Chính trị - Xã hội

Khơi thông nguồn vốn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh

06:33, 02/06/2022 (GMT+7)

Ngày 1-6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2021; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Ông Nguyễn Duy Minh, đại biểu Quốc hội đoàn Đà Nẵng phát biểu tại hội trường, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV sáng 1-6. Ảnh: VŨ HƯNG
Ông Nguyễn Duy Minh, đại biểu Quốc hội đoàn Đà Nẵng phát biểu tại hội trường, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV sáng 1-6. Ảnh: VŨ HƯNG

Khuyến khích doanh nghiệp mở rộng kinh doanh lĩnh vực chế tạo và công nghệ cao

Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng) cho biết, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước cùng với những bất ổn của tình hình thế giới phát sinh từ xung đột quân sự giữa Nga - Ucraina đã ảnh hưởng lớn đến các biện pháp phục hồi kinh tế - xã hội mà Quốc hội, Chính phủ đề ra. Tuy vậy, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội quý 1-2021 và những tháng đầu năm 2022 có bước phát triển khởi sắc hơn. Kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì sự ổn định, thu ngân sách Nhà nước đạt khá cao so với dự toán, lạm phát được kiểm soát, xuất siêu đạt hơn 4 tỷ USD. Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt kết quả ấn tượng, tăng trưởng đạt 25,2%.

Đại biểu Nguyễn Duy Minh đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có các kịch bản để thích ứng với bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế của thế giới và khu vực. Trong đó, cần khuyến khích các doanh nghiệp trong nước mở rộng kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực chế tạo và công nghệ cao để củng cố nền tảng công nghiệp trong nước; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp FDI sử dụng nguồn lao động là người Việt Nam chất lượng cao. Các trường đại học, cao đẳng và các địa phương cần có những chương trình đào tạo lao động những ngành nghề như kinh tế số, kỹ thuật số, công nghệ thông tin, ứng dụng tin học, điện tử viễn thông, cơ khí chế tạo và rà soát các chương trình đào tạo để phù hợp với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp FDI...

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Duy Minh đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đánh giá rõ hơn kết quả việc triển khai thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng Covid-19 trong ngành du lịch, trong đó cần làm rõ những vướng mắc, hạn chế (như chậm ban hành quy định, hướng dẫn chi tiết, tỷ lệ giải ngân thấp…) và nguyên nhân để đề ra các giải pháp khắc khục; nghiên cứu, điều chỉnh một số cơ chế, chính sách, cải cách quy trình, thủ tục hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh bảo đảm sát thực tế để doanh nghiệp và người lao động tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời. Đồng thời, cần có chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển du lịch như chính sách visa thông thoáng, tạo thuận lợi đi lại cho khách du lịch, mở rộng thêm các nước được miễn thị thực vào Việt Nam như Úc, New Zealand, Canada... và tăng thời gian miễn thị thực lên 30 ngày; chính sách thúc đẩy xúc tiến, quảng bá du lịch ra nước ngoài; chính sách khuyến khích đầu tư, hỗ trợ phát triển du lịch đêm, kinh tế chia sẻ, công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo gắn với du lịch; nghiên cứu bổ sung chính sách hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch quay trở lại với nghề; bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng cho lao động ngành du lịch.

Đại biểu Nguyễn Duy Minh đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan có giải pháp khắc phục tình trạng người lao động thanh toán bảo hiểm xã hội một lần, thôi tham gia bảo hiểm xã hội ngày càng tăng và kéo dài trong nhiều năm qua, làm ảnh hưởng đến mục tiêu thực hiện chính sách an sinh xã hội; đồng thời sớm chỉ đạo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 93/2015/QH13 về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động theo yêu cầu của Nghị quyết số 42/2021/QH15 tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Kéo dài thời gian thực hiện thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng

Đại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) đánh giá cao nỗ lực, sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, vai trò đầu mối của Ngân hàng Nhà nước và sự vào cuộc của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết 42. Theo đó, các đối tượng của nghị quyết như công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), các tổ chức tín dụng đã chủ động xây dựng các văn bản hướng dẫn cụ thể hóa việc triển khai xử lý nợ xấu theo nghị quyết; thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất. Việc tổ chức đánh giá thực hiện nghị quyết bảo đảm kịp thời, đúng quy định.

Đại biểu Cầm Thị Mẫn bày tỏ sự thống nhất cao chủ trương Quốc hội thông qua việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng tại kỳ họp này để tránh tạo ra khoảng trống pháp lý khi nghị quyết 42 hết hiệu lực thi hành. Đồng thời, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong thời hạn kéo dài thực hiện nghị quyết cần nghiên cứu, phân tích, đánh giá các vấn đề thực tiễn đặt ra, đề xuất luật hóa quy định về xử lý nợ xấu nhằm tạo hành lang pháp lý ổn định cho công tác xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đáp ứng yêu cầu khơi thông nguồn vốn, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) cũng đề nghị Quốc hội tiếp tục xem xét gia hạn kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Đại biểu chỉ rõ, qua gần 5 năm thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội, hệ thống ngân hàng đã xử lý được hơn 380 nghìn tỷ đồng, trong đó có gần 40% là do khách hàng vay vốn chủ động trả nợ. Điều đó khẳng định, Nghị quyết 42 là rất cần thiết và nên tiếp tục gia hạn thêm một thời gian để bảo đảm được an toàn hệ thống ngân hàng.

Thu hút đầu vào, siết chặt đầu ra ở bậc đại học

Liên quan đến lĩnh vực giáo dục-đào tạo, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương) khẳng định, giáo dục là vấn đề cốt lõi để phát triển đất nước và ổn định an sinh xã hội. Cử tri, người dân rất quan tâm đến cải cách thay đổi chương trình và mức học phí của các bậc học. Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung nêu thực tế, lâu nay, ở bậc đại học, thi tuyển khắt khe ở đầu vào nhưng đầu ra lại buông lỏng dẫn đến chất lượng không bảo đảm và không có chọn lọc. Đại biểu đề xuất nghiên cứu chính sách theo hướng thu hút đầu vào và siết chặt đầu ra.

Phát biểu làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Giáo dục  và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, vấn đề tự chủ đại học là thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước theo Nghị quyết 29-NQ/TW và theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Tự chủ đại học đã đem lại nhiều cơ hội, điều kiện phát triển các trường đại học, được các trường đại học và xã hội đánh giá cao. Bộ trưởng nêu rõ, qua thời gian thực hiện tự chủ, các trường đại học đã có nhiều diện mạo và sự phát triển mới. Chỉ số xếp hạng giáo dục của Việt Nam so với thế giới đã tăng nhanh.

Tăng cường giám sát thị trường chứng khoán

Đại biểu Siu Hương (Gia Lai) cho rằng, tiền đề phục hồi kinh tế trong thời gian qua góp phần củng cố niềm tin của nhân dân. Đại biểu chỉ rõ các điểm tích cực của nền kinh tế bắt đầu có dấu hiệu phục hồi; nhiều giải pháp ổn định thị trường bất động sản, huy động vốn, thông tin, truyền thông ngày càng đổi mới, tích cực, kịp thời góp phần tạo đồng thuận xã hội, nhất là trong phòng, chống dịch bệnh. Song đại biểu cho rằng cần tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản. Trong khi đó, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng: Những vụ việc vừa qua cho thấy thị trường vốn của nước ta là rất mong manh và dễ bị thao túng, tác động, can thiệp. Do đó cần theo dõi, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi thao túng giá, làm giá, thực hiện sai nghĩa vụ công bố thông tin.

NGỌC PHÚ - VŨ HƯNG - BT

.