Bồi đắp lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ

.

Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố luôn quan tâm, tổ chức nhiều hoạt động bồi dưỡng truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Qua đó, góp phần khơi dậy tinh thần trách nhiệm, ý thức phấn đấu trong học tập, rèn luyện và giúp thế hệ kế cận thêm tự hào, trân trọng truyền thống cách mạng của dân tộc.

Lãnh đạo huyện Đoàn Hòa Vang thăm, tặng quà Bà mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Khánh (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang). Ảnh: XUÂN DŨNG
Lãnh đạo huyện Đoàn Hòa Vang thăm, tặng quà Bà mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Khánh (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang). Ảnh: XUÂN DŨNG

Tổ chức các hoạt động đa dạng, phong phú

Giữa tháng 4-2022, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng phối hợp Trường THCS Nguyễn Văn Linh (huyện Hòa Vang) tổ chức triển lãm lưu động chủ đề “Ký họa chiến trường Khu 5” nhằm chào mừng kỷ niệm 47 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2022).

Triển lãm trưng bày 42 bức tranh ký họa tái hiện sống động, chân thực cuộc sống khó khăn, gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng của quân và dân ta trong kháng chiến. Đây là hoạt động thiết thực, góp phần tri ân những đóng góp, hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ; đồng thời tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng của dân tộc.

Em Lê Ánh Ngân, học sinh lớp 9/3, Trường THCS Nguyễn Văn Linh bày tỏ, tham quan triển lãm và nghe chia sẻ về ý nghĩa của những tác phẩm được trưng bày, chúng em tự hào về ý chí cách mạng kiên cường của thế hệ cha ông trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm. “Quá khứ hào hùng này giúp các em càng thêm yêu, trân trọng cuộc sống hòa bình ngày nay. Đây là động lực cổ vũ chúng em cố gắng học tập, rèn luyện để trở thành những công dân có ích trong tương lai”, Ngân chia sẻ.

Những năm qua, Bảo tàng Đà Nẵng phối hợp các trường học trên địa bàn tổ chức giáo dục ngoại khoá dành cho học sinh. Tại những buổi sinh hoạt ngoại khóa này, học sinh được tìm hiểu những chuyên đề cụ thể dựa trên nội dung trưng bày của Bảo tàng Đà Nẵng. Trong đó, bảo tàng dành riêng hai chuyên đề để giới thiệu cho học sinh về truyền thống cách mạng của Đà Nẵng trong hai cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha (1858-1860) và chống Mỹ (1965-1975).

Ông Trần Văn Chuẩn, Trưởng phòng Truyền thông, Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, hoạt động giáo dục ngoại khóa cho học sinh được bảo tàng và ngành giáo dục phối hợp tổ chức từ năm 2014 đến nay, với khoảng 50-70 buổi/năm. Hằng năm, đơn vị đều xây dựng kế hoạch nâng cao hiệu quả giáo dục và làm mới các hoạt động trải nghiệm để hấp dẫn các em học sinh. Riêng đối với các chuyên đề về các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, thông qua những hiện vật lịch sử, bảo tàng luôn cố gắng truyền tải nhiều nhất đến học sinh về truyền thống cách mạng vẻ vang của quân và dân ta. Từ đó, khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội.

Đoàn viên, thanh niên quận Cẩm Lệ thắp đèn hoa đăng tri ân anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trủng Hòa Vang (quận Cẩm Lệ) vào tháng 4-2022.  Ảnh: MAI QUANG HIỂN
Đoàn viên, thanh niên quận Cẩm Lệ thắp đèn hoa đăng tri ân anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trủng Hòa Vang (quận Cẩm Lệ) vào tháng 4-2022. Ảnh: MAI QUANG HIỂN

Một trong những phương thức giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ có sức hút và hiệu quả nhất là tổ chức hoạt động về nguồn, thăm địa chỉ đỏ là các di tích lịch sử. Đáp ứng nhu cầu trên, thời gian qua, thành phố dành nguồn lực đầu tư cải tạo, mở rộng nhiều di tích lịch sử như: Nghĩa trủng Phước Ninh (quận Hải Châu), Nghĩa trủng Hòa Vang (quận Cẩm Lệ). Đây là những nơi an nghỉ của hàng ngàn chiến sĩ và đồng bào yêu nước hy sinh trong buổi đầu chống Pháp.

Đồng thời, là nơi cán bộ, nhân dân và thế hệ trẻ thường xuyên lui tới dâng hương, tham quan, tìm hiểu lịch sử. Mới đây, thành phố cũng đầu tư, đưa vào sử dụng công viên văn hóa Khu chiến tích Gò Hà (huyện Hòa Vang) với kỳ vọng công trình trở thành địa điểm tổ chức hoạt động về nguồn cho thế hệ trẻ.Ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang cho biết, ngành quyết tâm, nỗ lực hết sức để phát huy giá trị di tích. Trong đó, kế hoạch phối hợp các ngành, đoàn thể thường xuyên tổ chức hoạt động về nguồn. Đồng thời, đề nghị ngành GD&ĐT có chương trình về địa chỉ đỏ cho học sinh, đưa nội dung này vào chương trình giáo dục lịch sử địa phương.

