Đó là những câu chuyện được viết lên từ những điều giản dị, khiêm nhường. Tuy nhiên với niềm tin vững chắc và sự quyết tâm, nhiều phụ nữ biến câu chuyện khởi nghiệp giản dị của mình trở thành nguồn cảm hứng cho cộng đồng.
Với ý tưởng “Tinh chất làm sạch từ thảo mộc thiên nhiên”, chị Lương Thị Anh Thư (giữa) đoạt giải Nhất tại vòng chung kết Hội thi ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp thành phố năm 2021. Ảnh: T.S |
Điểm tựa khởi nghiệp
“Mẹ tôi có bàn chân không bình thường như mọi người, vì vậy bất cứ đôi dép nào mua ở chợ hay ở cửa hiệu về mẹ cũng không thể mang được vì nó gây đau. Nhiều lần như thế, một hôm tôi tự hỏi, tại sao mình không làm ra đôi dép không gây đau cho chân mẹ”. Đó là “lời nói đầu” của chị Nguyễn Thị Thanh Trúc (quận Cẩm Lệ) tại vòng chung kết hội thi phụ nữ khởi nghiệp thành phố năm 2021 khi trình bày ý tưởng “MÂY - tiệm đóng giày thủ công sử dụng da thân thiện với môi trường”.
Như là lời tâm sự với ban giảm khảo, chị kể tiếp về điểm tựa để mình có ý tưởng tham gia cuộc thi: “Không bàn chân nào giống bàn chân nào, vậy tại sao tất cả mẫu giày dép đều có kiểu dáng, thiết kế giống nhau? Và MÂY có lối đi riêng cho mình là đo từng bàn chân của khách để đóng. Sau khi đóng xong giao cho khách, MÂY vẫn giữ liên lạc để chỉnh sửa đến lúc nào khách hoàn toàn hài lòng. Chúng tôi muốn đi tới tận cùng về chất lượng và ngược lại, khách tiếp tục đồng hành lâu dài với mình”.
Với chị Lương Thị Anh Thư (quận Thanh Khê), điểm tựa để chị xây dựng ý tưởng khởi nghiệp chính là làn da quá mẫn cảm với hóa chất của mình. Chị kể, da chị không chịu được tất cả loại xà phòng nào trên thị trường, cho dù hàng nội hay ngoại, cứ sử dụng là dị ứng. Chính điều này thôi thúc chị mày mò nghiên cứu làm ra sản phẩm “Tinh chất làm sạch từ thảo mộc thiên nhiên”. Thất bại nhiều nhưng với sự kiền trì và niềm tin tuyệt đối vào các thảo dược thiên nhiên, cuối cùng chị có được sản phẩm thân thiện với da của mình và quan trọng hơn là ngày càng được nhiều khách hàng ủng hộ.
Là cô gái lớn lên vùng biển Ngũ Hành Sơn, về làm dâu vùng miền núi Hòa Ninh (Hòa Vang), chị Nguyễn Thị Thu Hồng mê mẩn những con suối róc rách chảy, những bãi cỏ xanh mướt - nơi gắn liền tuổi thơ của chồng. Sau thời gian nuôi dưỡng ý tưởng, chị bàn với chồng xây dựng khu du lịch cắm trại. Cuối năm 2019, “Cánh đồng Hoóc Ngà” ra đời. Chỉ trong thời gian ngắn, nơi này thu hút đông các bạn trẻ ở trung tâm thành phố về đây cắm trại.
Hơn 800 ý tưởng khởi nghiệp được thực hiện từ năm 2017 đến 2021 bắt đầu từ câu chuyện về “điểm tựa” như thế của chị em. Khác nhau rất nhiều, thế nhưng điểm chung là chị em có thừa sự quyết tâm để đứa con tinh thần của mình thành công, giúp cải thiện kinh tế gia đình và tạo nhiều việc làm khác.
Câu chuyện truyền cảm hứng
Là người theo sát đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” từ năm 2017 đến nay, Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố Nguyễn Thị Huyền tâm sự: “Đúng là “vạn sự khởi đầu nan”, ban đầu, mới nghe từ “khởi nghiệp” không chỉ chị em hội viên mà ngay cả cán bộ hội cũng bàn... lùi. Bởi theo họ, khởi nghiệp phải là cái gì đó to lớn, nhiều tiền lắm mới có thể làm được.
Để giải bài toán này, Hội LHPN thành phố và quận, huyện tổ chức 30 lớp tập huấn cho hàng ngàn phụ nữ, đặc biệt giúp chị em vay gần 100 tỷ đồng từ Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển và nguồn vốn giải quyết việc làm để tổ chức làm ăn. Điều làm chúng tôi vui mừng nhất là thành công của những phụ nữ khởi nghiệp đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho những phụ nữ khác tham gia”.
Chia sẻ thêm về câu chuyện của mình, chị Lương Thị Anh Thư cho biết, hiện nay “Tinh chất làm sạch thảo mộc thiên nhiên” nhận được nhiều lời đề nghị làm đại lý. Riêng tại Đà Nẵng đã có 3 lời đề nghị trở thành đại lý chính thức để phân phối sản phẩm, có 2 khách hàng muốn liên kết mở thêm cơ sở sản xuất tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Chị Nguyễn Thị Thu Hồng cũng cho hay, thời gian qua có nhiều bạn trẻ muốn bắt tay cùng “Cánh đồng Hoóc Ngà” hình thành nên tour du lịch sinh thái cắm trại - dã ngoại để phát triển du lịch. “Chúng tôi đang rất háo hức với ý tưởng này, đã cùng bàn bạc kế hoạch chi tiết, chỉ còn chờ dịch bệnh lắng xuống là triển khai thực hiện ngay”, chị Hồng khẳng định.
Không chỉ thành công với ý tưởng khởi nghiệp “Biến rác thải thành sản phẩm có ích cho cộng đồng”, chị Trần Thị Thu Hồng, Giám đốc Công ty CP Công nghệ sinh học Minh Hồng, còn là người truyền cảm hứng mạnh mẽ những người trẻ khác cùng khởi nghiệp. Các mô hình do chị khởi xướng như “Tổ góp vốn tình thương”, “Tổ tiết kiệm 2T”, “Đội thiếu niên bảo vệ môi trường”... thu hút hàng trăm người tham gia.
Chị tâm sự: “Qua việc làm của mình, tôi hy vọng các phụ nữ nói riêng và những người trẻ nói chung, hãy sống hết mình với đam mê. Nỗ lực hết mình sẽ biến những điều không thể thành có thể. Tôi vui câu chuyện của tôi đã truyền lửa tới nhiều chị em, để họ mạnh dạn khởi nghiệp”.
Rất nhiều câu chuyện khởi nghiệp của phụ nữ thành phố đã và đang trở thành nguồn cảm hứng, động viên chị em mạnh dạn dấn thân. Khởi nghiệp chính là điểm xuất phát vững chắc để phụ nữ thành phố tham gia cải thiện kinh tế gia đình và tạo nhiều việc làm cho xã hội.
THANH VÂN