Chính trị - Xã hội

Mốc son lịch sử của thành phố anh hùng

08:13, 29/03/2022 (GMT+7)

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân thành phố Đà Nẵng đã cùng nhân dân cả nước đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp thống nhất đất nước. Ngày giải phóng Đà Nẵng 29-3-1975 là một mốc son trong lịch sử của thành phố Đà Nẵng anh hùng.

Phút gặp gỡ đầu tiên giữa Quân Giải phóng với các lực lượng nổi dậy trong thành phố Đà Nẵng chiều 29-3-1975. (Ảnh lưu tại Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng)
Phút gặp gỡ đầu tiên giữa Quân Giải phóng với các lực lượng nổi dậy trong thành phố Đà Nẵng chiều 29-3-1975. (Ảnh lưu tại Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng)

“Vào Đà Nẵng ngày 29-3-1975”

Hội nghị Bộ Chính trị tháng 10-1974 và đầu năm 1975 nêu quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam, đánh bại cuộc chiến tranh thực dân mới của đế quốc Mỹ bằng cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Ngày 24-3-1975, ta giải phóng vùng Tây Nguyên rộng lớn; ngày 26-3-1975, giải phóng thành phố Huế, hơn 10 vạn quân địch ở Đà Nẵng bị cô lập từ cả hai hướng.

Ngày 22-3-1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chỉ thị Khu ủy và Quân khu 5: “Địch rút bỏ Huế và không loại trừ khả năng rút bỏ Đà Nẵng, chuẩn bị tích cực đánh Đà Nẵng theo phương án đã dự kiến”. Ngày 23-3-1975, Thường vụ Khu ủy và Quân khu 5 họp mở rộng, hạ quyết tâm: “Động viên toàn Đảng bộ, toàn quân, toàn dân trong khu phấn đấu trong thời gian ngắn nhất giải phóng hoàn toàn Khu 5”. Ngày 24-3-1975, Đặc Khu ủy Quảng Đà tổ chức cuộc họp quan trọng bàn triển khai kế hoạch giải phóng Đà Nẵng, với 3 yêu cầu: Phải làm tan rã địch một cách triệt để; không để địch bốc dân đi; phải bảo vệ đến mức cao nhất tính mạng, tài sản của nhân dân và kho tàng cũng như các cơ sở vật chất khác.

Cùng ngày giải phóng Huế, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Mặt trận Quảng Đà để chỉ huy cuộc tiến công giải phóng Đà Nẵng do đồng chí Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh, đồng chí Chu Huy Mân làm Chính ủy. Tối ngày 27-3-1975, đồng chí Võ Chí Công - Bí thư Khu ủy 5, làm việc với Thường vụ Đặc Khu ủy Quảng Đà, khẳng định: Phải giải phóng Đà Nẵng bằng hai lực lượng tấn công quân sự và nổi dậy của quần chúng, chậm nhất là ngày 3-4-1975 hoàn thành giải phóng thành phố.
Lực lượng tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Đà Nẵng của cả Trung ương và địa phương gồm: Quân đoàn 2 với các Sư đoàn 304, 325; lực lượng Quân khu 5 gồm Sư đoàn 2 và Lữ đoàn 52; lực lượng địa phương gồm Trung đoàn 96 và Trung đoàn 97 của Mặt trận 44 Quảng Đà và các lực lượng quân sự, chính trị ở nội, ngoại thành.

Chiến dịch giải phóng Đà Nẵng bắt đầu từ 5 giờ sáng ngày 28-3-1975 khi pháo binh của ta nổ súng vào Bà Rén, Vĩnh Điện, Hòn Bằng và vào 8 giờ sáng bắn khống chế sân bay và hải cảng Đà Nẵng. Tại Đà Nẵng, trước sức tấn công như vũ bão của quân dân ta, đêm 28-3, Ngô Quang Trưởng - Trung tướng, Tư lệnh Quân đoàn I, cùng đồng bọn bí mật chạy ra Hạm đội 7 của Mỹ ở ngoài khơi Biển Đông. Nhận được tin này, Thường vụ Đặc Khu ủy Quảng Đà hạ quyết tâm: “Vào Đà Nẵng ngày 29-3-1975” và được Thường vụ Khu ủy 5 chấp thuận.

