Chính trị - Xã hội
Chuyển mình ở vùng đất Cẩm Lệ
Là vùng đất ven đô của thành phố, cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp là chính, nhưng qua 16 năm thành lập, quận Cẩm Lệ đã trở thành một đô thị khang trang, hiện đại, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng.
Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh (bên phải) trao quyết định của Bộ Nội vụ về điều chỉnh phân loại đơn vị hành chính quận từ loại 2 lên loại 1 cho quận Cẩm Lệ. Ảnh: TRỌNG HÙNG |
Đánh thức vùng đất trũng
Nhắc đến quận Cẩm Lệ không thể không nói đến “rốn lũ” Hòa Xuân. Bởi nơi đây, hễ mưa là ngập, hằng năm chính quyền phải dùng thuyền, ca nô cứu trợ người và của. Nhiều năm lũ lút nóc nhà. Nhưng về Hòa Xuân hôm nay, ai nấy phải ngỡ ngàng với bộ mặt đô thị khang trang, đường điện, trường học, trạm y tế, công trình công cộng được xây mới, đường nhỏ nhất là 5,5m. Hòa Xuân cũng là phường không có kiệt, hẻm sau khi giải tỏa trắng để triển khai hàng loạt dự án phát triển kinh tế - xã hội của quận Cẩm Lệ nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng.
Ông Hồ Văn Khoa, Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ cho biết, chỉ sau 4 năm quận Cẩm Lệ được thành lập, phường Hòa Xuân có 11 dự án được triển khai với tổng diện tích quy hoạch 1.100 ha. Trong đó, riêng dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân được UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết với quy mô hơn 437 ha. Đây là một trong những dự án có khá nhiều ý nghĩa và mục tiêu phát triển cụ thể, rõ ràng.
Cũng từ đây, các khu đô thị mới, các khu tái định cư hình thành theo tiêu chuẩn hiện đại, hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, cây xanh và đặc biệt là khu liên hợp thể thao Hòa Xuân phục vụ cho cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên. “Phải nói rằng sau khi thực hiện dự án, phường Hòa Xuân được xây dựng nhiều thiết chế văn hóa hơn, không chỉ có Sân vận động Hòa Xuân, mà còn hệ thống trường học, trạm y tế, công trình công cộng”, ông Khoa chia sẻ.
Diện tích phường Hòa Xuân có quy mô hơn một quận lân cận, nhưng khi triển khai các dự án, 98% người dân đồng tình giải tỏa, bố trí tái định cư, cho thấy chủ trương mở rộng không gian thành phố về phía nam là phù hợp, tạo nên diện mạo đô thị mới khang trang; cơ cấu kinh tế, nghề nghiệp chuyển từ nông nghiệp sang kinh doanh dịch vụ thương mại, đời sống người dân khấm khá hơn.
Qua ghi nhận thực tế cho thấy, có những thời điểm, trên địa bàn quận Cẩm Lệ có gần 100 dự án lớn nhỏ được triển khai, như một đại công trình. Những khu tái định cư mọc lên, những con đường vươn xa nối liền với các quận Ngũ Hành Sơn, Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu, huyện Hòa Vang, những nhịp cầu mới bắc qua sông.
Với dự án cầu vượt Ngã ba Huế, một trong những điểm nhấn của thành phố Đà Nẵng, dù quận Cẩm Lệ chỉ “sở hữu” một phần, cùng với 2 quận Thanh Khê và Liên Chiểu, nhưng người dân Cẩm Lệ tự hào về sự hiện diện của công trình bề thế này. Bởi để có được cây cầu vượt vừa đẹp, vừa hiện đại như hôm nay, gần 70 hộ dân của phường Hòa An (quận Cẩm Lệ) nằm trong diện giải tỏa, bàn giao mặt bằng, đưa Cẩm Lệ trở thành địa phương đầu tiên của 3 quận hoàn thành sớm công tác bàn giao mặt bằng.
