Chính trị - Xã hội
Ông Hồ Nghinh, ba lần vào Đà Nẵng
Ông Phạm Đức Nam rời cảng Quy Nhơn, đi chuyến tàu gần cuối cùng, vào ngày 10-4-1955, đến bến Ninh Giang, lên Chèm, chưa kịp làm thủ tục chế độ gì, chỉ được dự lễ kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1-5, thì ngày 10-5-1955, ông nhận lệnh tham gia trong đoàn Liên hiệp đình chiến. Sáng ngày 15-7-1955, máy bay chở sĩ quan quân đội nhân dân Phạm Đức Nam hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng, gặp ông Hồ Nghinh.
Ông Hồ Nghinh (hàng đầu, thứ 5, trái sang) cùng các lãnh đạo Tỉnh ủy gặp gỡ cán bộ hoạt động nội thành Đà Nẵng trước 1975. (Ảnh tư liệu) |
Tháng 10-1955, ông Hồ Nghinh bay ra Hà Nội báo cáo tình hình. Đến ngày 15-10-1955, ông lại bay vào Đà Nẵng, gặp thời điểm Ngô Đình Diệm tổ chức “Trưng cầu ý dân”, truất phế Bảo Đại để lên làm Tổng thống. Tay sai Diệm tiếp tục gây áp lực nhằm không cho đoàn ở tại khách sạn Moran, buộc vào ở trong sân bay Đà Nẵng, dù bị đoàn của ông Hồ Nghinh phản đối.
Tháng 1-1956, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đưa ông Hồ Nghinh và ông Sáu Nam rời Đà Nẵng ra Hà Nội…
Khi có nghị quyết 15 năm 1959, ông Hồ Nghinh liên lạc được 36 người là cán bộ Quảng Nam - Đà Nẵng tập kết ra Bắc từ năm 1954, thành lập một đoàn, bí mật rời Thủ đô Hà Nội, ngày đi, đêm nghỉ, băng rừng lội suối, đến cuối Hè sang Thu năm 1959, đoàn đặt chân đến làng Bà Dồn, Hiên.
Trong một láng trại bằng cây lá rừng vừa dựng lên dưới một vòm cây đầy bóng râm ở làng Đào, huyện Thống Nhất (Hiên), vào đầu tháng 1-1963, long trọng tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Đà, bầu ra Ban chấp hành gồm 15 đồng chí, ông Hồ Nghinh làm Bí thư. Cùng Đảng bộ quyết tâm giải phóng nông thôn, đồng bằng, ông Hồ Nghinh luôn suy nghĩ, tìm mọi phương thức xây dựng cơ sở trong nội thành. Khi cơ quan Văn phòng Tỉnh ủy xuống đóng ở Giáng La, xã Điện Thọ, cơ sở cho biết, ngày 8-2-1965, Mỹ đưa một tiểu đoàn tên lửa Hawk lên làng Nam Ô, Đà Nẵng… Ông Hồ Nghinh lui vào núi, đứng trên đỉnh cao nhìn về Đà Nẵng dưới chân núi Sơn Trà mây khói mờ mờ...
Trong chiến dịch xuân Mậu Thân 1968, chiều 30 Tết, khi mặt trời xuống núi, ông Hồ Nghinh nai nịt đồ Tây, đóng vai một nhà giáo, lận trong túi áo cái giấy căn cước cũ là Hồ Hữu Phước, chuẩn bị vào nội thành. Thanh niên Hồ Miên ngụ tại Cẩm Lệ chạy chiếc xe Gôben màu đen vào gần chợ Thanh Quýt chở thầy Ba Phước đưa đến một ngôi nhà cạnh nhà hàng Tự Do trên đường Độc Lập (nay là đường Trần Phú). Đó là nhà ông Dật cơ sở.
Đêm đầu tiên, trong lòng Đà Nẵng, thầy Ba Phước bồi hồi, không tài nào chợp mắt, bỗng nhớ hôm nằm với Phó Bí thư Hà Kỳ Ngộ trong lán trại nhỏ lợp lá rừng bên bờ con suối đá, trong núi Cù Hang, Hòn Tàu, vẫn còn ấm ức không được trình bày suy nghĩ của mình với ông Phó Bí thư Khu ủy 5 Tư Thuận. Người phó của ông trước khi rời căn cứ vào nội thành vẫn chưa thật an tâm. Rồi câu hỏi của Năm Dừa trong buổi họp Ban Thường vụ trên núi Hòn Tàu bỗng hiện ra: Nếu Sư 2 không chiếm được cao điểm Phước Tường, khống chế sân bay Đà Nẵng, không có máy bay từ miền Bắc vào yểm trợ để bộ binh chiếm đèo Hải Vân, thì chúng tôi có nổi dậy không?
Quân lệnh như sơn. Dù bất cứ trường hợp nào, phải tổ chức nhân dân nổi dậy! Ông Hồ Nghinh khẳng định. Hơn ai hết, ông nắm chắc phương châm hành động trong trận “tập kích chiến lược” Mậu Thân là phối hợp cả hai mũi quân sự và chính trị, vừa tiến công và nổi dậy.
