Chính trị - Xã hội
Cầu nối giữa báo chí và doanh nghiệp
Mục tiêu của truyền thông là tạo hình ảnh thương hiệu tích cực. Chuyên viên truyền thông (chuyên viên PR - quan hệ công chúng) chịu trách nhiệm lên kế hoạch, chuẩn bị nội dung, sự kiện để truyền thông, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ của công ty, đơn vị mình đến cộng đồng. Chuyên viên truyền thông năng động, sáng tạo, tiếp xúc với nhiều người. Vì vậy, ngoài kỹ năng và kiến thức chuyên môn, họ cần khéo léo trong giao tiếp để có thể đảm đương công việc và xử lý tốt các tình huống.
Người làm truyền thông có vai trò quan trọng trong việc thiết lập chặt chẽ mối quan hệ giữa doanh nghiệp và báo chí. TRONG ẢNH: Đại diện một đơn vị doanh nghiệp trả lời phỏng vấn của phóng viên. Ảnh: THANH TÌNH |
Mối quan hệ tương hỗ
Là những người có thâm niên trong ngành truyền thông, chị Lê Mai Thanh Thảo (Trưởng nhóm truyền thông, Trường Đại học FPT Đà Nẵng), anh Lê Hải Kỳ (chuyên viên truyền thông một doanh nghiệp đóng trên địa bàn quận Hải Châu) và chị Nguyễn Hà Hải Vân (phụ trách Truyền thông - Đối ngoại, PNJ miền Trung) cho rằng, doanh nghiệp và báo chí có mối quan hệ tất yếu; để thiết lập được mối quan hệ bền chặt giữa hai bên, cần có vai trò của chuyên viên truyền thông. Doanh nghiệp cần báo chí để có thông tin phục vụ sản xuất, kinh doanh, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ cũng như khích lệ thành quả lao động, sáng tạo. Ngược lại, báo chí coi doanh nghiệp, doanh nhân là nguồn đề tài phong phú trong hoạt động nghiệp vụ nhằm phục vụ nhu cầu thông tin của công chúng.
Hơn 10 năm làm truyền thông cho doanh nghiệp, anh Lê Hải Kỳ khẳng định, giữa doanh nghiệp và báo chí là mối quan hệ tương hỗ; tuy nhiên, doanh nghiệp và báo chí phải tuân thủ những nguyên tắc khi chuyển tải thông tin đến độc giả. Anh Kỳ cũng cho rằng, để nâng cao mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp, đòi hỏi doanh nghiệp và cơ quan báo chí hướng tới sự chuyên nghiệp trong cung cấp và xử lý thông tin. Trước khi làm truyền thông, anh Kỳ từng công tác trong lĩnh vực báo chí, đó cũng là ưu thế giúp anh thuận lợi trong quá tiếp xúc với các cơ quan báo chí, các phóng viên… Dẫu vậy, trước sự phát triển nhanh, biến động không ngừng của báo chí hiện đại, anh Kỳ cho rằng, người làm truyền thông phải không ngừng học hỏi, trau dồi chuyên môn, nắm bắt được xu hướng báo chí để có kế hoạch, chiến lược truyền thông nhằm mang lại hiệu quả tối ưu cho doanh nghiệp.
Chị Lê Mai Thanh Thảo có gần 12 năm làm trong lĩnh vực truyền thông, nhìn nhận, việc kết nối giữa người làm truyền thông tại doanh nghiệp và phóng viên của các cơ quan báo chí có vai trò quan trọng trong xây dựng mối quan hệ doanh nghiệp và báo chí. Kết nối ở đây chính là sự trao đổi thông tin, hoạt động của hai bên bảo đảm tính khách quan, chính xác, nhanh gọn. Muốn vậy, người làm truyền thông phải nhanh nhạy, chịu được áp lực và luôn sáng tạo để định hướng đúng các hoạt động tại đơn vị cũng như cung cấp đủ thông tin cần cho báo chí. “Lĩnh vực giáo dục mà tôi phụ trách truyền thông là “mảnh đất” khá màu mỡ với nhiều mảng thông tin để báo chí khai thác. Sự đa dạng đó càng thôi thúc người làm truyền thông nỗ lực không ngừng để gắn kết với báo chí. Ngoài ra, người làm truyền thông còn đẩy mạnh truyền thông đa kênh: trong nội bộ, trang web, các trang mạng xã hội… để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng. Song song đó, các hoạt động an sinh xã hội cũng cần được người làm truyền thông cung cấp kịp thời cho báo chí để lan tỏa nhiều hơn đến cộng đồng”, chị Thảo cho hay.