Bà Nguyễn Thị Việt Hiền, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Cẩm Lệ cho rằng, yếu tố tiên quyết và không thay đổi ở Cẩm Lệ đó chính là lòng dân. Chính sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhân dân mà các công trình, các dự án trọng điểm, mang tính lịch sử ở Cẩm Lệ mới có thể triển khai và hoàn thành như hôm nay.
“Qua gần 16 năm hình thành và phát triển, đến nay, quận Cẩm Lệ đã có những đổi thay rõ rệt. Bộ Nội vụ đã điều chỉnh phân loại hành chính quận Cẩm Lệ từ loại 2 lên loại 1 tại Quyết định số 117/QĐ-BNV. Kết quả ấy là nhờ sự nỗ lực không ngừng, tinh thần đoàn kết nhất trí, nêu cao trách nhiệm của các thế hệ cán bộ, đảng viên, chiến sĩ qua các thời kỳ và sự đồng thuận của nhân dân trong quận”, bà Hiền cho hay.
Xây dựng quận văn minh, hiện đại
Quận Cẩm Lệ được thành lập tháng 8-2005 theo Nghị định 102/2005/NĐ-CP của Chính phủ trên cơ sở một số xã, phường của huyện Hòa Vang và quận Hải Châu. Khi thành lập quận có diện tích tự nhiên 33,3km2, quy mô dân số 71.429 nhân khẩu và được phân loại đơn vị hành chính loại 3.
Những ngày đầu thành lập, Cẩm Lệ có ít tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên. Phần lớn người dân ở 6 phường sản xuất nông nghiệp hộ gia đình theo kiểu truyền thống. Sản xuất công nghiệp quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, giá trị tổng sản lượng rất thấp. Thương mại, dịch vụ chủ yếu là buôn bán nhỏ lẻ.
Nguồn nhân lực đa phần chưa qua đào tạo, số lao động chưa có việc làm hoặc có việc làm không ổn định rất cao. Đời sống của đại bộ phận nhân dân rất khó khăn. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội hầu như không có gì đáng kể; toàn quận chỉ có trên vài tuyến đường được đặt tên. Hệ thống cấp thoát nước, điện sinh hoạt, điện chiếu sáng hạn chế, nhiều khu vực người dân chưa có điện, nước máy để sử dụng…
Bám sát thực tế tại địa phương, qua từng nhiệm kỳ, Quận ủy Cẩm Lệ đã có những quyết sách và định hướng đúng đắn để quận nhà từng bước chuyển mình, với nhiều bứt phá trên tất cả các mặt phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Bà Phan Thị Thúy Linh, Bí thư Quận ủy Cẩm Lệ nhìn nhận, qua 16 năm xây dựng và phát triển, kinh tế quận luôn tăng trưởng khá và đạt được nhiều kết quả khích lệ. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng đô thị ngày càng hoàn thiện, đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần người dân được nâng cao, an sinh xã hội được tập trung giải quyết tốt.
Thu ngân sách hằng năm luôn vượt chỉ tiêu được giao, trong đó năm 2019, quận đã tự cân đối thu chi ngân sách địa phương. Riêng năm 2020, cơ cấu kinh tế của quận chuyển dịch theo hướng thương mại - dịch vụ (chiếm 64,23%), công nghiệp - xây dựng (chiếm 35,69%), nông nghiệp (chiếm 0,08%); thu nhập bình quân đầu người trong năm 2020 đạt 77,04 triệu đồng/năm.
Theo bà Linh, hiện trên địa bàn quận, các dự án được đầu tư giai đoạn 2015-2020 cơ bản hoàn thành và phát huy hiệu quả, hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng đồng bộ; quận tiếp tục được thành phố đầu tư xây dựng, mở rộng không gian đô thị về phía tây, tây nam, đây là điều kiện thuận lợi để Cẩm Lệ ngày càng phát triển, văn minh, hiện đại.
