Chính trị - Xã hội
Triển khai nghiêm túc, kịp thời các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động
Ngày 10-1, tại Hà Nội, phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam năm 2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực của BHXH Việt Nam trong việc thực hiện các nhiệm vụ, góp phần ổn định kinh tế - xã hội, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
BHXH Việt Nam chủ động rà soát, tiết kiệm 10-15% chi phí quản lý. Tổng số dư các quỹ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đến hết tháng 12-2021 đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 9% so với cuối năm 2020. Công tác chuyển đổi số trong các hoạt động của BHXH được đẩy mạnh, hoàn thiện kho cơ sở dữ liệu hơn 98 triệu dân, là nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; liên thông, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương.
Trong năm 2021, BHXH Việt Nam đẩy mạnh triển khai ứng dụng VssID - BHXH số, giúp người dùng có thể quản lý, kiểm soát quá trình tham gia, thụ hưởng; thực hiện các dịch vụ trên ứng dụng. Đến nay có trên 25 triệu người cài đặt, sử dụng ứng dụng này. Thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu BHXH Việt Nam tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối, định hướng, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chủ động xây dựng, triển khai linh hoạt các giải pháp, kịch bản điều hành tổ chức thực hiện nhiệm vụ thích ứng với diễn biến, tình hình thực tế theo Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ. Chủ động nắm bắt, đánh giá những vướng mắc trong thực tiễn tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp đề xuất, kiến nghị cơ quan thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật phù hợp. Cần đổi mới hơn nữa nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông để người dân có thể tiếp cận tốt nhất mọi thông tin về BHXH, BHTN, BHYT...
Theo BHXH Việt Nam, năm 2021 có 16,547 triệu người tham gia BHXH (tăng 2,2% so với năm 2020); đặc biệt BHXH tự nguyện 1,45 triệu người (tăng 28,9% so với năm 2020). Tham gia BHTN gần 13,4 triệu người (tăng 0,4% so với năm 2020); tham gia BHYT hơn 88,837 triệu người (tăng 0,9% so với năm 2020), đạt tỷ lệ bao phủ 91,01% dân số. Tổng số thu BHXH, BHTN, BHYT là hơn 395.472 tỷ đồng (tăng 0,6% so với năm 2020). Về công tác giải quyết, chi trả chế độ, chính sách BHXH, BHTN, BHYT, ngành BHXH Việt Nam đã cải cách hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số, giao dịch điện tử; xây dựng 141 tiêu chí rủi ro trong quản lý điều hành; kiểm soát chặt chẽ, chống lạm dụng, trục lợi quỹ qua hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung của ngành.
Trong thời gian dịch bệnh, BHXH đã đa dạng, linh hoạt các phương thức giải quyết chế độ và chi trả; đẩy mạnh chi trả không dùng tiền mặt với các thủ tục hành chính được đơn giản hóa, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ triển khai nhất. BHXH Việt Nam đã bảo đảm chi trả đầy đủ, kịp thời, an toàn cho 3,3 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng với gần 15 nghìn điểm chi trả đến cấp xã; trên 738 nghìn người hưởng trợ cấp thất nghiệp; trên 7,8 triệu lượt người hưởng chế độ trợ cấp ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; 125,96 triệu lượt người khám, chữa bệnh.
PHAN CHUNG