Tối ngày 29-1-1968, tức đêm 30 Tết, trước giờ G, qua điện báo của các đơn vị thì các mũi tấn công đã áp sát mục tiêu. Bỗng Tư Thuận nhận được một điện khẩn của Thường vụ Khu ủy khu 5: “Hoãn giờ G”. Tức là giờ G phải chờ 24 tiếng đồng hồ sau! “Hoãn”. Có nghĩa là không thực hiện được cú đấm quyết định hỗ trợ cho các mũi tấn công vào Bộ chỉ huy Quân đoàn I Đà Nẵng.
Bộ chỉ huy tiền phương tại La Hòa, qua điện đài còn liên lạc được với Phó Bí thư Mai Đăng Chơn, trong khi bộ đội thiện chiến của Tiểu đoàn 1 - mũi quân chủ lực phải chống trả quyết liệt, kiên cường, dù trong thất thế, với một lực lượng áp đảo cả bộ binh và phi pháo địch. Tư Thuận nhận được tin Tỉnh đội trưởng Phó chỉ huy mặt trận Nguyễn Hữu Đức hy sinh. Một lát sau, từ La Hòa - Hạ Nông, Tư Thuận qua điện đài nói chuyện trực tiếp, không cần mật mã với Phó Bí thư Mai Đăng Chơn trong tiếng ầm ào của đại bác và rốc kết. Khoảng 8 giờ sáng mồng 1 Tết, tin từ mũi tấn công chủ lực tắt hẳn! Sau khi Nguyễn Hữu Đức hy sinh là đến Mai Đăng Chơn hy sinh.
Đến 3 giờ chiều mồng 1 Tết, Thị trưởng Đà Nẵng ban bố tình trạng thiết quân luật 24/24 toàn thành phố. Tối mồng 1 Tết, ông Hồ Nghinh chuyển chỗ ở. Sáng mồng 2 Tết, tại nhà ông Tâm, ông Hồ Nghinh chủ trì cuộc họp đột xuất có các đồng chí: Trần Thận, Hà Kỳ Ngộ, Nguyễn Duy Hưng dự. Nội dung chính của cuộc họp: Hãy bảo toàn lực lượng. Ai có điều kiện, phương tiện gì rút ra khỏi thành phố an toàn thì tùy nghi.
Ông Hồ Nghinh chuyển qua nhiều nhà cơ sở vẫn không thấy ổn. Ngày cuối cùng ông ở tại nhà ông Nguyễn Cầu ở trong khuôn viên Bệnh viện Đà Nẵng, trên đường Hùng Vương. Sáng hôm ấy, con trai ông Nguyễn Cầu là Nguyễn Hồng Kỳ, đang học y khoa Huế, lấy chiếc xe môbilét của cha đưa ông Hồ Nghinh đến ngôi nhà số 12 Nguyễn Thị Giang (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai). Thầy Trương Văn Thông dậy rất sớm, dắt chiếc vespa Italy ra sân, đưa ông Hồ Nghinh đến Đò Xu thì gặp một trạm gác. Nhìn vào đám lính mũ đỏ, thầy Thông chợt thấy một gương mặt quen, người lính kia đưa tay lên chào thầy. Thầy vẫy tay chào lại, chưa nghĩ ra là học trò trường Phan Thanh Giản hay trường Tây Hồ...
Trong túi ông Hồ Nghinh có giấy xuất viện ký ngày 29-1-1968, tức 30 Tết Mậu Thân. Ông Hồ Nghinh đưa tay vào túi quần rút cái căn cước cũ mềm sẵn sàng trình. Một người lính khoát tay bảo: Thầy mình đó, khỏi phải kiểm tra giấy tờ.
Thầy Thông, thầy Ba Phước gật đầu cảm ơn. Thầy Thông tăng ga chạy nhanh qua đoạn đường thấp hai bên đường là ruộng lúa, lau lách và cỏ bồng bềnh trên mặt nước, rồi tách vào xóm nhà đầu cầu Cẩm Lệ, vòng trong xóm nhà, theo con đường mòn vọt lên quốc lộ 1. Xe thầy vừa quay đầu vào hướng Vĩnh Điện thì gặp một đoàn cồng voa toàn xe chở lính Mỹ, ầm ầm nối đuôi nhau chạy vào.
Chiếc vespa lượn lách, lọt vào giữa hai chiếc GMC đầy lính Mỹ, thầy dựa vào uy của đoàn xe nhà binh vượt qua mấy cái barie đầy lính gác. Qua cầu Đỏ. Qua Miếu Bông, mừng! Vào đến chợ Mới Ba Xã thì ông Hồ Nghinh mới hé nụ cười: xe Mỹ hộ tống Chính ủy Việt cộng!
