Chính trị - Xã hội

Đà Nẵng hướng đến thành phố lý tưởng

13:53, 28/05/2022 (GMT+7)

Ngày 27-5, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ, Đảng đoàn Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố tổ chức hội nghị thông tin chuyên đề dành cho các cán bộ chủ chốt và cán bộ nghiên cứu thành phố với đề tài “Tương lai kinh tế Việt Nam trước biến động của thế giới” do GS Trần Văn Thọ (Đại học Waseda, Tokyo, Nhật Bản) trình bày.

Tham dự hội nghị có Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Cao Thị Huyền Trân; Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến.

Tại hội nghị, GS Trần Văn Thọ chia sẻ góc nhìn về Việt Nam từ thế giới; các biến động, trào lưu mới của thế giới và tác dụng của chúng; Việt Nam hôm nay và nhìn về năm 2045; chiến lược, chính sách để có một nền kinh tế vững chắc và phát triển; hành trình hướng đến thành phố lý tưởng của Đà Nẵng… Theo GS Trần Văn Thọ, Đà Nẵng được ưu đãi bằng vốn thiên nhiên quý hiếm. Những năm qua, Đà Nẵng đã nỗ lực xây dựng thành phố lý tưởng, khác biệt với các thành phố khác, đặc biệt là mô hình hành chính thân thiện, môi trường sống an toàn…

GS Trần Văn Thọ gợi ý, Đà Nẵng có thể lập các bốt cảnh sát để giữ an ninh trật tự; phục vụ người dân và du khách (nhận và trả đồ đạc thất lạc, chỉ dẫn đường…); ngoài ra, xây dựng các nhà vệ sinh công cộng; các trường học phải có nhà vệ sinh đạt chuẩn. Song song đó, thành phố cần nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, tham gia giao thông… Đặc biệt, Đà Nẵng có thể áp dụng đổi mới sáng tạo để tạo ra cuộc cách mạng hành chính để ngày càng thân thiện với người dân và doanh nghiệp. Khi đó, thành phố có thể thu hút thêm nhiều nhân tài, các nhà đầu tư, doanh nghiệp và tạo ra nhiều hiệu ứng tích cực khác.

GS Trần Văn Thọ cho biết, từ thập niên 1990, xuất hiện yếu tố mới trong sản xuất công nghiệp là chuỗi cung ứng toàn cầu và chuỗi giá trị toàn cầu. Các nước đi sau có thể phát triển nhanh nếu tham gia thành công trong 2 chuỗi này. Bên cạnh đó, cách mạng công nghệ đang làm thay đổi cung - cầu lao động. Covid-19 cũng làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, điều chỉnh quá trình toàn cầu hóa, giảm mạnh nhu cầu lao động. Ngoài ra, kinh tế chính trị thế giới cũng có nhiều biến động như: sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, xung đột Nga - Ukraine…

GS Trần Văn Thọ nhận định, kinh tế Việt Nam dễ bị ảnh hưởng bởi đại dịch và các trào lưu mới của kinh tế chính trị thế giới. Mức độ hội nhập của Việt Nam rất cao, song tập trung vào một số ít thị trường và cơ cấu thiếu bền vững. Việt Nam cũng có lực lượng lao động khá đông, nhưng phần lớn chưa đủ năng lực, chưa thích ứng với nhu cầu mới và đang là nước xuất khẩu lao động giản đơn. Trước tình hình này, chiến lược trung hạn của Việt Nam là chú trọng hơn thị trường trong nước, làm thâm sâu công nghiệp hóa, tăng cường sản xuất và củng cố mạng lưới các mặt hàng thiết yếu, quan tâm đến an ninh kinh tế, ưu tiên các nguồn lực cho đào tạo lao động.

Trong dài hạn, cần thay đổi tư duy phát triển, đổi mới sáng tạo để tăng trưởng nhanh và bền vững, thoát bẫy thu nhập trung bình. Trong khuôn khổ hội nghị, GS Trần Văn Thọ đã giới thiệu và ký tặng sách Kinh tế Nhật Bản - Giai đoạn phát triển thần kỳ 1955-1973 (NXB Đà Nẵng và Phanbook 2022). Quyển sách bàn về những nhân tố làm nên nước Nhật Bản hiện đại, gồm Nhà nước kiến tạo và Năng lực xã hội; đồng thời phân tích nền giáo dục - đào tạo, công nghệ, quan hệ quan chức - doanh nghiệp của Nhật Bản. Quyển sách là sự lý giải thỏa đáng, chính xác và thuyết phục về điều làm nên sự thần kỳ của nước Nhật Bản.

PHONG LAN

.