Chính trị - Xã hội
Thanh Khê - 25 năm phát triển và đổi mới
Quận Thanh Khê được thành lập theo Nghị định số 07/1997/NĐ-CP ngày 23-1-1997 của Chính phủ trên cơ sở 8 phường của quận Nhì trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đến tháng 8-2005, thực hiện Nghị định số 102/2005/NĐ-CP ngày 5-8-2005 của Chính phủ, 2 phường An Khê và Thanh Lộc Đán, mỗi phường chia tách thành 2 đơn vị hành chính mới nên hiện quận có 10 phường.
Diện mạo đô thị quận Thanh Khê ngày càng khang trang, hiện đại. Ảnh: XUÂN SƠN |
Kinh tế chuyển dịch đúng hướng, duy trì nhịp độ tăng trưởng
Tại thời điểm thành lập, quận gặp không ít khó khăn, thách thức. Xuất phát điểm kinh tế thấp, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị yếu kém; là địa bàn phức tạp về an ninh, chính trị và trật tự xã hội. Song được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Thành ủy, UBND thành phố, sự giúp đỡ nhiệt tình và trách nhiệm của các sở, ban, ngành thành phố cùng với những cố gắng, nỗ lực, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền; sự phối, kết hợp của Ủy ban MTTQ Việt Nam quận, các hội, đoàn thể; sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân và tinh thần trách nhiệm, vượt khó dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức các cấp, các ngành, địa phương…, quận từng bước tháo gỡ khó khăn và 25 năm sau vươn mình lớn mạnh.
Điểm nhấn 25 năm qua là kinh tế của quận chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng thương mại - dịch vụ, giảm tỷ trọng công nghiệp và thủy sản, luôn duy trì nhịp độ tăng trưởng cao, tỷ trọng ngành dịch vụ tăng nhanh.
Với lợi thế về địa bàn và môi trường sau khi quy hoạch, chỉnh trang đô thị, cùng với các chủ trương, chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ và thành phố, cũng như công tác cải cách hành chính được thực hiện thường xuyên, hạ tầng ngành thương mại luôn được quy hoạch, đầu tư và phát triển đều khắp các khu dân cư nên dịch vụ - thương mại tăng trưởng mạnh.
Các khu vực, tuyến đường có truyền thống thương mại điển hình như: Nguyễn Văn Linh, Điện Biên Phủ, Lê Duẩn, Hàm Nghi… phát huy hiệu quả hoạt động, thu hút nhiều nhà đầu tư đặt văn phòng đại diện, giao dịch kinh tế tại miền Trung và cả nước; nhiều siêu thị lớn mọc lên trên địa bàn quận như: Big C, Nguyễn Kim, Co.op Mart. Đặc biệt, năm 2015 tuyến phố Lê Duẩn (đoạn từ đường Ông Ích Khiêm đến ngã ba Cai Lang - Điện Biên Phủ) được đầu tư bằng nguồn ngân sách thành phố (có một phần vốn đối ứng của quận) hình thành và đưa vào hoạt động kinh doanh chuyên về thời trang, may mặc, góp phần làm cho đô thị ngày càng khang trang, hiện đại.
Hoạt động của ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tiếp tục phát triển và duy trì nhịp độ tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm 17%, góp phần vào chuyển dịch cơ cấu theo hướng tích cực; một số ngành vẫn giữ được vị thế và có tốc độ phát triển nhanh như: may mặc, sản phẩm từ kim loại, lương thực thực phẩm, bao bì giấy, nhựa, mây tre, mộc... cũng chú trọng đổi mới công nghệ, chất lượng sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường.