Tiếp lửa truyền thống cho thế hệ trẻ

Công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp Đoàn Thanh niên trên địa bàn thành phố. Hằng năm, lễ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ được các cấp Đoàn Thanh niên tổ chức đồng loạt tại 10.627 ngôi mộ liệt sĩ trên toàn thành phố.

Những hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” như: mô hình “Chúng con luôn bên Mẹ”, “Thắp sáng nghĩa trang”, “Hoa dâng mộ liệt sĩ” được duy trì tổ chức thường xuyên, góp phần giáo dục tinh thần cách mạng, bồi đắp lòng yêu nước, khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc trong thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, Thành Đoàn còn phối hợp với Hội Cựu chiến binh, Hội Cựu thanh niên xung phong, Hội Tù yêu nước tổ chức các hoạt động giao lưu, tọa đàm hằng năm nhằm giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh-thiếu niên.

Là đơn vị tích cực, chủ động trong tổ chức chương trình giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, Huyện Đoàn Hòa Vang và Đoàn 11 xã luôn duy trì đều đặn hoạt động dâng hương nghĩa trang liệt sĩ và nêu gương các anh hùng liệt sĩ vào ngày 14 và 30 âm lịch hằng tháng.

Từ cuối năm 2021 đến nay, Huyện Đoàn triển khai nhiều hoạt động như: tổ chức tuyên truyền kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển, thông qua các hình thức xây dựng đồ họa, hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi”; phát động cuộc thi thiết kế video clip “Thiếu nhi Hòa Vang - Hành trình đến các địa chỉ đỏ”; triển khai mô hình, đến thăm, dọn dẹp, trang trí bàn thờ liệt sĩ tại nhà của 10 Bà mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn huyện; phối hợp Hội Cựu chiến binh cùng cấp tổ chức các buổi hành quân về nguồn, thăm các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ…

Các em học sinh Trường THCS Lương Thế Vinh (quận Liên Chiểu) tham gia chương trình em yêu lịch sử với chủ đề “Đà Nẵng - Những chặng đường vẻ vang” - một hoạt động trong chương trình giáo dục ngoại khóa do Bảo tàng Đà Nẵng thực hiện. Ảnh: XUÂN DŨNG
Các em học sinh Trường THCS Lương Thế Vinh (quận Liên Chiểu) tham gia chương trình em yêu lịch sử với chủ đề “Đà Nẵng - Những chặng đường vẻ vang” - một hoạt động trong chương trình giáo dục ngoại khóa do Bảo tàng Đà Nẵng thực hiện. Ảnh: XUÂN DŨNG

Chị Võ Hoàng Xuân Ánh, đoàn viên Đoàn Thanh niên xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang) chia sẻ: “Được tham gia những hoạt động về nguồn, tìm hiểu lịch sử và nghe các cô chú cựu chiến binh chia sẻ về quá trình đấu tranh giành độc lập, chúng tôi rất xúc động, tự hào. Mong rằng những hoạt động này sẽ được duy trì, tổ chức thường xuyên để thanh-thiếu niên nâng cao nhận thức, tự giác rèn luyện để xứng đáng tiếp bước các thế hệ cha anh”.

Theo Phó Bí thư Thành Đoàn Nguyễn Thị Anh Thảo, xác định công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ là nhiệm vụ chính trị quan trọng, Thành Đoàn tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, hành trình đến các địa chỉ đỏ cho thanh-thiếu niên tham gia. Trong đó, đa dạng hóa các giải pháp giáo dục truyền thống, lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc. Tập trung tổ chức các chương trình, hoạt động và các đợt sinh hoạt chính trị có tính hệ thống, đồng bộ, rộng khắp theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến.

Cùng với đó, tổ chức cho đoàn viên, thanh thiếu nhi tham gia các diễn đàn, tọa đàm, ngày hội thanh niên, liên hoan ca khúc cách mạng, xem phim lịch sử, triển lãm, thi tìm hiểu... nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của Đảng, đất nước và Đoàn. Tập trung đầu tư xây dựng, chăm sóc, tôn tạo và giới thiệu các khu di tích lịch sử, văn hóa cho đoàn viên, thanh niên; xây dựng các đội tuyên truyền viên trẻ tại các di tích, công trình văn hóa trọng điểm của thành phố, địa phương.

XUÂN DŨNG

;
;
.
.
.
.
.