Chính trị - Xã hội

Phát động tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động và Tháng công nhân năm 2022

14:11, 28/04/2022 (GMT+7)

Sáng 28-4, tại Hà Nội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) và Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã phát động tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động và Tháng công nhân năm 2022.

Lãnh đạo Chính phủ, Bộ LĐTBXH, Tổng Liên đoàn lao động và đại diện các bộ ban ngành phát động tháng hành dộng an toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân 2022.
Lãnh đạo Chính phủ, Bộ LĐTBXH, Tổng Liên đoàn lao động và đại diện các bộ ban ngành phát động tháng hành dộng an toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân 2022.

Dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.

Phát biểu tại lễ phát động, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết: Trong bối cảnh cả nước đang tập trung cao độ nhằm phục hồi nền kinh tế, thích ứng an toàn, linh hoạt với đại dịch Covid -19, Chính phủ, Ban chỉ đạo Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động Trung ương và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động và Tháng công nhân năm 2022. Lễ phát động cũng có ý nghĩa được tổ chức vào đúng Ngày Thế giới về an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc 28-4.

Năm 2021, với những nỗ lực của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân lao động, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả trong công tác an toàn, vệ sinh lao động, kết quả đó sẽ được báo cáo bằng phóng những hình ảnh, số liệu. Tín hiệu tích cực là số người chết và bị thương do tai nạn lao động trong cả khu vực có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động đã giảm mạnh; đã có nhiều điển hình, mô hình tốt về an toàn, vệ sinh lao động; nhiều doanh nghiệp, hàng triệu lao động đã có nhiều giải pháp phòng ngừa, không để xảy tai nạn lao động nặng hoặc chết người.

Thời gian qua, những mất mát về con người và thiệt hại vật chất do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tuy có giảm nhưng còn lớn, gây ra những nỗi đau tinh thần và thể xác cho biết bao gia đình, nỗi buồn đau thấu tâm can với những người thân, với những người mẹ, người vợ và con thơ.

Những thách thức và nguy cơ trong công tác an toàn, vệ sinh lao động vẫn đang gia tăng một cách hiện hữu. Trong khi đó một bộ phận người sử dụng lao động vẫn chưa nhận thức và quan tâm, đầu tư đúng mức; Không ít người lao động chưa được đào tạo nghề, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn và tác phong công nghiệp còn hạn chế.

Với quyết tâm kiểm soát tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; bảo vệ nguồn nhân lực là tài sản giá trị nhất của mỗi doanh nghiệp, mỗi quốc gia, hướng tới một nền sản xuất an toàn, có năng suất cao, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, Chính phủ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động với chủ đề “Tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”; Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phát động Tháng Công nhân năm 2022 với chủ đề “Công nhân Việt Nam: Tiên phong, sáng tạo, trách nhiệm, an toàn, thích ứng”.

Trao quà cho những lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Trao quà cho những lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịchTổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: Để hoạt động thực sự có hiệu quả, Tháng Công nhân năm 2022 với chủ đề “Công nhân Việt Nam: Tiên phong, sáng tạo, trách nhiệm, an toàn, thích ứng", đề nghị các cấp công đoàn, đoàn viên, người lao động cả nước tập trung triển khai tuyên truyền nâng cao nhận thức toàn hệ thống công đoàn, đoàn viên, người lao động và cả xã hội về mục đích, ý nghĩa, các hoạt động Tháng Công nhân; truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân Việt Nam, tinh thần bất diệt của Ngày Quốc tế Lao động 1-5; tổ chức Tháng Công nhân gắn với triển khai Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2022. Trọng tâm là chăm lo, hỗ trợ người lao động về việc làm, thu nhập, điều kiện lao động an toàn; tham mưu, đề xuất để người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, người sử dụng lao động gặp gỡ, đối thoại với cán bộ công đoàn và công nhân, viên chức, lao động, giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc, cấp bách, thiết yếu của công nhân, viên chức, lao động.

Bên cạnh đó, các cấp công đoàn chủ động và phối hợp tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện chính sách đối với người lao động; đặc biệt là Nghị quyết số 17/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “số giờ làm thêm trong 1 năm, trong 1 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”; Quyết định số 08 ngày 28-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, thúc đẩy việc đối thoại, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể, các thỏa thuận bảo đảm phúc lợi, góp phần nâng cao đời sống cho người lao động; Tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình “1 triệu sáng kiến, nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Tháng Công nhân 2021 đã được tổ chức linh hoạt, sáng tạo, đạt nhiều kết quả nổi bật, có điểm nhấn. Chương trình 75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển, một hoạt động đổi mới trong tổ chức phong trào thi đua của tổ chức Công đoàn, đã thu hút hơn 250 nghìn sáng kiến tham gia, vượt hơn 300% chỉ tiêu đề ra, với tổng giá trị làm lợi gần 148 nghìn tỷ đồng. Các cấp Công đoàn đã tổ chức 3.774 cuộc "Cảm ơn người lao động" với tổng kinh phí hơn 2,5 tỷ đồng; tổ chức 7.537 diễn đàn "Lắng nghe - Thấu hiểu - Chia sẻ" với những khó khăn của người lao động.

Theo Baotintuc.vn

.