Nhân lực tại mỗi trạm y tế ít nhưng có trách nhiệm triển khai quản lý, thực hiện chương trình y tế dự phòng cho quy mô dân số trên địa bàn mỗi phường, xã là rất lớn. Tỷ lệ nhân viên y tế trên số người dân lớn là vậy, trong khi đó, đầu việc của các chương trình y tế dự phòng, mà cụ thể là các chương trình mục tiêu quốc gia y tế đều rất khó thực hiện.
Các chương trình mục tiêu quốc gia y tế mà các trạm y tế phải thực hiện bao gồm phòng, chống các bệnh lây nhiễm như: bệnh lao, bệnh phong, bệnh sốt rét, sốt xuất huyết...; các bệnh không lây nhiễm như: ung thư, tăng huyết áp, đái tháo đường, bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng, bệnh phổi tắc nghẽn và mãn tính...
Ngoài ra, còn có chương trình tiêm chủng mở rộng, chăm sóc sức khỏe sinh sản và cải thiện dinh dưỡng trẻ em, y tế học đường, chương trình quân dân y kết hợp... Đặc biệt, trong số này còn có chương trình quốc gia mang tính chu kỳ như phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống suy dinh dưỡng... tất cả đều cần nhiều công sức và thời gian thực hiện.
Đó là những đầu việc thường xuyên trong điều kiện không có dịch bệnh, còn khi xuất hiện các loại bệnh lây nhiễm như sốt xuất huyết, sốt rét... hay đặc biệt như Covid-19, quả thực là sự quá tải đối với nhân viên y tế cơ sở.
Hơn hai năm qua, từ khi Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, gần như họ không có ngày nghỉ, rất nhiều người trở thành F0, F1 vẫn cố gắng làm việc, nỗ lực hơn rất nhiều lần so với trước đây. Đội ngũ nhân viên y tế đó (thường thì chưa đến hai con số) phải chia nhau đi xuống từng khu dân cư lấy mẫu test Covid-19; hỗ trợ y tế tuyến trên đến từng hộ dân có F0 để đưa đi điều trị cách ly; chia nhau thăm, động viên từng trường hợp F0 cao tuổi, có bệnh nền...
Bên cạnh đó, họ còn làm thêm nhiều việc hành chính phát sinh từ Covid-19. Vốn chỉ quen với chuyên môn chăm sóc sức khỏe, nay họ phải vừa học, vừa làm thêm những công việc mới như tiếp nhận khai báo y tế các trường hợp F0, cấp giấy xác nhận hoàn thành tự cách ly điều trị F0 tại nhà... khiến áp lực đặt lên vai họ càng nặng nề.
Trải qua hai năm Covid-19 diễn biến phức tạp mới thấy vai trò và hiệu quả công việc của đội ngũ nhân viên y tế cơ sở quan trọng và ý nghĩa như thế nào, mới thấy những đóng góp thầm lặng, góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh, đưa cuộc sống dần trở về trạng thái bình thường mới.
Chủ trương xã hội hóa ngành y tế của Chính phủ làm thay đổi đáng kể bộ mặt ngành y tế. Tuy nhiên, đến nay, có thể thấy rằng chúng ta mới thành công ở lĩnh vực điều trị bệnh, khi hệ thống bệnh viện tư ngày càng phát triển mạnh, không chỉ góp phần giảm tải mạnh cho hệ thống bệnh viện công mà còn nâng cao chất lượng điều trị. Thế nhưng, lĩnh vực y tế dự phòng vẫn “dậm chân tại chỗ”, bởi tất cả đầu việc của các chương trình mục tiêu quốc gia y tế đều do hệ thống y tế Nhà nước, mà cụ thể là các trạm y tế phường, xã đảm nhận.
Với tính chất đặc thù y tế dự phòng khó xã hội hóa, nên chăng Nhà nước cần đầu tư thích đáng cho hệ thống về nguồn nhân lực lẫn vật lực để không chỉ giảm tải cho hệ thống trạm y tế phường, xã, mà xa hơn là làm tốt được công tác dự phòng.
Trước mắt, nên có sự tính toán phù hợp tỷ lệ cán bộ y tế cơ sở trên số dân, để từ đó biên chế nhân viên ở các trạm y tế cho phù hợp.
Bên cạnh đó, cần sớm thống nhất các ứng dụng quản lý công nghệ thông tin theo hướng đơn giản, dễ sử dụng để cắt giảm thủ tục “hành chính giấy”, từ đó giảm bớt thời gian cho nhân viên ở các trạm y tế. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, vì vậy đầu tư cho các trạm y tế là cách đầu tư cho sức khỏe nhân dân hiệu quả.
THANH VÂN