Cơ hội để phục hồi phát triển kinh tế - xã hội

.

Covid-19 khởi phát từ cuối năm 2019, đã tồn tại dai dẳng sang năm thứ 3, cộng dồn ngót nghét 28 tháng cả hành tinh chúng ta đối mặt, chống chọi với đại dịch này với bao tổn thất. Đến 5-3, toàn thế giới đã ghi nhận 443.451.776 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, trong đó có 6.008.203 ca tử vong. Cùng thời gian, Việt Nam có 4.232.520 ca nhiễm, trong đó có 40.726 ca tử vong.   Dù vậy, bức tranh về Covid -19 đang có những gam màu sáng.

Theo báo cáo mới của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên thế giới đã giảm 16% trong tuần vừa qua, đánh dấu đà giảm kéo dài một tháng trong biểu đồ về số ca mắc Covid-19 toàn cầu. WHO đánh giá Omicron vẫn là biến thể phổ biến trên toàn thế giới. Dữ liệu thống kê cho thấy có tới 99,5% số ca mắc Covid-19 hiện nay do biến thể Omicron gây ra, trong khi chỉ có 0,3% là do nhiễm Delta. Thế giới hiện chưa xuất hiện thêm biến thể nào đáng lo ngại, ngoại trừ những biến thể đã biết.

Trong nước, ngày 5-3, theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, số ca mắc Covid -19 trong thời gian gần đây tăng lên chủ yếu do biến thể BA.2 của biến chủng Omicron. Ông nói: “Biến chủng này lây lan nhanh hơn, tuy nhiên ít làm tăng nặng hơn”. Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, vắc-xin hiện nay vẫn đặc biệt hiệu quả trong giảm mức độ nặng, ca tử vong và nhập viện, kể cả với biến chủng Omicron. Do tỷ lệ bao phủ vắc-xin cao trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là đã có sự chăm sóc đối tượng nguy cơ cao nên tỷ lệ chết/mắc trên phạm vi toàn quốc giảm sâu (ngày 1/2 là 0,9% và ngày 03/3 là 0,1%). Mặc dù số ca mắc Covid -19, đặc biệt là ca cộng đồng tăng nhưng giảm cả 3 tiêu chí: nhập viện, ca nặng, tử vong.

Trong báo cáo gởi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đề xuất dừng thông báo số ca Covid-19 hằng ngày và bỏ cách ly đối với F1 đã tiêm đủ liều vắc-xin. Mặt khác, nước ta hiện đã hoàn thành các thủ tục để mua 22 triệu liều vắc-xin Pfizer để tiêm cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi và đang nỗ lực hoàn thành việc bàn giao vắc-xin này chậm nhất trong quý 2-2022. Đặc biệt, tư lệnh ngành y tế khẳng định: Hệ thống y tế vẫn đang trụ vững, tăng cường năng lực hồi sức và điều trị các ca nặng, Bộ Y tế đang tiến hành từng bước, hướng tới điều trị Covid-19 như điều trị bệnh nhân thông thường.

Theo đánh giá mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới về số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên thế giới cũng như tình hình Covid-19 tại nước ta hiện nay, có thể nhận thấy, mặc dù ca nhiễm vẫn còn cao, tuy nhiên, căn cứ vào sự thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính Phủ; Việt Nam thuộc nhóm có tỷ lệ bao phủ vắc-xin cao trên thế giới; số ca bệnh nặng và tử vong giảm dần; và đặc biệt là hệ thống y tế được xác định là đang trụ vững; chúng ta có thể yên tâm và hy vọng việc đẩy lùi dịch bệnh sẽ trở thành hiện thực trong tương lai gần.

Nhớ lại thời điểm tháng 4-2021, làn sóng Covid-19 bùng phát với biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh chóng, nguy hiểm diễn biến phức tạp trên địa bàn cả nước cũng như tại Đà Nẵng, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, an toàn của người dân và phát triển kinh tế - xã hội, song dưới sự lãnh đạo thống nhất của cả hệ thống chính trị và sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự đồng lòng, nhất trí của các cấp, các ngành, các địa phương; sự đồng tình, ủng hộ, chia sẻ và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế-xã hội nước ta đạt được kết quả  đáng khích lệ, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2021 ước tính tăng 2,58% so với cùng kỳ năm trước. Với sự thích ứng an toàn, linh hoạt vừa phòng chống Covid-19, vừa phục hồi phát triển kinh tế như hiện nay, kỳ vọng GDP năm 2022 sẽ đạt được những kết quả khả quan là có căn cứ.

Cơn bão Covid-19 quần thảo trong thời gian dài gây tổn thất nặng nề về nhân mạng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần và kinh tế toàn cầu, đồng thời mối hiểm nguy vẫn hiện hữu trên địa bàn cả nước và thành phố, dù vậy, với những tín hiệu khả quan như nêu trên, cần nhanh chóng hơn nữa trong việc xác lập kế hoạch sẵn sàng thích ứng với bối cảnh mới. Một mặt, tiếp tục đề cao cảnh giác, thực hiện nghiêm túc 5K + vắc-xin + thuốc điều trị và ý thức phòng, chống dịch; song song với việc động viên, khơi dậy sức mạnh của nhân dân trong lao động sản xuất, kinh doanh; các ngành, đơn vị địa phương cần có ngay các chương trình cụ thể, phù hợp để thích ứng, khôi phục và phát triển kinh tế.

Đối với cả nước và thành phố Đà Nẵng, dù không chủ quan và còn quá sớm để nói câu chuyện đẩy lùi hoàn toàn Covid-19, nhưng trước trạng thái mới theo chiều hướng có lợi hiện nay, cần tận dụng cơ hội để thích ứng hiệu quả hơn nữa để thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà thành phố đã đề ra trong năm 2022 và những năm tiếp theo. 

NGUYỄN ĐỨC NAM

;
;
.
.
.
.
.