẵng gồm thành phố Đà Nẵng, huyện Hòa Vang và huyện đảo Hoàng Sa, các địa phương còn lại của tỉnh thuộc về Quảng Nam. 

Ngày 6-11-1996, kỳ họp Quốc hội lần thứ 10 (khóa IX) ban hành nghị quyết về việc chia tách và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, xác định việc chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng có hiệu lực từ ngày 1-1-1997. Bà Vân Lan suy tư: “Thời điểm đó, không chỉ tôi mà toàn bộ cán bộ, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng nhiều đêm thức trắng, suy nghĩ phương án sắp xếp nhân sự và làm công tác tư tưởng cho người dân. Là người đứng đầu Hội LHPN tỉnh, tôi hiểu rõ hoàn cảnh từng gia đình, từ đó chia sẻ, động viên, giúp mọi người vững tâm, dù đi hay ở. Bản thân tôi, sau ngày chia tách, được điều chuyển sang làm Trưởng ban Dân vận Thành ủy, cũng hết lòng với công tác dân vận, để người dân hiểu rõ chủ trương, chính sách mà đồng lòng xây dựng thành phố ngày càng giàu đẹp, văn minh”, bà Vân Lan nhớ lại.

Thời điểm chia tách Quảng Nam và Đà Nẵng, bà Nguyễn Thị Vân Lan đang là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Ảnh: T.TÌNH
Thời điểm chia tách Quảng Nam và Đà Nẵng, bà Nguyễn Thị Vân Lan đang là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Ảnh: T.TÌNH

2. Sự kiện chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng khiến nhiều cơ quan, đơn vị đứng trước bước ngoặt lịch sử về công tác cán bộ, cùng nhiều cơ hội và thách thức đi kèm. Ông Bùi Công Minh (phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu) khi ấy nhận chức Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng được 2 năm.

Ông chia sẻ, bản thân mình từng lâm vào một “trận đồ” ứng xử vô cùng phức tạp, khó khăn và tế nhị. Không thể giải quyết mọi vấn đề một cách giản đơn, vội vàng, mà phải cân nhắc nhiều bề. Thách thức trước tiên là bài toán ai đi, ai ở. “Chỉ đạo của Thường vụ Thành ủy lâm thời là cái gì tốt thì dành cho Quảng Nam. Phương tiện, máy móc thì dễ rồi, nhưng với con người thì lắm nỗi phân vân, bao nhiêu lý do, mà lý do nào cũng chính đáng cả”, ông Minh chia sẻ.

Lãnh đạo một đơn vị lớn, ông Bùi Công Minh đắn đo, suy tính nhiều phương án. Ông nói, thuận lợi của ngành giáo dục tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng là nguồn nhân lực tại chỗ tương đối dồi dào, do đó số lượng cán bộ, thầy cô giáo phải đi Quảng Nam nhận nhiệm vụ không quá nhiều, công tác tư tưởng bớt khó khăn. Ban giám đốc khi ấy có ông Trần Hường đang là Phó Giám đốc sở, được điều chuyển vào Quảng Nam, sau đề bạt làm Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh. Những anh em quê Quảng Nam đang làm lãnh đạo các cơ sở giáo dục, trường học tương đối ổn định về mặt tư tưởng. Guồng máy giáo dục hai địa phương sớm vận hành đồng bộ.

Ông Bùi Công Minh chia sẻ, sau buổi chia tay khó quên sáng 21-2-1997 ở Quảng trường Nhà hát Trưng Vương và dự cuộc mít-tinh tại Quảng trường 24-3 thị xã Tam Kỳ, ông trở về Đà Nẵng trong tâm trạng khó tả. Bước chân trên hành lang văn phòng sở, lòng rưng rưng nhìn vào các gian phòng thấy trống vắng những con người từng cùng mình chia ngọt sẻ bùi.

Nhắc về cột mốc này, ông Bùi Công Minh vẫn giữ nguyên cảm xúc bồi hồi, xúc động: “Nhớ lại ngày mới chia tách, tâm lý chung của chúng tôi không tránh khỏi chút e dè, chờ đợi, nhưng giờ đã nhường chỗ cho niềm phấn khởi, xen lẫn tự hào về những thành tựu kinh tế - xã hội mà hai địa phương đã đạt được thời gian qua”.