Với chị Nguyễn Hà Hải Vân, một trong những kinh nghiệm được chị đúc kết trong gần 4 năm làm truyền thông là để giữ mối quan hệ hợp tác bền chặt, doanh nghiệp cần chủ động cung cấp thông tin cho báo chí tốt hơn, thường xuyên hơn; cùng với đó, báo chí cần thông tin trung thực, khách quan hơn các thông tin của doanh nghiệp. “Tôi luôn nỗ lực kết nối với báo chí bằng việc cung cấp thông tin của doanh nghiệp qua các chương trình, sự kiện do đơn vị tổ chức. Tôi xây dựng danh sách báo chí và không ngừng tương tác hai chiều, tạo điều kiện cho báo chí tác nghiệp cũng như giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ mới của doanh nghiệp đến báo chí. Nhờ vậy, mối quan hệ giữa tôi và các phóng viên trở nên thân thiết, hỗ trợ nhau nhiều hơn trong quá trình công tác”, chị Hải Vân chia sẻ.
Phóng viên tác nghiệp tại một sự kiện do doanh nghiệp tổ chức. Ảnh: THANH TÌNH |
Bắc nhịp cầu truyền thông về thương hiệu doanh nghiệp đến công chúng
Ở Việt Nam, có thể nói, quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp đã phát triển ở mức sâu rộng. Nhiều tờ báo mở ra các trang chuyên trên báo in, báo điện tử để đăng các tin, bài PR hoặc tổ chức các chuyên mục đi kèm với các chương trình quảng cáo, tài trợ từ các doanh nghiệp. Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, ông Phạm Sông Thu - tác giả cuốn “Truyền thông theo phong cách Win-Win” (NXB Hà Nội, 2020) và “Cuộc chiến thương hiệu: Sáng tạo hay chịu chết?” (NXB Đà Nẵng, 2022) cho rằng, quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp luôn được xem là quan hệ cộng sinh, cũng là một trong những nền tảng cho câu chuyện bắc nhịp cầu truyền thông về thương hiệu doanh nghiệp ra thị trường và công chúng.
Theo ông Thu, thời đại kỹ thuật số khiến vị thế và giá trị của mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp có phần thay đổi. Trong không gian mở rộng hơn và thế giới phẳng hơn không chỉ vì hội nhập kinh tế, thương mại mà còn là hội nhập và mờ nhòa mọi ranh giới vật lý lan truyền thông tin, truyền thông, việc xây dựng hình ảnh và giá trị thương hiệu doanh nghiệp ra thị trường, công chúng hoặc ngược lại tiếp nhận/tác động từ công chúng, thị trường đến thương hiệu doanh nghiệp đã khác đi. Những nhịp cầu mới đã được bắt. Những giá trị mới đã sinh ra và những “đám cháy” khủng hoảng cũng bốc khói dễ dàng, lan xa, bất ngờ và khốc liệt, hoặc thậm chí có lúc chỉ như “mưa đám mây” thoảng qua rồi bị dập tắt… Bất cứ doanh nghiệp thành công nào cũng được xây dựng trên nền tảng của các mối quan hệ bền vững. Và báo chí là một kênh quan trọng trong hoạt động truyền thông; thậm chí, đối với một số doanh nghiệp, báo chí là một trong những kênh quan trọng để tạo dựng hình ảnh, thương hiệu, quan hệ tốt đẹp với cộng đồng, khách hàng tiềm năng.
Ông Thu cũng cho rằng, xây dựng quan hệ giữa báo chí với doanh nghiệp là quá trình xây dựng và thiết lập kênh thông tin đáng tin cậy giữa hai bên. Quá trình này đòi hỏi sự kiên trì, lâu dài, bền vững và phải được thực hiện trên tinh thần cầu thị, chân thành, chia sẻ vì một cuộc sống tốt đẹp hơn. Vì vậy, không có cách nào khác hơn là đối diện, tương tác kịp thời với thông tin, chia sẻ bằng tấm chân tình và tinh thần trách nhiệm cao nhất với cộng đồng. Người làm truyền thông luôn muốn doanh nghiệp của mình được đề cập tốt nhất, tích cực nhất; còn báo chí cần thông tin đa chiều và thể hiện chính xác, khách quan, phù hợp với những gì họ thu thập được. “Thông tin chính là một trong những sợi dây kết nối hữu ích nhất giữa PR và báo chí. Mối quan hệ giữa doanh nghiệp và báo chí là mối quan hệ cả hai cùng thắng (win-win). Nếu mối quan hệ này bị nghi ngờ hoặc phá vỡ, đây chính là “thủ phạm” của mọi cuộc khủng hoảng truyền thông, có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đến sự tồn vong của thương hiệu”, ông Thu nhìn nhận.
THANH TÌNH