Hướng đến Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII và ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, phụ nữ Đà Nẵng có nhiều hoạt động ý nghĩa góp phần xây dựng hình ảnh phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới.
Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hoàng Thị Thu Hương (ảnh) có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng xoay quanh vấn đề này.
* Phụ nữ Đà Nẵng có những đóng góp quan trọng gì cho động lực phát triển kinh tế, chính trị - xã hội của thành phố nói riêng và cả nước nói chung, thưa bà?
- Phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng của các thế hệ đi trước, phụ nữ Việt Nam ngày nay nói chung và phụ nữ Đà Nẵng nói riêng tiếp tục khẳng định vai trò, đóng góp quan trọng trong công cuộc đổi mới, hội nhập, xây dựng, phát triển đất nước và thành phố Đà Nẵng. Chiếm 50,2% dân số và 47,3% lực lượng lao động, phụ nữ Đà Nẵng ngày càng khẳng định rõ nét vai trò, vị trí của mình khi tham gia vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội
Trong lĩnh vực chính trị, phụ nữ ngày càng nhận thức đầy đủ và tích cực, chủ động thực hiện quyền công dân, nghĩa vụ đối với thành phố và đất nước. Đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý được tăng cường và nâng cao về chất lượng, số lượng; cán bộ nữ cấp ủy viên, đại biểu HĐND các cấp liên tục tăng qua các nhiệm kỳ. Trong lĩnh vực kinh tế, lực lượng lao động nữ tích cực tham gia phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, góp sức tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng, chất lượng, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Trong hoạt động xã hội, phụ nữ ngành y tế, giáo dục, văn hóa, báo chí, thể dục thể thao... đạt những danh hiệu cao quý. Đặc biệt, qua hai năm chiến đấu với Covid-19, dưới sự lãnh đạo của Đảng cùng hệ thống chính trị và nhân dân, cán bộ, hội viên phụ nữ Đà Nẵng đoàn kết, nỗ lực thực hiện mục tiêu kép vừa tham gia phòng, chống Covid-19, vừa đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Phụ nữ Đà Nẵng diễu hành hưởng ứng tuần lễ áo dài. Ảnh: NGỌC HÀ |
* Từ các chuyên đề, phong trào, công trình thi đua do Hội LHPN Việt Nam phát động, phụ nữ Đà Nẵng có cách làm riêng, khẳng định bản sắc của người Đà Nẵng, phụ nữ Đà Nẵng. Bà có thể chia sẻ thêm về bản sắc riêng này?
- Từ những thành công của phong trào phụ nữ cả nước, các cấp Hội Phụ nữ Đà Nẵng triển khai nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, không những nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực từ hội viên phụ nữ mà còn có sức lan tỏa sâu rộng, từng bước tác động đến suy nghĩ, hành động của nhân dân, góp phần vào công cuộc xây dựng thành phố vững mạnh, đẹp giàu.
Mô hình giải thưởng “Chi hội phụ nữ tiêu biểu” duy trì hiệu quả qua ba nhiệm kỳ liên tiếp, phù hợp thực tiễn, được chính quyền địa phương ghi nhận, nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước áp dụng, nhân rộng. Công trình “Vạn phần quà san sẻ yêu thương”; “Tỷ đồng cho thiết bị xanh - Môi trường sạch” gắn với phong trào thi đua “Mỗi hội viên một cử chỉ đẹp, mỗi tổ chức hội một hành động ý nghĩa” chuyển tải thông điệp nhân văn, nhân ái, truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, của người Đà Nẵng. Đặc biệt, chuỗi sự kiện “Sắc Cam - Thắp sáng và hành động” trở thành thương hiệu của phụ nữ Đà Nẵng, thể hiện cam kết của tổ chức hội trong việc cùng với cấp ủy, chính quyền xây dựng thành phố Đà Nẵng an toàn - không bạo lực với phụ nữ và trẻ em, “sắc cam” trở thành sắc màu riêng, màu nhận diện của phụ nữ Đà Nẵng.
