Đổi thay Ngũ Hành Sơn

.

25 năm trước, quận Ngũ Hành Sơn còn là vùng đất nửa quê nửa phố. Sau một phần tư thế kỷ, vùng đất này có cuộc bước chuyển mình kỳ diệu, trở thành điểm sáng đầy triển vọng của vùng đô thị phía đông nam thành phố.

Diện mạo đô thị quận Ngũ Hành Sơn ngày càng khang trang, hiện đại.  TRONG ẢNH: Tuyến đường Lê Văn Hiến, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn có hạ tầng giao thông và đô thị khá hoàn thiện. Ảnh: TRỌNG HUY
Diện mạo đô thị quận Ngũ Hành Sơn ngày càng khang trang, hiện đại. TRONG ẢNH: Tuyến đường Lê Văn Hiến, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn có hạ tầng giao thông và đô thị khá hoàn thiện. Ảnh: TRỌNG HUY

Những mảnh ghép về quá khứ

Trong ký ức của ông Trần Duy Nhứt, nguyên Phó Chủ tịch UBND quận, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Ngũ Hành Sơn, là Chánh văn phòng UBND quận đầu tiên sau khi thành lập (1-1-1997), ngày trước quận Ngũ Hành Sơn chỉ có duy nhất đường Lê Văn Hiến - Trần Đại Nghĩa gọi là đường, có thảm nhựa, có ô-tô lưu thông. Còn lại toàn đường đất, mưa bùn, nắng bụi, những vùng đất chỉ có cỏ dại, cây gai lông mọc tua tủa, những căn nhà cấp 4 lụp xụp.

Vài năm sau khi chuyển “từ xã lên phường”, người dân dường như vẫn chưa quen với lối sống thị thành theo tên gọi “quận, phường”. “Cái khó, cái khổ ngày trước kể không hết. Từ hạ tầng cơ sở, nhất là hạ tầng xã hội (điện, nước, đường, trường, trạm…), đến đời sống người dân, chất lượng cuộc sống và cả về trình độ dân trí. Sự chất phác đến đậm đặc của người nông dân thành dân đô thị vẫn còn vẹn nguyên. Kinh tế lúc đó, hầu như năm nào cũng nhờ sự trợ lực từ thành phố. Không chỉ vùng nông thôn Hòa Quý, Hòa Hải, mà cả khu vực Khuê Mỹ (từ 2005 mới tách phường Bắc Mỹ An thành Mỹ An và Khuê Mỹ) là đô thị, vẫn còn hoang vu, nhếch nhác”, ông Nhứt kể.

Năm 1997, khi xã Hòa Quý “chuyển mình” lên thành phường, ông Nguyễn Đức hiện là Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường, thời điểm đó là cán bộ văn phòng đầu tiên và duy nhất của phường. Ông Đức không có phòng làm việc riêng mà ngồi chung phòng với lãnh đạo phường. Cả phường có hai dãy nhà cấp 4, bên khối đảng, bên khối chính quyền. Công an phường, phường đội cũng được ghép chung vào dãy làm việc của UBND phường, cho đến mãi mấy năm sau mới được “ra riêng”. Mỗi lần họp cơ quan, ông Đức phải tự mình chuyển các bàn làm việc ghép lại, góp ghế các phòng dồn lại làm hội trường.
Lúc bấy giờ, cả phường Hòa Quý không có một mét đường nhựa, hay thảm bê-tông. 90% người dân làm nông nghiệp. Cả phường có 1 trường tiểu học và trung học cơ sở. Đầu những năm 1990, một tổ chức phi chính phủ xây tặng xã một trạm xá, chăm lo sức khỏe người dân. Cho đến sau những năm 2000 mới có điều kiện xây mới trạm y tế phường khang trang như ngày nay. “Khoảng đầu những năm 2000, phường có tổ chức một hội nghị, mời mấy chú nguyên lãnh đạo xã lên phát biểu tham luận. Trong bài tham luận vẫn còn in và đọc là “xã Hòa Quý” chứ không phải phường theo cấp hành chính mới. Để nói rằng, họ chưa quen với tên gọi là phường, phần về bản chất chưa có gì thay đổi, ngoài cái tên “phường” còn lạ lẫm với dân quê bấy giờ. Câu đồng dao “quê em từ xã lên phường” ra đời trong hoàn cảnh ấy, thực cũng có chút gì mang giọng tự trào vậy”, ông Đức kể.