Diện mạo đô thị quận Thanh Khê ngày càng khang trang, hiện đại. Ảnh: XUÂN SƠN |
Bên cạnh kinh tế, công tác chỉnh trang đô thị cũng có bước phát triển vượt bậc. Từ năm 2006 đến nay, các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đầu tư 100% từ ngân sách quận, nhờ đó hầu hết các kiệt, hẻm trên địa bàn được bê-tông hóa, có cống thoát nước và điện chiếu sáng, hơn 70 dự án lớn nhỏ thực hiện nhằm quy hoạch và chỉnh trang đô thị; từ đó nhiều khu dân cư đô thị mới hình thành và phát triển ổn định.
Trong năm 2021, quận thực hiện đấu thầu, thi công 133 công trình, xây dựng mới 56 công trình (6 công trình vốn thành phố, 50 công trình thành phố phân cấp và bổ sung dự toán). Tiếp tục xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện đề án “Cải tạo, nâng cấp kiệt hẻm trên địa bàn quận Thanh Khê giai đoạn 2021 - 2025”, chuyên đề quy hoạch mở thêm các đường ngang khớp nối trên địa bàn quận Thanh Khê.
Lĩnh vực quản lý đô thị ngày càng đi vào nền nếp. Quận tập trung thực hiện quyết liệt Chỉ thị 43-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về “Năm văn hóa, văn minh đô thị” và chủ trương của Quận ủy về “Năm trật tự xã hội - mỹ quan đô thị”. Công tác quản lý tài nguyên, môi trường ngày càng được chú trọng. Công tác giáo dục và đào tạo tiếp tục được quan tâm đầu tư và đổi mới, chất lượng dạy và học ngày càng nâng lên.
Mạng lưới trường lớp được cải tạo, nâng cấp, sắp xếp phù hợp địa bàn. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tuyên truyền cổ động trực quan được tổ chức thường xuyên với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Thiết chế văn hóa tại 10/10 phường và các khu dân cư ngày càng hoàn thiện, nhà sinh hoạt cộng đồng được đầu tư tương đối đầy đủ.
Bảo đảm an sinh xã hội
Trong công tác an sinh xã hội, quận tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, Chỉ thị 20-CT/QU của Ban Thường vụ Quận ủy, Chương trình “Thành phố 5 không”, “Thành phố 3 có”; “Thành phố 4 an”. Đặc biệt, hai năm 2020 và 2021, quận tập trung đẩy mạnh các hoạt động an sinh xã hội, chăm lo các đối tượng chính sách, đối tượng yếu thế trên địa bàn, hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Theo đó, thực hiện hỗ trợ cho người dân khó khăn theo các chính sách của Trung ương và thành phố Nghị Quyết số 116/NQ-CP, Nghị quyết số 68/NQ-CP, Kế hoạch 135/KH-UBND; hỗ trợ cho người dân trong thời gian giãn cách xã hội; hỗ trợ cho người dân trong khu cách ly theo Quyết định 3100/QĐ-UBND của UBND thành phố.
Đồ họa: MAI ANH |
Công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được chú trọng, tạo môi trường an ninh, an toàn cho người dân yên tâm làm ăn, sinh sống. Các cơ quan chức năng quận nắm chắc tình hình, thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp mạnh, từng bước kiềm chế các loại tội phạm; tỷ lệ điều tra, khám phá án hằng năm đạt trên 80%, trọng án đạt 100%. Công tác quốc phòng - quân sự địa phương tiếp tục được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo.
Để bảo đảm vai trò là một trong những quận trung tâm của thành phố, với chủ trương chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế tích cực theo hướng dịch vụ - công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - thủy sản, quận chú trọng bám sát mục tiêu và định hướng chiến lược, bảo đảm thực hiện đúng quá trình phát triển kinh tế, xã hội, an ninh và hội nhập sâu rộng, đồng thời có những giải pháp cụ thể phát huy nội lực, tranh thủ sự đồng thuận của người dân, tận dụng triệt để lợi thế của địa phương, sự hỗ trợ tích cực của thành phố và Trung ương nhằm phát triển kinh tế - xã hội quận Thanh Khê bền vững và ổn định.
HỒ THUYÊN
Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Thanh Khê