Chính trị - Xã hội

Hiệu quả mô hình hỗ trợ tư vấn và kết nối dịch vụ điều trị nghiện ma túy

09:00, 05/03/2022 (GMT+7)

Năm 2019, UBND thành phố ban hành kế hoạch triển khai thí điểm mô hình “Hỗ trợ tư vấn và kết nối các dịch vụ điều trị nghiện ma túy” triển khai trên địa bàn. Hơn hai năm qua, mô hình này góp phần giảm tỷ lệ người nghiện, mang lại hiệu quả trong giảm tệ nạn xã hội.

Thành phố triển khai mô hình thí điểm tại phường Hải Châu 2 (quận Hải Châu) và phường Vĩnh Trung (quận Thanh Khê), giúp người sử dụng, người nghiện được hỗ trợ tư vấn pháp lý, vay vốn, học nghề, tạo việc làm, đồng thời được sàng lọc để chuyển đến cơ sở y tế và được điều trị. Việc phối hợp giữa các cấp, ngành, địa phương trong triển khai mô hình khá đồng bộ, kịp thời. Đối tượng thực hiện chuyển gửi bảo đảm theo đúng quy trình sau khi chuyển đến trạm y tế sàng lọc và kết nối các dịch vụ để điều trị phù hợp… Qua đó, nhiều đối tượng được hỗ trợ, góp phần giảm tình trạng nghiện ma túy trên địa bàn. Với những kết quả đó, thời gian qua, thành phố mở rộng địa bàn thí điểm thêm 4 phường: Thuận Phước và Bình Thuận (quận Hải Châu), Thanh Khê Đông và Tam Thuận (quận Thanh Khê).

Theo thông tin từ Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội), hiện có 283 đối tượng tham gia mô hình ở 6 phường. Phần lớn các đối tượng tham gia mô hình ở các phường đều được tư vấn về tác hại của ma túy, các hình thức, biện pháp cai nghiện, các chính sách hỗ trợ sinh kế, học nghề đối với người sử dụng và nghiện ma túy… Đến nay, có 213 đối tượng tiến bộ (75,27%); 63 đối tượng chưa tiến bộ (22,26%); 7 đối tượng có nguy cơ cao (2,47%) và 185 đối tượng có việc làm (65,37%); 74 đối tượng chưa có việc làm (26,15%); 24 người đối tượng sử dụng lại ma túy (8,48%). Nhờ tham gia mô hình, nhiều người nghiện ma túy được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ, sử dụng các dịch vụ tư vấn, điều trị nghiện ma túy. Đồng thời giảm các hành vi vi phạm pháp luật, giảm tỷ lệ tội phạm do nhóm đối tượng sử dụng ma túy gây ra, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Tuy nhiên, thực tế triển khai mô hình cho thấy, một số đối tượng còn ngại, chưa nhiệt tình tham gia. Một số đối tượng chưa có ý chí trong việc từ bỏ ma túy nên dễ bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo sử dụng lại. Bên cạnh đó, việc lập hồ sơ vay vốn tạo việc làm của các đối tượng còn nhiều khó khăn. Mặc dù chính quyền địa phương quan tâm huy động các đơn vị hỗ trợ học nghề, tạo việc làm nhưng đa số các đối tượng có trình độ học vấn thấp, chưa chịu khó học... Công tác phân loại sàng lọc đánh giá đối tượng sử dụng nhiều loại ma túy gây khó khăn cho cơ quan y tế địa phương. Điều phối viên tham gia mô hình đa số kiêm nhiệm nhiều việc, ảnh hưởng tiến độ hoạt động mô hình...

Mô hình “Hỗ trợ tư vấn và kết nối các dịch vụ điều trị nghiện ma túy” hiện nay rất cần thiết và là cầu nối gắn kết giữa các địa phương quản lý các đối tượng sử dụng ma túy, cai nghiện ma túy. Qua đó, giúp họ có điều kiện tiếp cận các dịch vụ y tế, điều trị cắt cơn giải độc, sàng lọc, giới thiệu tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế và các biện pháp phòng, chống ma túy… Thiết nghĩ, thành phố cần tiếp tục hỗ trợ cơ sở vật chất, nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi trong việc triển khai các hoạt động và tiếp tục duy trì, mở rộng triển khai ở các phường, xã trên địa bàn thành phố, góp phần giảm tỷ lệ cai nghiện bắt buộc tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng.

PHƯƠNG MINH

.