Chính trị - Xã hội

Tái chế rác thải rắn gây quỹ giúp hoàn cảnh khó khăn

14:34, 16/03/2022 (GMT+7)

Tái chế khoen khóa nắp lon bia, lon nước ngọt đã qua sử dụng để tạo ra những chiếc túi xách, ví tiền, lọ hoa… là cách mà Chi hội Phụ nữ số 5 (phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ) đã làm trong gần 1 năm qua nhằm tuyên truyền về ý thức bảo vệ môi trường, đồng thời tạo quỹ để giúp những hoàn cảnh khó khăn.

Tại nhà chị Nguyễn Thị Hiền, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ số 5, trên đường Vũ Lăng vào một sáng Chủ nhật, người chi hội trưởng cùng 2 chị khác đang chăm chút từng đường len, kết những khoen khóa nắp lon bia, lon nước ngọt đã qua sử dụng, tạo thành những chiếc túi xách, ví tiền, lọ hoa…

Chị Hiền cho hay, các chị em trong chi hội thực hiện công việc này từ tháng 3-2021. Trong một lần phân loại rác thải, nhận thấy có thể tái chế các khoen khóa nắp lon bia, lon nước ngọt thành vật dụng có ích, thêm phần các chị em có khiếu đan móc, may vá nên các chị nghĩ cách tái chế. Những chiếc túi xách, ví tiền được làm từ khoen khóa nắp lon bia, lon nước ngọt kết hợp với len ra đời.

Theo đó, vỏ lon bia, lon nước ngọt sau khi được các chị đi thu gom, tập kết tại nhà chị Hiền được tháo khoen khóa nắp lon ra, rửa sạch, phơi khô. Các phụ nữ đến nhà chị Hiền nhận khoen khóa nắp lon và len rồi đem về nhà, tận dụng thời gian rảnh để tạo nên những sản phẩm tái chế. Vào Chủ nhật cuối cùng hằng tháng, các chị tập trung tại Nhà sinh hoạt cộng đồng khu dân cư để giao lưu, giúp nhau hoàn thiện sản phẩm. Thỉnh thoảng các chị còn tập trung cùng nhau làm đồ tái chế tại sân nhà chị Hiền.

Ban đầu, các chị trong Ban chấp hành Chi hội tự bỏ tiền túi để mua len cùng nguyên liệu, dụng cụ hỗ trợ cho việc tạo ra các sản phẩm tái chế. Các sản phẩm này chủ yếu làm quà tặng các chị em trong mỗi chương trình của hội. Nhưng sau khi chị Hiền đăng các sản phẩm tái chế lên facebook cá nhân, nhiều người hỏi mua nên các chị đầu tư hơn vào mẫu mã để bán. Tháng 6-2021, sản phẩm tái chế đầu tiên được trao đến tay khách hàng. Đó là một chiếc túi xách có giá 100.000 đồng, chị nào cũng cảm thấy vui.

Số tiền có được từ những sản phẩm tái chế được chi hội dùng để giúp đỡ những phụ nữ bị bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi. Tính đến nay, từ nguồn quỹ này, Chi hội Phụ nữ số 5 đã hỗ trợ 3 trường hợp phụ nữ bị ung thư, 2 trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ với số tiền 500.000 đồng/trường hợp. “Tôi cùng các chị em trong chi hội nghĩ đến việc tận dụng khoen khóa nắp lon bia, lon nước ngọt đã qua sử dụng để làm túi xách, ví tiền, lọ hoa… chỉ đơn thuần là hạn chế nguồn rác thải rắn ra môi trường, tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường đến hội viên phụ nữ cũng như người dân trong khu dân cư.

Nhưng bất ngờ là những sản phẩm tái chế của chúng tôi có thể tạo ra kinh phí, giúp đỡ những chị em bị bệnh hiểm nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, các cháu mồ côi. Các chi hội phụ nữ khác trong phường cũng đã liên hệ để học hỏi kinh nghiệm. Chúng tôi dự kiến thời gian đến sẽ nghiên cứu thêm sản phẩm balô trẻ em từ khoen khóa nắp lon bia, lon nước ngọt để sản phẩm thêm phong phú, thu hút được nhiều khách hàng hơn”, chị Hiền chia sẻ.

Chị Phan Thị Kim Diệu, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Hòa Phát cho hay, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường đã triển khai nhiều hoạt động, xây dựng nhiều mô hình, phong trào hạn chế rác thải ra môi trường như: Phụ nữ Hòa Phát nói không với rác thải nhựa, mô hình sống xanh, hưởng ứng hoạt động “Tỷ đồng cho thiết bị xanh - môi trường sạch”... Từ việc thực hiện cụ thể hóa các mô hình, các chi hội phụ nữ trên địa bàn phường có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo và mô hình tái chế khoen khóa nắp lon đã qua sử dụng của Chi hội Phụ nữ số 5 là một trong những mô hình nổi bật.

“Mô hình tái chế từ nguồn phân loại rác luôn được các chị đặt lên hàng đầu. Các chị luôn tìm tòi, sáng tạo để có những sản phẩm thiết thực đối với gia đình. Qua bàn tay khéo léo của chị em Chi hội Phụ nữ số 5, những chiếc khoen khóa nắp lon đã qua sử dụng được tái chế, tạo ra những vật dụng sử dụng trong gia đình như: túi xách, ví tiền, lọ hoa…, góp phần thực hiện hiệu quả việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, qua đó, thể hiện trách nhiệm của tổ chức hội, của hội viên phụ nữ đối với sự phát triển của thành phố, góp phần xây dựng thành phố Đà Nẵng xanh, sạch, giàu đẹp, văn minh, hiện đại”, chị Diệu nói.

MAI HIỀN

.