Chính trị - Xã hội

Thủ tướng Phạm Minh Chính: An toàn, an ninh mạng - Cần cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân

20:58, 07/04/2022 (GMT+7)

Chiều 7-4, tại Trụ sở Chính phủ, Ban Chỉ đạo An toàn, An ninh mạng quốc gia (Ban Chỉ đạo) họp phiên thứ nhất, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Tham dự cuộc họp có Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng ban Thường trực; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Cùng dự có các thành viên Ban Chỉ đạo là lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao...

Tại phiên họp, cùng với nghe công bố các quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo, các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến về tình hình an toàn, an ninh mạng quốc gia trong thời gian qua và dự báo tình hình thời gian tới; cho ý kiến về kết quả hoạt động năm 2021 và phương hướng công tác năm 2022; một số vấn đề trọng tâm, chiến lược, quan trọng về an toàn, an ninh mạng quốc gia.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, vấn đề an toàn, an ninh mạng ngày càng phức tạp, khó kiểm soát, khó dự báo, tác động mọi mặt đời sống, xã hội và an ninh của tất cả các quốc gia trên thế giới mà Việt Nam không phải là ngoại lệ. An toàn, an ninh mạng là vấn đề có tính chất toàn cầu nên cần có cách tiếp cận toàn cầu; đây cũng là vấn đề tác động đến mọi người dân, nên phải có cách tiếp cận toàn dân.

Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, xã hội số, nền kinh tế số, công dân số. Bên cạnh những lợi ích do quá trình chuyển đổi số mang lại, cũng đặt ra các thách thức mới. Việc kiện toàn Ban Chỉ đạo nhằm tiếp tục tập trung thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực đảm bảo an toàn, an ninh mạng; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của người dân, doanh nghiệp và các chủ thể liên quan.

Trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo và các lực lượng liên quan đã bám sát nhiệm vụ được giao, bám sát tình hình, triển khai linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, góp phần vào thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Đại hội Đảng bộ các cấp; bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và các sự kiện quan trọng khác của đất nước; đảm bảo an ninh, an toàn, tạo bảo môi trường lành mạnh trên không gian mạng cho người dân, doanh nghiệp và các chủ thể liên quan hoạt động. Đặc biệt, Việt Nam được xếp hạng 25/194 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, thứ 7 khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á về an toàn, an ninh mạng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, trong thời gian tới vấn đề an toàn, an ninh mạng, nhất là khi tình hình chính trị thế giới thời gian tới diễn biến phức tạp, công tác chuyển đổi số của các quốc gia đang diễn ra mạnh mẽ. Do đó, việc đảm bảo an toàn, an ninh mạng là vấn đề cấp thiết; là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục; cần phải thích ứng linh hoạt, hiệu quả với những diễn biến mới; bảo vệ an toàn, an ninh mạng phải kịp thời, hiệu quả; phải đáp ứng được quá trình chuyển đổi số.

Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phát biểu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phát biểu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Để công tác an toàn, an ninh mạng đạt hiệu quả hơn, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo, trong đó Bộ Công an với vai trò là Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, Văn phòng Ban Chỉ đạo An toàn, An ninh mạng quốc gia, Tiểu ban An toàn, an ninh mạng, các bộ, ngành liên quan phải quán triệt, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về an toàn, an ninh mạng. Bám sát, nắm chắc tính hình, nâng cao khả năng dự báo để điều chỉnh kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp. Rà soát thể chế, xây dựng thể chế về an toàn, an ninh mạng theo hướng tham gia tích cực vào các xu thế lớn của thế giới, thực hiện các cam kết quốc tế, song phải bảo vệ thể chế, phù hợp với luật pháp, điều kiện của Việt Nam.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tăng cường quản lý nhà nước về an toàn, an ninh mạng; trong đó việc lãnh đạo, chỉ đạo về an toàn, an ninh mạng phải thống nhất từ trên xuống dưới và phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, cơ quan, lực lượng. Nâng cao nhận thức trong toàn hệ thống chính trị và toàn dân về an toàn, an ninh mạng. Tăng cường năng lực công nghệ, tài chính, con người cho công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Huy động các nguồn lực, thực hiện hợp tác công tư trong đảm bảo an toàn, an ninh mạng. Hướng dẫn người dân, doanh nghiệp cùng tham gia đảm bảo an toàn, an ninh mạng. Xây dựng thế trận lòng dân, an ninh nhân dân trên không gian mạng.

Theo Báo Tin Tức

.