Chính trị - Xã hội

Cải thiện môi trường ở âu thuyền Thọ Quang

14:35, 20/01/2022 (GMT+7)

Sau một năm Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) - Chi nhánh miền Trung triển khai thực hiện nhiệm vụ xóa “điểm nóng” ô nhiễm môi trường, giờ đây, âu thuyền Thọ Quang trở lại không gian thoáng mát, sạch sẽ, giảm mùi hôi do rác thải tồn đọng.

Hằng ngày, Chi nhánh Urenco miền Trung bố trí và duy trì từ 8 - 10 công nhân thu gom rác tại âu thuyền Thọ Quang. Ảnh: Văn Hoàng
Hằng ngày, Chi nhánh Urenco miền Trung bố trí và duy trì từ 8 - 10 công nhân thu gom rác tại âu thuyền Thọ Quang. Ảnh: VĂN HOÀNG

Hạn chế mùi hôi do rác thải

Hơn một năm nay, người dân sống tại khu vực âu thuyền Thọ Quang phấn khởi khi chứng kiến hàng chục công nhân môi trường cùng nhiều phương tiện máy móc, thiết bị tiến hành thu gom, xử lý rác thải. Nhiều người dân bày tỏ tin tưởng, một ngày không xa, “điểm nóng” ô nhiễm môi trường tại âu thuyền Thọ Quang sẽ được giải quyết một cách căn cơ, bền vững...

Anh Lê Văn Tấn Nhật, người dân trú phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà), cho biết trước đây, lượng rác thải trên bờ kè tấp xuống âu thuyền Thọ Quang rất nhiều. Trên mặt nước, đa phần là các hộp nhựa, thùng xốp, bao ni-lon, chai, lọ…; còn trên bờ kè bao bọc xung quanh âu thuyền, rác thải sinh hoạt, rác cồng kềnh được người dân khu vực tập kết về. Do không có đủ nhân lực dọn dẹp nên rác bị dồn ứ lâu ngày khiến tình trạng ô nhiễm môi trường nơi đây trầm trọng, bốc mùi hôi, gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, tình trạng trên càng ngày được cải thiện qua công tác thu dọn khiến anh Nhật và người dân vui mừng.

“Hiện người dân không còn cảnh bịt mũi, nín thở mỗi lần đi qua đây. Không gian trên bờ kè thoáng đãng, sạch đẹp, mặt nước âu thuyền luôn được công nhân môi trường vớt rác thường xuyên nên cảnh quan được cải thiện. Vào cuối mỗi giờ chiều, nhiều người dân khu vực còn tập trung hóng mát...”, anh Nhật nói.

Mỗi ngày, có khoảng 10 công nhân môi trường tham gia dọn dẹp vệ sinh tại bờ kè bao bọc xung quanh âu thuyền và vớt rác trên mặt nước. Cách khoảng vài chục mét, đơn vị thu gom lại trang bị một thùng rác. Chị Lê Thị Lệ, thành viên Tổ duy trì vệ sinh âu thuyền Thọ Quang của Chi nhánh Urenco miền Trung, cho hay, ca làm việc mỗi ngày của tổ thường bắt đầu từ 6 giờ sáng đến 10 giờ 15, buổi chiều từ 13 giờ đến 17 giờ. Cứ đầu ngày, tổ sẽ chia làm 2 nhóm thực hiện nhiệm vụ duy trì vệ sinh khu vực âu thuyền (đường Vũng Thùng 9, Chu Huy Mân) và bờ tây âu thuyền (đường Hồ Hán Thương).

Nhớ lại những ngày đầu tham gia dọn dẹp tại đây, chị Lệ nói: “Rác thải nhiều nên công ty phải huy động xe cơ giới để hỗ trợ. Bên cạnh rác thải từ tàu đánh cá, vào mùa mưa lại có thêm rác thải trên nguồn trôi xuống khiến anh chị em phải làm việc liên tục”. Theo đó, mỗi ngày, tổ duy trì vệ sinh âu thuyền và cảng cá Thọ Quang thu gom khoảng 4 tấn rác các loại. Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong muốn ngư dân và người dân nâng cao hơn nữa ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường”.

