Tăng cường quản lý Nhà nước đối với huyện đảo Hoàng Sa

.

Ngày 9-12-1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 194/HĐBT về việc thành lập huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Ngày 1-1-1997, Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, huyện đảo Hoàng Sa được đặt dưới sự quản lý của chính quyền thành phố. Từ đó đến nay, công tác quản lý Nhà nước đối với huyện đảo Hoàng Sa luôn được lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ đặc biệt quan tâm, hoàn thiện.

Nhà Trưng bày Hoàng Sa nằm trên đường Hoàng Sa, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà.  (Ảnh do Nhà Trưng bày Hoàng Sa cung cấp)
Nhà Trưng bày Hoàng Sa nằm trên đường Hoàng Sa, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà. (Ảnh do Nhà Trưng bày Hoàng Sa cung cấp)

Theo Phó Giám đốc phụ trách Nhà Trưng bày Hoàng Sa Lê Tiến Công, Quyết định số 194/HĐBT nêu rõ: “Thành lập huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng bao gồm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trước đây thuộc huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng”. Đây là lần đầu tiên Hoàng Sa được nâng từ cấp xã lên cấp huyện. Đến ngày 30-11-1987, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Sau khi thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, trụ sở UBND huyện Hoàng Sa được đặt tại số 132 đường Yên Bái, phường Phước Ninh (quận Hải Châu). Theo ông Công, vấn đề tăng cường quản lý Nhà nước (QLNN) đối với quần đảo Hoàng Sa đã được đặt ra ngay từ những ngày đầu sau khi Hoàng Sa được giao cho Đà Nẵng quản lý. Thành phố đã thấy được những bất cập và quan tâm đến việc phân công cán bộ phụ trách, nghiên cứu đề án tăng cường công tác quản lý Nhà nước, bảo vệ chủ quyền nhằm gắn quần đảo Hoàng Sa với hệ thống hành chính, hoạt động như một chính quyền địa phương đúng nghĩa theo quy định về tổ chức chính quyền cấp huyện.

Tháng 10-2001, UBND thành phố xây dựng đề án “Quản lý Nhà nước, bảo vệ chủ quyền Việt Nam đối với huyện đảo Hoàng Sa thành phố Đà Nẵng”. Đề án chỉ rõ: “Trong chương trình biển đảo của nước ta, Chính phủ có đề ra một số nội dung nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước, bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Đây là sự quan tâm của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, là điều kiện thuận lợi để thành phố Đà Nẵng đề xuất phương án  quản lý Nhà nước đối với huyện đảo Hoàng Sa”. Đây là đề án đầu tiên của Đà Nẵng về quản lý Nhà nước đối với quần đảo đặc biệt này. “Việc xây dựng đề án là rất cần thiết, bởi Hoàng Sa có tầm quan trọng không chỉ với Đà Nẵng mà đối với quốc gia và khu vực”, ông Công khẳng định.

Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa Võ Ngọc Đồng cho biết, việc tăng cường quản lý Nhà nước đối với huyện đảo Hoàng Sa là rất cần thiết nhằm công bố chủ quyền trên trường quốc tế. QLNN ở đây cần được hiểu một cách toàn diện là đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người trong và ngoài nước hiểu hơn về Hoàng Sa.

Ngày 28-11-2002, UBND thành phố có quyết định phê duyệt nội dung dự án “Tăng cường quản lý Nhà nước, bảo vệ chủ quyền Việt Nam đối với huyện đảo Hoàng Sa thuộc thành phố Đà Nẵng”. Dự án có 4 phần, bao gồm điều chỉnh địa giới hành chính đất liền và xây dựng trụ sở hành chính cho huyện đảo Hoàng Sa; xây dựng phòng truyền thống huyện đảo Hoàng Sa; công tác tuyên truyền về huyện đảo Hoàng Sa; sưu tầm tài liệu về quần đảo Hoàng Sa và biên soạn cuốn “địa chí huyện đảo Hoàng Sa”. Đồng thời, UBND thành phố Đà Nẵng có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan Trung ương đề nghị phê duyệt dự án nói trên.

Theo ông Lê Tiến Công, giai đoạn 2009-2020, huyện Hoàng Sa đã có 3 chủ tịch UBND gồm: ông Đặng Công Ngữ, ông Võ Công Chánh, ông Võ Ngọc Đồng. Từ 1-7-2021, thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, trong đó huyện Hoàng Sa là mô hình chính quyền đặc biệt. Chủ tịch UBND thành phố đã ký quyết định bổ nhiệm ông Võ Ngọc Đồng giữ chức Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa; bổ nhiệm ông Lê Phú Nguyện, Phó Giám đốc Sở Nội vụ làm Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa. Đây là lần đầu UBND huyện Hoàng Sa có Phó Chủ tịch.