Những câu chuyện kể của ông Nhứt, ông Đức nay đều đã lùi xa vào dĩ vãng. Chỉ còn là những mảnh ghép trong ký ức về một thời xa vắng. Ngũ Hành Sơn nói chung, phường Hòa Quý nói riêng, nay đã “lột xác” hoàn toàn, cả về diện mạo đô thị đến đời sống của người dân.

Ông Nhứt chỉ vào con đường 48m trước mặt nhà ông (đường Lê Văn Hiến), chỉ ra xa hơn chút từ phía biển với hệ thống đường, khu nghỉ dưỡng, khách sạn. Ông chỉ vào từng dãy nhà khang trang theo từng dãy phố rộng thênh thang đường bê-tông nhựa, từng con hẻm, đường kiệt đã phủ hết bê-tông, để khoe rằng, không cần kể, chỉ nhìn hạ tầng xã hội đổi thay thế nào sẽ thấy được sự phát triển vượt bậc của Ngũ Hành Sơn. Ngũ Hành Sơn bây giờ là điểm gặp cuối các tuyến giao thông huyết mạch của thành phố.

Ông Đức cho hay, giờ toàn phường không còn nhà tạm, nhà thiếu kiên cố. Mỗi năm, tìm nhà tạm, thiếu kiên cố để hỗ trợ “đỏ con mắt chưa chắc ra”. Hệ thống hạ tầng cơ sở gần như hoàn chỉnh, thảm nhựa, bê-tông hóa hết thảy. Các trục giao thông huyết mạch thành phố chạy qua phường, mở ra điều kiện giao thương, cả về vật chất và văn hóa. Từ vài ba người đậu đại học mỗi năm, nay đã lên con số 70-80 em đậu đại học vào các trường. Vùng Khuê Đông nay chỉ còn là ký ức đẹp theo tên làng, tên xóm ngày trước gắn vào tên mỗi con đường ở khu tái định cư mới. Làng cũ nay đã hình thành khu đô thị khang trang, hiện đại. Dĩ nhiên, quan trọng hơn cả là đời sống người dân đổi thay mạnh mẽ, chỉ còn 20% người làm nông nghiệp, ngành dịch vụ đã tăng lên 40% trong cơ cấu kinh tế phường.

Đánh thức tiềm năng

Theo ông Nguyễn Hòa, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn, để xây dựng Ngũ Hành Sơn xứng tầm là khu đô thị lớn, hiện đại phía đông nam thành phố, là địa bàn trọng điểm phát triển du lịch, dịch vụ, quận đã duy trì và phát triển các ngành nghề, sản phẩm truyền thống phục vụ du lịch. Cùng với đó, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, ngành dịch vụ - du lịch luôn chiếm tỷ trọng chủ yếu, giữ vững vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn của quận. Đặc biệt, từ một quận không có trường THPT, nay quận có 2 trường THPT và thu hút nguồn lực đầu tư các lĩnh vực giáo dục - đào tạo chất lượng cao ngoài công lập. Nhờ đó, các trường quốc tế, trường đào tạo chất lượng cao được xây dựng và hoạt động ổn định.

Nhìn lại chặng đường phát triển của quận nhà, Bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn Nguyễn Thị Anh Thi không khỏi tự hào. Bà Thi cho rằng, với sự đồng lòng, thống nhất của cả hệ thống chính trị từ quận đến cơ sở, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo thành phố, hỗ trợ, giúp đỡ của các sở, ngành, Ban Thường vụ Quận ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị, địa phương khai thác những lợi thế sẵn có, vượt qua những khó khăn, thách thức để thực hiện các nhiệm vụ chính trị của quận và đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực. “Chúng tôi đề ra mục tiêu đến năm 2025, sẽ xây dựng quận Ngũ Hành Sơn từng bước trở thành đô thị đổi mới, sáng tạo, mẫu mực, đẳng cấp, văn minh, hiện đại, là cực phát triển phía đông nam thành phố”, bà Thi nói.

TRỌNG HUY

;
;
.
.
.
.
.