Chính trị - Xã hội
Chống ngập úng đô thị: Cần những giải pháp nào?
Dưới tác động của biến đổi khí hậu, trong 5 năm trở lại đây, tại Đà Nẵng đã xảy ra nhiều trận mưa cực đoan, kéo dài với tổng lượng mưa rất lớn, đặc biệt là mưa tập trung có cường độ hơn 40mm/giờ kết hợp với triều cường làm hệ thống thoát nước của thành phố bị quá tải, gây ngập úng cục bộ. Điều này đòi hỏi phải kết hợp các biện pháp khác nhau một cách đồng bộ để phòng, chống ngập úng bền vững.
Mặc dù đã hoàn thành thi công, vận hành trạm bơm chống ngập đặt tại khu vực Đảo Xanh từ cuối năm 2019, nhưng tuyến đường Núi Thành (quận Hải Châu) vẫn bị ngập sau các trận mưa lớn. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Ngập úng cục bộ khi mưa tập trung cường độ lớn
Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng Hà Văn Thành cho biết, đơn vị đang rà soát tất cả các điểm ngập úng để tiếp tục xác định nguyên nhân và khắc phục nhằm làm giảm ngập úng trong mùa mưa bão năm 2022. Trước đó, lúc 21 giờ ngày 1-4-2022, tổng lượng mưa đo được trong 1 giờ tại quận Cẩm Lệ lên đến 58,4mm nên thành phố có 13 điểm bị ngập nặng.
Dù đã có công nhân khơi thông cửa thu nước mưa trên mặt đường và phối hợp vận hành thử trạm bơm chống ngập úng ở cuối tuyến đường Ông Ích Khiêm nhưng khu vực ngã tư Lê Đình Lý - Nguyễn Văn Linh - Hàm Nghi bị ngập sâu 25cm trong thời gian 90 phút; đường Lê Duẩn, Quang Trung ngập sâu 20cm trong 30 phút.
Tương tự, dù đã được khơi thông cửa thu nước mưa và vận hành trạm bơm chống ngập Đảo Xanh nhưng khu vực đường Núi Thành vẫn bị ngập nặng, nhất là ngã tư Núi Thành - Tiểu La (sâu 25cm, 20 phút), số 383 Núi Thành (sâu 35cm, 45 phút). Khu vực đường Nguyễn Lương Bằng tại trước cổng Khu công nghiệp Hòa Khánh bị ngập sâu đến 70cm và rút chậm; đường Tôn Đức Thắng đoạn qua cầu Đa Cô bị ngập sâu 25cm trong 30 phút và tại đoạn qua cống thoát nước dọc đường Yên Thế và Bắc Sơn bị ngập sâu 30cm, nước rút chậm...
TS Hoàng Ngọc Tuấn, Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Trung - Tây Nguyên cho rằng, khi các đơn vị thi công các tuyến đường lớn, nhất là quốc lộ 1A với mặt đường cao thì trở thành những tuyến đê, làm khu vực rất rộng lớn ở thượng lưu của tuyến đường trở thành “hồ chứa” nước, nhất là đoạn qua xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang) và cầu Đa Cô (đường Tôn Đức Thắng). Một số khu vực đô thị, khu dân cư có cao trình thấp; diện tích thấm nước mưa của bề mặt đô thị giảm do đô thị hóa... nhưng do tác động của biến đổi khí hậu làm gia tăng lượng mưa nên gây ngập úng.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Để giải quyết những vấn đề trên, theo TS Hoàng Ngọc Tuấn, thành phố cần tăng khẩu độ cống thoát lũ qua tuyến quốc lộ 1A đoạn từ xã Hòa Phước đến cầu Đỏ và xây dựng cầu Đa Cô mới thay thế cho cống hiện trạng ở tuyến đường Tôn Đức Thắng để giảm ngập úng. Thành phố cũng cần xây dựng mới các trục, kênh tiêu; nâng cấp, mở rộng khẩu độ các cống tiêu; nâng công suất và đầu tư các trạm bơm chống ngập; nạo vét, chỉnh trang, mở rộng các trục tiêu thoát nước mưa, lũ cho các khu dân cư, làng mạc, đồng ruộng; bảo đảm hành lang thoát lũ hai bên bờ, bãi sông của các sông Yên, Quá Giáng, Túy Loan, Cu Đê trong quy hoạch phát triển đô thị...”.