Hiệu quả từ các phong trào thi đua hình thành giá trị bản sắc riêng, phù hợp truyền thống, lịch sử, văn hóa, hình ảnh người Đà Nẵng, phụ nữ Đà Nẵng, góp phần xây dựng thành phố “4 an”, thành phố “5 không” hướng đến xây dựng thành phố giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại.
* Với đông đảo hội viên thuộc các tầng lớp khác nhau, Hội LHPN tập hợp, đoàn kết hội viên thế nào để phát huy nội lực, đóng góp vào thành công chung của hoạt động hội?
- Với phương châm “ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động hội”, các cấp Hội phụ nữ Đà Nẵng tập trung đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động, đa dạng hóa hình thức tập hợp, hướng về cơ sở, gắn với các vấn đề thiết thân của phụ nữ. Với 278 tổ/ nhóm/CLB từ các mô hình tập hợp phụ nữ tiểu thương tại các chợ, nữ công nhân tại các khu công nghiệp, nữ trí thức tại các trường đại học, nữ lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan, đơn vị; đặc biệt việc kết nối thành công với nữ doanh nhân, nữ khởi nghiệp tạo mạng lưới hội viên rộng khắp ở các địa phương, khẳng định tính liên hiệp của tổ chức hội.
Với mục tiêu mỗi cơ sở hội, mỗi cán bộ hội thật sự trở thành chỗ dựa tin cậy, đồng hành cùng hội viên, phụ nữ, là cầu nối giữa Đảng với các tầng lớp phụ nữ, hội thu hút các hội, nhóm, CLB có phụ nữ tham gia sinh hoạt vào một hệ thống có tổ chức, có chỉ đạo thống nhất thông qua tổ chức Hội phụ nữ từ cấp cơ sở đến thành phố. Mô hình CLB “Vũ điệu thể thao” và các phong trào thể thao quần chúng kết nối, tập hợp các tầng lớp phụ nữ thành phong trào quần chúng rộng rãi, tạo nên sự phong phú, đa dạng trong phong trào phụ nữ Đà Nẵng.
Phụ nữ Đà Nẵng diễu hành hưởng ứng tuần lễ áo dài. Ảnh: NGỌC HÀ |
* Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, Hội LHPN thành phố Đà Nẵng có kiến nghị, đề xuất gì để hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, góp phần xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới?
- Trước thềm đại hội, tôi tin tưởng và kỳ vọng nhiệm kỳ này, với quan điểm “lấy sự đồng thuận và tin tưởng của phụ nữ là thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức hội”, Hội LHPN Việt Nam sẽ có những định hướng, quyết sách đúng đắn, sáng tạo, hiệu quả để nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và tổ chức hội.
Đặc biệt, trong bối cảnh tác động của Covid-19, Hội LHPN Việt Nam cần lựa chọn những vấn đề thiết thân của phụ nữ, gia đình, bình đẳng giới để xây dựng và tham mưu cho Đảng, Chính phủ ban hành những chủ trương, chính sách, đề án, chương trình liên quan; bảo đảm sự an toàn, thân thiện và bình đẳng; hỗ trợ và tạo điều kiện để phụ nữ tiếp cận và thụ hưởng các chính sách, nguồn lực cũng như cơ hội để phụ nữ phát triển toàn diện và khẳng định vai trò, vị thế trong gia đình và xã hội.
Đồng thời, Hội LHPN Việt Nam tiếp tục tăng cường các hình thức truyền cảm hứng, khuyến khích các tầng lớp phụ nữ chủ động học tập, nâng cao năng lực, trình độ về mọi mặt, chủ động tiếp cận tiến bộ khoa học và công nghệ, thích ứng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tăng cường công tác giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, pháp luật để xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới tri thức, đạo đức, có sức khỏe và trách nhiệm với gia đình, xã hội và tổ quốc, trở thành nguồn nhân lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương.
* Cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!