Theo ông Võ Ngọc Đồng, hằng năm HĐND, UBND thành phố đều giao chỉ tiêu ngân sách để UBND huyện Hoàng Sa duy trì tổ chức, hoạt động. Trong những năm gần đây, UBND huyện Hoàng Sa luôn chú trọng công tác quản lý Nhà nước đối với với quần đảo Hoàng Sa, trong đó ngoài hoạt động thường xuyên của công tác QLNN nói chung, UBND huyện còn có một số hoạt động tiêu biểu liên quan đến công tác thông tin tuyên truyền.

UBND huyện Hoàng Sa thường xuyên liên hệ, tham gia các diễn đàn và hỗ trợ cung cấp thông tin về lịch sử, pháp lý, thực tế quản lý liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa cho các nhà nghiên cứu, cơ quan thông tấn báo chí và các cơ quan, tổ chức có liên quan, phục vụ công tác nghiên cứu tuyên truyền, đấu tranh bảo vệ chủ quyền.

UBND huyện phối hợp với các tổ chức Trung ương và địa phương tổ chức các hội thảo khoa học, các triển lãm về chủ quyền biển, đảo; tuyên truyền thông qua các hoạt động nhân các ngày kỷ niệm, sự kiện diễn ra hằng năm; tuyên truyền thông qua Trang Thông tin điện tử UBND huyện Hoàng Sa.

Ngày 28-3-2018, Nhà trưng bày Hoàng Sa (trực thuộc UBND huyện Hoàng Sa) khánh thành, đi vào hoạt động đón khách, công tác thông tin tuyên truyền về chủ quyền được đẩy mạnh với nhiều hoạt động thiết thực. Cũng trong ngày này, trụ sở UBND huyện Hoàng Sa được chuyển về đây, nằm trên đường Hoàng Sa, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa Lê Phú Nguyện, trước thực trạng công tác quản lý Nhà nước đối với huyện Hoàng Sa có nhiều đặc thù do phải thực hiện trong tình hình đấu tranh bảo vệ chủ quyền, nhân lực kiêm nhiệm là chủ yếu, UBND huyện Hoàng Sa đã linh hoạt tổ chức thực hiện nhiệm vụ với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Do đó, hoạt động của UBND huyện Hoàng Sa vừa bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được giao, đồng thời đáp ứng được yêu cầu về thông tin tuyên truyền hướng đến nhiều đối tượng trong xã hội.

UBND huyện Hoàng Sa đã chủ động cập nhật và xử lý nhanh nhạy các tình huống đột xuất và nhạy cảm liên quan đến chủ quyền biển, đảo trong thực tế, qua đó tạo được hiệu ứng ủng hộ của dư luận xã hội đối với công tác tuyên truyền về biển, đảo nói chung.

Ông Võ Ngọc Đồng khẳng định, tăng cường vai trò về quản lý Nhà nước đối với quần đảo Hoàng Sa trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông vừa là yêu cầu bức thiết trước mắt, vừa là chiến lược lâu dài nhằm bảo vệ, duy trì và giữ gìn lợi ích quốc gia, dân tộc.

Đây cũng là phương thức để tiếp tục khẳng định chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa; quản lý, bảo vệ các vùng nước bao quanh quần đảo Hoàng Sa theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển - UNCLOS 1982; bảo vệ lợi ích của quốc gia, quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của ngư dân, công dân và tổ chức Việt Nam trên các vùng biển liên quan; góp phần bảo vệ an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không, duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông.

Nhà Trưng bày Hoàng Sa đang trưng bày hơn 400 tư liệu, hiện vật. Hiện có 1.791 đầu sách, báo, tạp chí liên quan đến biển, đảo Việt Nam trong kho bảo quản. Trong năm 2021, Nhà Trưng bày tiếp nhận 847 đầu sách, tạp chí, xuất bản phẩm từ nguồn sưu tầm và chuyển tặng; 64 mẫu cua hóa thạch; thực hiện in ấn bản dịch, lưu trữ hồ sơ đối với sắc, bằng thủy quân triều Nguyễn. Nhà Trưng bày Hoàng Sa đang tiến hành rà soát, thống kê và đánh giá thực trạng file dữ liệu số: tư liệu về Hoàng Sa lưu trữ tại Pháp; tư liệu liên quan đến quần đảo Hoàng Sa giai đoạn 1884-1954 và thực hiện công tác phân loại và đánh mã số kiểm kê cho 253 đầu sách với 763 quyển.
Nguồn: Nhà Trưng bày Hoàng Sa

TRỌNG HUY

;
;
.
.
.
.
.