Thầy Thông bàn giao ông Hồ Nghinh cho du kích Điện Ngọc, quay về Đà Nẵng thì ông Hồ Nghinh gặp quân Mỹ đi càn, phải rúc hầm bí mật với anh em Điện Ngọc. Ba đêm sau, cô Sáu Rổ mới liên lạc được về trên. Một trung đội bảo vệ của Đặc khu ủy xuống phục dọc đường số 1 đón ông Hồ Nghinh. Du kích Điện Ngọc đưa ông Hồ Nghinh lên gần đến đường số Một, thì gặp một tổ bảo vệ đón, đưa ông về Gò Nổi…
Nguyễn Đình Phùng trong tổ bảo vệ áp theo bên Hồ Nghinh đêm ấy kể lại: mỗi khi nghe tiếng đại bác đề-pa thì lắng tai nghe, có tiếng rít gần thì kéo ông Nghinh nằm bẹp xuống đất, ba bảo vệ nằm đè lên người ông… hết pháo, kéo ổng dậy, chạy. Lúc chạy, ổng nói: Pháo đâu không trúng chứ bay đè tau tức cái ngực quá!
Mùa xuân lịch sử đến! Ngày 22-3-1975, Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà Trần Thận về Khu ủy 5 nhận chỉ thị của Bí thư Khu ủy 5 Võ Chí Công: chuẩn bị giải phóng Đà Nẵng. Sáng ngày 24-3-1975, khi nghe địch báo cáo lên cấp trên đạn pháo ở Chu Lai đã hết, Sư trưởng Sư 2 Nguyễn Chơn dùng đài 15W báo cáo về Quân khu xin đánh Tam Kỳ ngay. Đúng 10 giờ, Nguyễn Chơn phát lệnh cho Sư đoàn tấn công Tam Kỳ. Địch thấy xe tăng quân Giải phóng xuất kích là bỏ chạy. Quân Giải phóng nhanh chóng giải phóng từ Chu Lai đến Tuần Dưỡng. Vào lúc 10 giờ 30 phút ngày 24 -3-1975, cờ giải phóng phất phới bay trên đỉnh trụ cờ tỉnh đường Quảng Tín.
Ngày 27-3-1975, Tướng Nguyễn Chơn lên Quân khu nhận lệnh đánh chiếm Đà Nẵng và cho biết 100.000 quân địch đã dồn về Đà Nẵng. Cùng sáng ngày 27-3-1975, sau khi nghe cơ sở nội thành báo cáo Ngô Quang Trưởng, Trung tướng Tư lệnh Vùng I chiến thuật tuyên bố tử thủ giữ Đà Nẵng, nhưng thật ra Trưởng đã bỏ chạy. Bí thư Trần Thận đề xuất với Bí thư Võ Chí Công và Tư lệnh Quân khu 5 Chu Huy Mân đưa quân tiến vào Đà Nẵng.
Năm giờ sáng ngày 28-3-1975, tại cơ quan của Đặc khu ủy Quảng Đà ở Đá Béo - Mặt Rạng - Hòn Tàu, ông Trần Thận dẫn đầu một đoàn anh em rời hang đá, theo những đoạn đường ngắn nhất để sớm tiếp cận thành phố Đà Nẵng.
Ông Hồ Nghinh mới từ Hà Nội vào, tinh thần là lên phụ trách Tây Nguyên, nhưng ông đề nghị Bí thư Năm Công cho về Quảng Đà. Thế là ông Hồ Nghinh, trong bộ bà ba vài KT màu lá úa, đội mũ tai bèo, chân đôi dép cao su, theo xe ông Năm Công rời căn cứ Phước Trà về Hòn Tàu. Một bộ phận của Đặc khu do Phó Bí thư Phạm Đức Nam và các Ủy viên Ban Thường vụ Trần Văn Đán, Hoàng Văn Lai đưa các ông Năm Công, Hồ Nghinh, Hai Mạnh xuống ngã Xuyên Trà băng đồng ra dừng chân tại cây đa Xuyên Mỹ, Duy Xuyên.
Mười hai giờ trưa ngày 29-3-1975, đoàn của Năm Công, Hồ Nghinh có mặt tại ngã ba quốc lộ 1 - Tứ Câu - một ngã ba nối các xã Điện Hòa - Hòa Phước - Điện Ngọc. 15 giờ ngày 29- 3-1975, xe tăng Quân đoàn 2 Quân giải phóng tới Đà Nẵng.
Vào lúc 17 giờ cùng ngày 29-3-1975, các ông Trần Thận, Trần Hưng Thừa, Nguyễn Duy Hưng lên ô-tô chạy ra Thanh Quýt đón Bí thư Khu ủy 5 Võ Chí Công và các ông Hồ Nghinh, Võ Văn Đặng... vào Đà Nẵng.
Tối ngày 30-3-1975, Bí thư Khu ủy 5 Võ Chí Công công bố quyết định thành lập Ủy ban Quân quản thành phố Đà Nẵng, ông Hồ Nghinh làm Chủ tịch...
HỒ DUY LỆ