Hiệu quả từ công tác xã hội hóa

Qua tìm hiểu, âu thuyền và cảng cá Thọ Quang là khu vực dùng chung với nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nên việc kiểm tra, giám sát về rác thải gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù đơn vị thu gom đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm trong công tác bảo đảm vệ sinh môi trường nhưng có những thời điểm lượng rác thải quá lớn. Trong khi đó, lực lượng của Đội Môi trường của Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang quá mỏng nên gặp khó khăn để xử lý thu gom rác thải triệt để.

“Để giải quyết vấn đề này, từ năm 2021, thành phố đã thực hiện công tác xã hội hóa trong thu gom rác thải ở khu vực này nên hiện trạng ô nhiễm rác thải ở âu thuyền đã cơ bản được xử lý”, ông Phạm Trung Thành, Phó Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang thông tin.

Theo ông Cao Đình Hải, Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông, công tác giữ gìn vệ sinh môi trường tại âu thuyền Thọ Quang là nhiệm vụ được UBND phường thực hiện thường xuyên trong nhiều năm qua. Hằng năm, địa phương tổ chức nhiều đợt phối hợp với Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang triển khai ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường trong và ngoài các tuyến đường xung quanh. Đối với khu vực được giao cho Chi nhánh Urenco miền Trung phụ trách, cảnh quan tại đây đã thay đổi rõ rệt, khắc phục những tồn tại.

“Điểm nóng môi trường trên địa bàn đang từng bước được xóa bỏ, địa phương cũng yêu cầu cán bộ, các hội, đoàn thể, tổ dân phố… tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức, bỏ rác đúng nơi quy định, không tập kết rác về âu thuyền, nhất là rác cồng kềnh, kích thước lớn vào dịp cuối năm”, ông Cao Đình Hải nói.

Hiện UBND phường đã xây dựng kế hoạch tổ chức ra quân dọn vệ sinh môi trường dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán trên toàn địa bàn, đặc biệt là tập trung xử lý các điểm nóng môi trường gây bức xúc trong nhân dân; đồng thời sử dụng xe cơ giới để xử lý, vận chuyển các loại rác thải cồng kềnh. Phường vận động người dân tham gia dọn dẹp tuyệt đối không đốt rác gây ô nhiễm môi trường; các tổ dân phố thông báo cho người dân mang các loại rác thải lớn như: bàn, ghế, tủ cũ… đến các điểm tập kết để thuận lợi cho việc thu dọn, không vứt trái phép ra vỉa hè, gốc cây và các bãi đất trống trên địa bàn.

Ông Ngô Lê Quảng, Giám đốc Chi nhánh Urenco miền Trung, cho hay năm 2021, sau khi đơn vị thực hiện thu gom rác ở âu thuyền Thọ Quang, hằng ngày, chi nhánh bố trí và duy trì 8-10 công nhân thu gom rác. Tuy nhiên, vào những đợt cao điểm như mùa mưa hoặc tổng dọn thì lượng công nhân có thể lên đến 40-50 người/ngày cùng nhiều phương tiện. Ước tính tổng khối lượng rác thực hiện thu gom tại âu thuyền từ tháng 3-2021 đến tháng 12-2021 là hơn 566 tấn, trung bình khoảng 1,55 tấn rác/ngày.

“Để bảo đảm công tác thu gom và xử lý rác thải ở âu thuyền Thọ Quang, ngày từ đầu năm 2022, Chi nhánh Urenco miền Trung phối hợp với các ngành chức năng của thành phố nhằm duy trì phường án, giữ gìn vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân và các chủ tàu thuyền cũng như phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng và Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang thường xuyên kiểm tra, giám sát, nhắc nhở các trường hợp vi phạm, gây ô nhiễm môi trường. Qua đó, tiến hành lắp đặt camera, nhà vệ sinh lưu động, triển khai chương trình đổi rác thải nhựa lấy đồ dùng sinh hoạt để giữ gìn vệ sinh khu vực”, ông Ngô Lê Quảng nói.

V.HOÀNG - T.HÙNG

.