Tuyến đường biển nối thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Ảnh: X.T
Tuyến đường biển nối thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Ảnh: X.T

3. Trong kế hoạch chia tách tỉnh, Sở Du lịch tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng cũng sắp xếp thành 2 đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh Quảng Nam và UBND thành phố Đà Nẵng. Ông Ngô Trường Thọ (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) lúc bấy giờ là Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, trở thành Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch thành phố Đà Nẵng sau năm 1997.

Ông Thọ cho hay, thời điểm ấy, công tác nhân sự tại cơ quan có nhiều xáo trộn, một số vị trí quản lý thay đổi, bổ sung để kiện toàn bộ máy. Đơn cử, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng Nguyễn Xuân Phúc (hiện nay là Chủ tịch nước ) vào Quảng Nam nhận nhiệm vụ tại UBND tỉnh; thay thế vị trí của ông Nguyễn Xuân Phúc là ông Lương Minh Sâm.

Theo ông Thọ, tâm lý của đội ngũ cán bộ thời điểm ấy, là sẵn sàng thay đổi vị trí, nhiệm vụ, mong muốn trở thành một phần trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng trong tương lai. Đặc biệt, sau chia tách, một số công trình nghiên cứu phát triển du lịch Quảng Nam, Đà Nẵng trước đó, như “Chiến lược phát triển du lịch Quảng Nam - Đà Nẵng giai đoạn 1995-2020”, “Quy hoạch phát triển du lịch Quảng Nam - Đà Nẵng giai đoạn 1995-2020” hay kế hoạch phát triển du lịch vùng đất Hội An, Duy Xuyên, tái thiết khu du lịch Bà Nà - Suối Mơ… là nền tảng cho hai địa phương chỉnh sửa, bổ sung quy hoạch để phù hợp với tình hình mới. “Sau 25 năm Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, du lịch thành phố trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển nhanh, bền vững với nhiều điểm đến hấp dẫn. Nhiều chương trình du lịch được xây dựng trên nền tảng văn hóa, con người xứ Quảng, giúp hai địa phương có vị trí nhất định trên bản đồ du lịch Việt Nam”, ông Thọ nói.

Nhà văn Hồ Duy Lệ (nguyên Tổng Biên tập Báo Quảng Nam) đã nhắc tới sự kiện chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng trong bút ký Bước đo thời gian, rằng sau chia tách, Quảng Nam quyết liệt phát triển ngành công nghiệp, đầu tư khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị mới thì Đà Nẵng bắt đầu bằng cuộc cách mạng chỉnh trang đô thị, phá dỡ nhà chồ, khu ổ chuột, làm bệ phóng xây dựng thành phố 5 không, 3 có, xây dựng văn hóa, văn minh đô thị, công nghệ cao, phát huy tiềm năng du lịch và dịch vụ.

Đô thị Đà Nẵng hôm nay đổi thay đáng tự hào. Ảnh: PHAN MINH HẢI
Đô thị Đà Nẵng hôm nay đổi thay đáng tự hào. Ảnh: PHAN MINH HẢI

Khi kể về ký ức ngày đầu chia tách, những nhân vật của chúng tôi trong bài viết này đều khẳng định, dù Quảng Nam, Đà Nẵng chia nhau về mặt hành chính, nhưng truyền thống văn hóa, lịch sử vùng đất thì không thể chia. Tình cảm ấy cũng dạt dào như những câu hát: “Những con suối đều chảy về sông/Trăm con sông đều xuôi về biển/Biển cả dạt dào mang hình bóng sông/Như ta yêu nhau những tháng ngày gió lộng/Như ta về đây, quê mẹ Quảng Nam...” trong ca khúc Về với Quảng Nam của nhạc sĩ Đoàn Ngọc Bính, như thể, mảnh đất, con người nơi đây là một, sâu nặng nghĩa tình và không thể tách, chia.

HUỲNH LÊ - THANH TÌNH

;
;
.
.
.
.
.