Nhóm tác giả Lê Tùng Lâm và Trần Viết Dũng, Hội Xây dựng thành phố Đà Nẵng bày tỏ ý kiến, thành phố cần tiếp cận quan điểm thoát nước bền vững (thoát nước chậm) là bám sát địa hình tự nhiên để chọn năng lực thoát nước phù hợp (không lựa chọn giá trị cực đại) và tăng năng lực tích trữ nước, tăng khả năng thấm nước bề mặt địa hình kết hợp nâng cao năng lực quản lý, xử lý ngập úng. Trước hết, cần sử dụng mô hình thủy lực để rà soát, đánh giá khả năng thoát nước của hệ thống thoát nước đô thị hiện trạng và đề xuất các giải pháp chiến lược, lâu dài, phân kỳ đầu tư, huy động nguồn lực để từng bước triển khai thực hiện.
Trong công tác quy hoạch, cần lưu ý mở rộng các hành lang thoát lũ, tăng cường hồ điều tiết để tăng khả năng chứa nước, tăng cường mảng xanh đô thị để tăng hệ số thấm nước, giảm lưu lượng dòng chảy và tạo cảnh quan đô thị; tính toán hệ thống thoát nước, lựa chọn cao độ nền xét đến yếu tố biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng...
Ngoài ra, cần xây dựng quy trình vận hành các hồ điều tiết trên cơ sở xả hồ sớm trước mưa, tận dụng tối đa khả năng điều tiết, ưu tiên công tác chống ngập úng đô thị; từng bước thay thế, sửa chữa các cống đã xuống cấp không bảo đảm khẩu độ thoát nước. Đối với các khu vực dân cư hiện trạng có cao độ quá thấp, bị ngập lụt thường xuyên, cần giải tỏa đi hẳn và quy hoạch lại cho phù hợp, tái thiết đô thị để bố trí tái định cư tại chỗ cho người dân; tuyên truyền vận động người dân bảo vệ hệ thống thoát nước...
Th.S Lê Hoàng Nghĩa, giảng viên Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ đề xuất, đối với các khu đô thị, khu dân cư sắp thi công và quy hoạch trong tương lai, cần áp dụng giải pháp thoát nước bền vững (LID) đang được triển khai ở nhiều nơi trên thế giới. Theo đó, vỉa hè sử dụng hệ thống lát vỉa thấm nước, mái nhà trở thành mái nhà xanh, các vườn lọc nước hoặc cánh đồng lọc nước, mương lọc nước, hồ và vùng đất ngập nước... được xây dựng. Nước mưa từ khu vực không thấm nước sẽ chảy vào các khu vực nói trên để thúc đẩy quá trình trữ nước, suy yếu dòng chảy, tăng cường thẩm thấu..., làm giảm lưu lượng nước mưa chảy tràn, từ đó giảm nguy cơ ngập úng và giảm lũ lụt.
Theo TS.KTS Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, biến đổi khí hậu và các hiện tượng bất thường của thời tiết đang ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng, như: thay đổi chế độ và lượng mưa, lũ lụt, siêu bão, nước biển dâng...
Thành phố cần sớm triển khai, đầu tư đồng bộ các công trình, hạ tầng đô thị; chú trọng thiết kế đô thị, tổ chức không gian đô thị hiện đại, hài hòa với thiên nhiên và tính đến yếu tố phòng lũ, thích ứng biến đổi khí hậu; khai thác hiệu quả chức năng của các khu vực công viên, vùng ven sông, thảm cỏ... để bảo đảm năng lực thích ứng với lũ lụt, ngập lụt đô thị; nâng cao diện tích cây xanh trong đô thị và tăng tỷ lệ rừng trồng kinh tế, tăng độ che phủ rừng...
HOÀNG HIỆP