Phối hợp với lực lượng tiến công từ ngoài vào, rạng ngày 29-3-1975, tại số nhà 245 Phan Châu Trinh, Thường vụ Đặc Khu ủy Quảng Đà đã phát lệnh khởi nghĩa; các ủy ban khởi nghĩa trong thành phố lập tức đưa quần chúng nổi dậy, tấn công vào quân ngụy, kêu gọi binh sĩ ngụy hạ vũ khí trở về nhà, không chống cự, ra hàng cách mạng. Lực lượng biệt động và tự vệ thành phố triển khai kế hoạch đánh chiếm các vị trí theo phương án đã vạch ra, đặc biệt là phải chiếm lĩnh nguyên vẹn nhà máy điện, giữ cho được dòng điện và ánh sáng, giải phóng các nhà lao, không cho địch ám hại đồng chí, đồng bào ta. Trong khoảng 8 giờ đến 12 giờ trưa, lực lượng khởi nghĩa đã chiếm các trụ sở của ngụy quyền như: trụ sở quận Nhất, quân vụ thị trấn, Đài phát tín, Tòa Thị chính... Phối hợp với lực lượng nổi dậy của quần chúng, chiều 29-3-1975, bộ đội chủ lực của ta với cả xe tăng và trọng pháo, vượt cầu Trịnh Minh Thế tiến qua chiếm lĩnh căn cứ Sơn Trà của địch. Vào lúc 18 giờ ngày 29-3, điện bật sáng cả thành phố, báo hiệu tin vui đại thắng: Đà Nẵng được giải phóng! (Riêng quần đảo Hoàng Sa vẫn chưa được giải phóng, còn bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép).

Ý nghĩa của giải phóng Đà Nẵng

Theo đồng chí Phạm Đức Nam, ngày 25-4-1975, đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn (Ba Duẩn) mời đồng chí Võ Chí Công (Năm Công) ra báo cáo tình hình giải phóng Khu 5 cho Bộ Chính trị nghe. Lúc 14 giờ ngày 26-4 khi ra Hà Nội thì đoàn đến thẳng nhà đồng chí Ba Duẩn để thăm. Khi gặp đồng chí Năm Công, đồng chí Ba Duẩn mừng khôn xiết, ôm hôn hồi lâu và nói: “Anh giỏi quá, vận dụng đại tài, linh hoạt sáng tạo nghị quyết Bộ Chính trị, giải phóng hoàn toàn Khu 5, làm tan rã hàng chục vạn quân ở Đà Nẵng và giải phóng thành phố Đà Nẵng, tạo thuận lợi cơ bản để giải phóng Sài Gòn sắp tới”.

Tiếp đó, nhân kỷ niệm 8 năm giải phóng Đà Nẵng ngày 29-3-1983, đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn thăm Đà Nẵng. Ngay trong lời đầu tiên nói với đồng chí Hoàng Minh Thắng - Bí thư Tỉnh ủy khi ra sân bay đón, như sau: “Tôi phấn khởi quá trở lại thăm Đà Nẵng, thăm lần này lại khác xa so với lần trước. Càng khác xa so với năm 1927 khi tôi làm việc và hoạt động cách mạng tại đây, một số đồng chí cùng hoạt động cách mạng với tôi còn sống ở Đà Nẵng. Nếu ngày 29-3-1975 không làm tan rã hơn 10 vạn quân chủ lực tại đây, không giải phóng được thành phố Đà Nẵng bằng tổng tiến công và tổng nổi dậy thì không thể có giải phóng Sài Gòn ngày 30-4. Nhớ nhé! Tôi nói lại nhé!”.

Những nhận xét của đồng chí Lê Duẩn đã nêu bật được ý nghĩa giải phóng Đà Nẵng. Quả đúng như vậy, sau chiến thắng Đà Nẵng, cuộc tổng tấn công vào Sài Gòn như triều dâng thác đổ, với khí thế ra quân, vô cùng náo nức, vô cùng sôi sục và niềm tin mãnh liệt chắc thắng ở thắng lợi cuối cùng tràn ngập trong lòng mỗi chiến sĩ và đồng bào ta.

Thắng lợi của Đà Nẵng là thắng lợi của sức mạnh nổi dậy quật khởi kiên cường, sức mạnh đoàn kết chiến đấu của nhân dân Đà Nẵng dưới sự lãnh đạo của Đảng, xứng đáng với tám chữ vàng mà Bác Hồ đã tặng: “Trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”. Đó là truyền thống cách mạng kiên trung của nhân dân Đà Nẵng được hun đúc qua các thời kỳ cách mạng. Do đó, trước thời cơ lịch sử đã chín muồi, nhân dân Đà Nẵng sẵn sàng và quyết tâm nhất tề nổi dậy, cùng với đòn tấn công quân sự giành thắng lợi oanh liệt.

VÕ HÀ

.