Hạt nhân công tác xây dựng Đảng ở cơ sở - Bài 3: Nâng cao hiệu quả hoạt động chi bộ khu dân cư

.

Các bí thư chi bộ khu dân cư (KDC) trên địa bàn thành phố đã không ngừng nỗ lực để hoạt động của các chi bộ thôn, KDC hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên.

Ông Bùi Thế Hoa (thứ 2, phải sang), Bí thư Chi bộ Nại Hưng 1A, Đảng bộ phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) trao đổi với các đảng viên trong chi bộ về tổ chức triển khai các nhiệm vụ đầu năm 2022 của chi bộ. Ảnh: TRỌNG HUY
Ông Bùi Thế Hoa (thứ 2, phải sang), Bí thư Chi bộ Nại Hưng 1A, Đảng bộ phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) trao đổi với các đảng viên trong chi bộ về tổ chức triển khai các nhiệm vụ đầu năm 2022 của chi bộ. Ảnh: TRỌNG HUY

Song song những mặt thuận lợi, hoạt động của chi bộ, bí thư chi bộ KDC trên thực tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại, cần giải pháp tích cực để thực sự phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo của bí thư chi bộ KDC trên địa bàn thành phố trong thời gian tới.

Mới đây, Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức khảo sát “Ý kiến của bí thư chi bộ KDC trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” đối với các bí thư chi bộ trên địa bàn thành phố để đánh giá tình hình hoạt động và đề ra một số giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của chi bộ KDC và công tác xây dựng Đảng ở cơ sở trong thời gian đến. Qua khảo sát cho thấy, bí thư chi bộ trong độ tuổi từ 31-60 chiếm 32%; từ 61 - 85 chiếm 68%. Trong đó, độ tuổi từ 61-70 chiếm phần lớn với 709/1.200 người; độ tuổi từ 71 trở lên có 102/1.200 người.

Theo nhiều bí thư chi bộ KDC, hiện nay ở một số chi bộ đảng viên đông, nhưng việc tìm người đảm nhận chức danh bí thư rất khó do nhiều nguyên nhân. Ghi nhận ý kiến trong bảng khảo sát “Ý kiến của bí thư chi bộ KDC trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”, các bí thư chi bộ cho rằng cần đổi mới về công tác nhân sự, cụ thể là những quy định khung. Trong đó bảo đảm trình độ năng lực và tính quyết đoán trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ. Lựa chọn bí thư chi bộ có trình độ, đạo đức, có quy định về độ tuổi, không để những người lớn tuổi vẫn phải đảm nhiệm vì không có nguời thay thế… Cũng có ý kiến cho rằng, cấp ủy chi bộ KDC chỉ có bí thư, phó bí thư có phụ cấp, còn chi ủy viên thì không, nên khó nuôi nguồn kế cận lãnh đạo chi bộ, khó thu hút đảng viên trẻ tham gia. 

Đổi mới tổ chức hoạt động chi bộ KDC

Cuộc khảo sát do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức tập trung 4 vấn đề như: đánh giá những khó khăn, bất cập và vướng mắc trong hoạt động của chi bộ KDC hiện nay; những vấn đề cần hỗ trợ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức hoạt động; những vấn đề cần đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức hoạt động của chi bộ KDC và giải pháp để tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức cung cấp thông tin thường xuyên, định kỳ và đột xuất cho bí thư chi bộ KDC thời gian đến.

Kết quả khảo sát những khó khăn, bất cập và vướng mắc lớn nhất trong hoạt động của chi bộ KDC hiện nay, có 3/8 vấn đề cần quan tâm giải quyết. Đó là tác động của mạng xã hội đến công tác tuyên truyền, định hướng tư tưởng và quản lý đảng viên; chế độ, chính sách chưa thỏa đáng, phù hợp; việc kiểm tra, giám sát đối với đảng viên sinh hoạt nơi cư trú, nhất là cán bộ hưu trí cao cấp, đảng viên miễn sinh hoạt Đảng tạm thời để đi làm ăn xa ngoài phạm vi quản lý của Đảng bộ thành phố.

Đối với những vấn đề cần hỗ trợ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức hoạt động của chi bộ KDC, cả 4 nhóm vấn đề được hỏi đều cần được hỗ trợ như: tăng mức hỗ trợ về chế độ, chính sách đối với bí thư chi bộ KDC ; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời, can thiệp đúng lúc của các cấp chính quyền, nhất là cấp ủy cơ sở phường/xã trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức hoạt động của chi bộ KDC đối với tổ dân phố, ban công tác Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội tại KDC ; cần thông tin đầy đủ, định hướng kịp thời các vấn đề thời sự quốc tế, trong nước, thành phố và địa phương và tập huấn về nghiệp vụ công tác Đảng, nhất là kỹ năng điều hành, chủ trì cuộc họp chi bộ KDC, kỹ năng vận động, tuyên truyền miệng.

Đánh giá những vấn đề cần đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức hoạt động của chi bộ KDC, có 7/8 vấn đề cần đổi mới như: đổi mới công tác đánh giá, xếp loại, thi đua, khen thưởng tổ chức Đảng, đảng viên, nhất là đối với những chi bộ gặp khó khăn trong công tác tạo nguồn và phát triển đảng viên mới, nâng cao tỷ lệ đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; khen thưởng, biểu dương, nêu gương tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến; đổi mới phương thức cung cấp thông tin các văn bản chỉ đạo, các tài liệu mang tính định hướng ...

