Chính trị - Xã hội

Cần sớm triển khai dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14B

12:55, 27/06/2022 (GMT+7)

Ngày 14-6 vừa qua, tại kỳ họp thứ 6 của HĐND thành phố Đà Nẵng khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND thành phố đã thống nhất thông qua tờ trình bố trí đủ vốn ngân sách địa phương tham gia dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14B, đoạn qua địa bàn thành phố Đà Nẵng. Đây là tin vui đối với người dân trong khu vực dự án đi qua nói riêng, người dân thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam nói chung.

Trên một số đoạn của quốc lộ 14B qua địa phận huyện Hòa Vang có nhiều điểm mặt đường bị hư hỏng, xuống cấp. Ảnh: THÀNH LÂN
Trên một số đoạn của quốc lộ 14B qua địa phận huyện Hòa Vang có nhiều điểm mặt đường bị hư hỏng, xuống cấp. Ảnh: THÀNH LÂN

Quốc lộ 14B đoạn qua địa bàn huyện Hòa Vang (từ km24+633 - km32+185) đang bị nút thắt “cổ chai” (do đầu tuyến đã cải tạo, hoàn thiện 4 làn xe, còn đoạn tuyến này mới có 2 làn xe) nên việc qua lại nơi đây rất khó khăn, đồng thời tiềm ẩn tai nạn giao thông. Ông Trần Văn Tính (trú thôn Phú Sơn Tây, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) cho biết, nhiều năm nay người dân xã Hòa Khương nói riêng, huyện Hòa Vang nói chung luôn mong muốn thành phố sớm triển khai thực hiện dự án để bảo đảm an toàn giao thông. Còn anh Phan Tấn Đạt (trú thôn Phú Sơn Nam, xã Hòa Khương) kiến nghị: “Chúng tôi nghe thông tin về dự án đã lâu nhưng nay mới thấy HĐND thành phố thông qua tờ trình kinh phí bố trí đủ vốn cho dự án. Vì vậy, khi có đầy đủ các thủ tục pháp lý, thành phố nên sớm phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành liên quan, đẩy nhanh tiến độ triển khai”.

Theo Sở Giao thông vận tải, quốc lộ 14B từ km 0 (cảng Tiên Sa, Đà Nẵng) đến km 73+365 (thị trấn Thạnh Mỹ, tỉnh Quảng Nam) với chiều dài 73,365km là tuyến đường ngang quan trọng nối liền quốc lộ 1A với đường Hồ Chí Minh và là tuyến ngắn nhất từ thành phố Đà Nẵng lên phía bắc Tây Nguyên. Tuyến đường này nối liền các vùng kinh tế trọng điểm của khu vực cũng như cả nước. Hiện đoạn quốc lộ 14B qua địa bàn Đà Nẵng có chiều dài hơn 32km, trong đó, đoạn từ cảng Tiên Sa đến nút giao đường cao tốc Túy Loan đã nâng cấp, mở rộng quy mô 4 làn xe. Tuy nhiên, đoạn 7,5 km còn lại (từ km24+633 - km32+185) mới chỉ có quy mô mặt đường 2 làn xe, tạo thành nút thắt cổ chai, ảnh hưởng trật tự an toàn giao thông. Theo đó, việc đầu tư cải tạo, nâng cấp đoạn còn lại lên quy mô 4 làn xe đáp ứng nhu cầu thông thương và kết nối vùng của tuyến đường cũng như bảo đảm an toàn giao thông là cần thiết. Sau khi được thông qua chủ trương đầu tư, dự án sẽ được thực hiện đầu tư trong giai đoạn từ năm 2022-2025.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Hòa Khương Đinh Thị Thúy Hương, hầu hết các hoạt động sản xuất thương mại, dịch vụ của xã gắn liền với trục đường này, do đó, địa phương mong muốn dự án sớm triển khai thực hiện nhằm phục vụ các quy hoạch phát triển hiện tại và tương lai. Bên cạnh đó, việc đầu tư dự án cùng với các tuyến vành đai phía tây, cầu đường Quảng Đà tạo nên kết cấu hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, góp phần thúc đẩy lưu thông thuận lợi, giảm thiểu tai nạn giao thông, giao lưu phát triển kinh tế với các xã trong khu vực. Tuy nhiên, đây là dự án có quy mô lớn, đi qua khu vực dân cư đông đúc nên công tác giải phóng mặt bằng sẽ ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống nhân dân. Địa phương mong muốn thành phố triển khai sớm và nhanh dự án, từ công tác giải phóng mặt bằng đến thi công, hoàn thành và đưa vào sử dụng; đồng thời cần chuẩn bị sẵn quỹ đất tái định cư trước khi thực hiện nhằm rút ngắn thời gian triển khai, hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực đến đời sống nhân dân trên địa bàn.

Được biết, dự án này do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 800 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương để đầu tư xây dựng mở rộng bảo đảm quy mô đường cấp 3 với 4 làn xe, rộng 20,5m. Nguồn vốn địa phương để đầu tư xây dựng phạm vi mở rộng còn lại bảo đảm quy mô đường trục chính đô thị, cấp đô thị 6 làn xe, rộng 34 m. Sau khi được thông qua chủ trương đầu tư, dự án sẽ được thực hiện đầu tư trong giai đoạn từ năm 2022-2025 (phần bổ sung) là hơn 430 tỷ đồng (phần ngân sách Trung ương, mở rộng đường ra 20m), Đà Nẵng tham gia đầu tư dự án với nguồn vốn hơn 357 tỷ đồng (mở rộng đường thêm 14m).  Theo yêu cầu, phải có ý kiến thông qua của HĐND thành phố về việc cam kết bố trí đủ vốn ngân sách địa phương tham gia thực hiện dự án trước ngày 15-6-2022, nếu không bộ sẽ cắt vốn điều chuyển sang dự án khác, địa phương khác. Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông vận tải Bùi Hồng Trung, rút kinh nghiệm các dự án trước, sở đã chỉ đạo đơn vị tư vấn phối hợp chặt chẽ với huyện Hòa Vang để xây dựng phương án đền bù giải tỏa ở mức sát thực tế nhất. Trong quá trình thực hiện dự án, sở sẽ có phương án thực hiện đền bù giải tỏa báo cáo thành phố.

Vào cuối tháng 11-2021, UBND thành phố Đà Nẵng đã có báo cáo về việc triển khai thực hiện kết luận của HĐND thành phố, thường trực HĐND thành phố tại các phiên họp thường kỳ từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay. Theo đó, địa phương dự kiến nâng cấp, mở rộng 3 tuyến quốc lộ 14B, 14G và 14D đoạn qua Đà Nẵng đến Quảng Nam. Riêng quốc lộ 14B, Trung ương và địa phương dự kiến chi gần 800 tỷ đồng để thực hiện. Đối với dự án mở rộng quốc lộ 14B (đoạn từ Túy Loan đến giáp Quảng Nam), ngày 14-9-2021, Bộ Giao thông vận tải có Công văn số 9548/BGTVT-KHĐT trình Thủ tướng Chính phủ xin lồng ghép nguồn vốn để thực hiện đầu tư dự án Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14B đoạn qua thành phố Đà Nẵng, làm cơ sở phê duyệt chủ trương đầu tư công trình và triển khai các thủ tục tiếp theo. Theo công văn này, Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm bố trí ngân sách Trung ương để đầu tư cải tạo nâng cấp đoạn tuyến bảo đảm theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng với 4 làn xe và vốn đầu tư dự kiến là 430,9 tỷ đồng.

THÀNH LÂN

.