Tuy nhiên, hai năm qua, trước diễn biến phức tạp của Covid -19 ảnh hưởng đến tăng trưởng của quận, một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội sụt giảm và có mức tăng trưởng khá thấp. Trong đó một số chỉ tiêu không đạt so với Nghị quyết năm 2021 đề ra. Hoạt động sản xuất kinh doanh trên một số lĩnh vực, nhất là công nghiệp - xây dựng gặp nhiều khó khăn, phục hồi chậm; nhiều doanh nghiệp tạm dừng hoạt động và giải thể. Công tác giải tỏa đền bù, giải phóng mặt bằng, thi công một số công trình trọng điểm còn chậm so với tiến độ…
Sau 16 năm hình thành, phát triển, bộ mặt đô thị của quận Cẩm Lệ đã thực sự "thay da đổi thịt". TRONG ẢNH: Một góc khu đô thị quận Cẩm Lệ nhìn từ trên cao. Ảnh: NGUYỄN TRÌNH |
“Để khắc phục những hạn chế, phát huy những kết quả đạt được, nêu cao quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra của nhiệm kỳ 2020-2025, trước hết Đảng bộ quận cần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, phát huy truyền thống đoàn kết, sức mạnh đồng thuận; đẩy mạnh phát triển kinh tế, chú trọng phát triển thương mại, dịch vụ; tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, ưu tiên hạ tầng giao thông và thiết chế văn hóa công cộng phục vụ nhân dân; đảm bảo quốc phòng, an ninh; nâng cao chất lượng cải cách hành chính, tiếp tục sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; xây dựng quận Cẩm Lệ văn minh, phát triển bền vững theo hướng đi phù hợp với lợi thế, thế mạnh của địa phường”, bà Linh cho hay.
Hy vọng, với những khát vọng và tìm cách biến khát vọng thành hiện thực, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Cẩm Lệ sẽ tiếp tục tạo những bứt phá mới trong phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng quận Cẩm Lệ văn minh, hiện đại, nhân văn, góp phần xây dựng thành phố Đà Nẵng vững mạnh, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Định hướng phát triển quận Cẩm Lệ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cụ thể:
Từ năm 2021-2025, xây dựng quận Cẩm Lệ không còn hộ nghèo còn sức lao động theo chuẩn đa chiều của thành phố; 100% người dân sử dụng nước sạch; 100% chất thải sinh hoạt được thu gom xử lý; 100% dân số có thẻ bảo hiểm y tế. Quận phấn đấu giá trị tăng thêm của các ngành bình quân đạt 10%/năm; tăng thu ngân sách Nhà nước đạt và vượt chỉ tiêu so với dự toán giao; giải quyết việc làm cho 2.000-2.100 lao động/năm. Trong giai đoạn 2025-2030, xây dựng quận Cẩm Lệ là đô thị vệ tinh, đô thị trung tâm mở rộng của thành phố; phấn đấu giá trị tăng thêm của các ngành bình quân từ 8,5%/năm trở lên. Về tầm nhìn đến năm 2050, quận Cẩm Lệ đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm: Thứ nhất, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng… Thứ hai, trên cơ sở quy hoạch chung của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, quận chủ động phối hợp với các ngành của thành phố quy hoạch tổng thể, phát triển không gian hai bên bờ sông Cẩm Lệ tạo điểm nhấn không gian đô thị hướng ra sông Cẩm Lệ; hình thành các điểm đến, sản phẩm dịch vụ trên tuyến du lịch đường thủy nội địa; quy hoạch hoàn chỉnh không gian đô thị phường Hòa Thọ Tây, Hòa Phát. Thứ ba, đẩy mạnh phát triển kinh tế, phấn đấu trong giai đoạn đầu của quy hoạch mới, thu ngân sách của quận sớm vào nhóm các quận, huyện có nguồn thu từ 1.000 tỷ đồng trở lên. Thứ tư, tiếp tục rà soát và đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng đô thị tại các khu dân cư chỉnh trang; đầu tư hệ thống thiết chế văn hóa công cộng phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, đọc sách và thể dục, thể thao cho nhân dân. Thứ năm, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng vững chắc...
|
TRỌNG HÙNG