THU HÀ thực hiện
* Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến: Hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện Tôi kỳ vọng nhiệm kỳ mới đổi mới, đột phá, giải quyết những vấn đề thiết thân của phụ nữ, trong đó chú trọng hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em. Tôi cũng mong muốn đại hội sẽ thảo luận, bàn bạc và quyết định nhiều vấn đề thiết thực liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ để nâng cao đời sống, vai trò, vị trí của phụ nữ, bảo đảm thực hiện bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực; tạo cơ hội cho phụ nữ phát huy tính tự chủ, sức sáng tạo, khát vọng vươn lên; xây dựng tổ chức hội vững mạnh, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Đồng thời, sẽ có nhiều chính sách, chương trình hành động phát huy vai trò nòng cốt của tổ chức hội trong vận động xã hội về bình đẳng giới, tiếp tục chủ động trong tham mưu, tạo nguồn cán bộ nữ, duy trì bền vững và chất lượng nữ trong cơ quan dân cử và hệ thống chính trị các cấp. * Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân thành phố Lê Thị Nam Phương: Có giải pháp phát triển kinh tế cho phụ nữ sau Covid-19 Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII tổ chức trong thời điểm đặc biệt, khi chúng ta đang trải qua giai đoạn khốc liệt của Covid-19, vừa trở lại cuộc sống bình thường mới, còn rất nhiều khó khăn và thách thức với mong muốn ổn định và phát triển kinh tế. Tin tưởng và kỳ vọng đại hội lần này sẽ đề ra nhiều giải pháp nâng cao vai trò phụ nữ, tạo động lực và đưa ra quyết sách tập trung để giúp phụ nữ Việt Nam phát huy tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên trong giai đoạn mới. Đặc biệt, tôi quan tâm đến giải pháp phát triển kinh tế cho phụ nữ sau Covid-19. Là đại biểu đến từ Hiệp hội Nữ doanh nhân, tôi mong muốn đại hội tập trung quan tâm, tạo điều kiện phát triển mạng lưới của tổ chức này rộng đều khắp các địa phương, trao cho họ sứ mệnh dẫn dắt phụ nữ làm kinh tế để hiệp hội đóng góp nhiều hơn trong sự nghiệp phát triển phụ nữ nói chung và nâng cao chất lượng cuộc sống phụ nữ nói riêng. *Thượng tá Lê Thị Thu Huyền, Phó Giám thị Trại tạm giam Công an thành phố: Phát huy vai trò và thế mạnh của phụ nữ công an Tôi rất vinh dự và tự hào đại diện cho phụ nữ lực lượng vũ trang nhân dân thành phố tham dự Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII. Tôi mong muốn và kỳ vọng tổ chức Hội LHPN sẽ đề xuất, tham mưu Đảng, Nhà nước có những chủ trương, chính sách, tạo điều kiện cho phụ nữ lực lượng vũ trang nói chung, phụ nữ Công an nhân dân nói riêng trưởng thành và phát triển. Tiếp tục quan tâm công tác cán bộ nữ trong lực lượng Công an nhân dân, phát huy vai trò và thế mạnh của phụ nữ Công an trên tất cả các lĩnh vực để chị em cống hiến, đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân nhân. * Chủ tịch Hội Liên Hiệp phụ nữ quận Ngũ Hành Sơn Trần Thị Ngọc Lan: Quan tâm người yếu thế Trong xã hội hiện nay, vẫn còn nhiều vấn đề ảnh hưởng đến sự an toàn đối với phụ nữ và trẻ em như xâm hại, bạo lực, buôn bán phụ nữ, trẻ em, tệ nạn xã hội, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, dịch bệnh…Tôi mong muốn và kỳ vọng Đại hội sẽ thảo luận và biểu quyết thông qua những giải pháp mới thiết thân, đáp ứng những mong mỏi, yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của phụ nữ, trẻ em nhất là phụ nữ, trẻ em yếu thế; trong đó tập trung thực hiện nhiều mô hình thiết thực tạo dựng môi trường an toàn, thân thiện cho phụ nữ và trẻ em. |