Về giải pháp để tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức cung cấp thông tin thường xuyên, định kỳ và đột xuất cho bí thư chi bộ KDC thời gian đến cần tập trung xây dựng và triển khai một số giải pháp. Đó là đổi mới nội dung và thường xuyên tổ chức hội nghị thông tin thời sự, thông tin chuyên đề phù hợp với tình hình thực tiễn; rà soát, thiết lập các nhóm zalo kết nối các bí thư chi bộ KDC theo phường, xã, quận, huyện; triển khai hệ thống tin nhắn qua tổng đài để thông tin, thông báo các nội dung nổi cộm, đột xuất đến số điện thoại của các bí thư chi bộ; xây dựng ứng dụng Thông tin sinh hoạt chi bộ (app sử dụng trên máy tính, điện thoại di động thông minh); đổi mới nội dung, hình thức, chất lượng của Bản thông tin nội bộ định kỳ hằng tháng (bản tin phục vụ sinh hoạt chi bộ).

Xây dựng cơ sở dữ liệu bí thư chi bộ khu dân cư

Theo Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đoàn Ngọc Hùng Anh, trên cơ sở kết quả cuộc khảo sát, Ban Tuyên giáo Thành ủy đề xuất một số kiến nghị như cần tăng cường chỉ đạo các cấp tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và hiệu quả là hạt nhân chính trị cơ sở của chi bộ KDC trong lãnh đạo triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các phong trào ở địa bàn dân cư, góp phần quan trọng tạo nên các chuyển biến trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh, quốc phòng của thành phố. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của cấp ủy, cán bộ, đảng viên trong công tác kiểm tra, giám sát; coi trọng việc nắm tình hình hoạt động của chi bộ, đảng viên để sớm phát hiện, ngăn ngừa, khắc phục thiếu sót, khuyết điểm trong sinh hoạt.

Tiếp tục chỉ đạo xây dựng và ban hành nội dung hướng dẫn chuẩn về sinh hoạt chi bộ đối với KDC; đổi mới hình thức sinh hoạt chi bộ cho phù hợp, nhất là những chi bộ mang tính đặc thù đảng viên phân tán, không tập trung, chi bộ có quá ít đảng viên; đổi mới trong cách thức lựa chọn nội dung sinh hoạt chi bộ KDC; đổi mới công tác đánh giá, xếp loại, thi đua, khen thưởng tổ chức Đảng, đảng viên, nhất là đối với những chi bộ gặp khó khăn trong công tác tạo nguồn và phát triển đảng viên mới, nâng cao tỷ lệ đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, khen thưởng, biểu dương, nêu gương tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến…

Ông Hùng Anh nhấn mạnh đến việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời, đúng lúc của các cấp chính quyền, nhất là cấp ủy cơ sở phường/xã trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức hoạt động của chi bộ KDC đối với tổ dân phố, ban công tác Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội tại KDC. Đặc biệt, Thành ủy chỉ đạo Ban Tổ chức Thành ủy phối hợp Ban Tuyên giáo Thành ủy và Văn phòng Thành ủy xây dựng cơ sở dữ liệu của bí thư chi bộ KDC, từ đó tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức cung cấp thông tin, tổ chức hội nghị thông tin thời sự, thông tin chuyên đề phù hợp với tình hình thực tiễn…

Cuộc khảo sát “Ý kiến của bí thư chi bộ khu dân cư trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức. Tổng số mẫu phiếu phát ra 1.202 phiếu; trong đó, quận Hải Châu: 334 phiếu, quận Thanh Khê: 203 phiếu, quận Sơn Trà: 171 phiếu, quận Ngũ Hành Sơn: 133 phiếu, quận Liên Chiểu: 131 phiếu, quận Cẩm Lệ: 117 phiếu, huyện Hòa Vang: 113 phiếu. Số phiếu thu về hợp lệ: 1.200 phiếu, đạt tỷ lệ 99,83%.

Bà Phan Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND thành phố cho biết, theo quy định về chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách và người tham gia công việc ở tổ dân phố, thôn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng hiện thực hiện theo Nghị quyết số 278/2019/NQ-HĐND của HĐND thành phố. Theo đó, bí thư chi bộ KDC ở khu vực dưới 100 hộ dân, mức phụ cấp hằng tháng 0,6; từ 100 hộ đến dưới 250 hộ, mức hỗ trợ 0,8; từ 250 hộ trở lên được hỗ trợ 1,0. Đối với thôn, bí thư chi bộ KDC dưới 250 hộ, mức hỗ trợ 0,8; từ 250 hộ đến dưới 350 hộ, mức phụ cấp 1,0; từ 350 hộ trở lên, mức hỗ trợ 1,5.

Theo tinh thần Nghị quyết số 86/NQ-HĐND của HĐND thành phố về nhiệm vụ năm 2022, Nghị định số 34/2019/NĐ-CP và các quy định pháp luật có liên quan, hiện nay các ngành đang tham mưu đề xuất để trình HĐND thành phố tại kỳ họp gần nhất sẽ tăng chế độ phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách và hỗ trợ người tham gia công việc ở tổ dân phố, thôn và tăng mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở phường, xã, dưới phường, xã, mức khoán kinh phí hoạt động của tổ dân phố, thôn bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế hiện nay và sẽ bố trí đủ ngân sách để các địa phương tổ chức thực hiện.

H. NHUNG - T. HUY - N. PHÚ

;
;
.
.
.
.
.