Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Phạm Hùng (11-6-1912 - 11-6-2022): Nhà lãnh đạo tài năng, có uy tín lớn của Đảng và Nhà nước

.

Đồng chí Phạm Hùng sinh ngày 11-6-1912, nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, là một trong những nhà lãnh đạo có cống hiến quan trọng làm nên các chiến thắng vĩ đại của dân tộc, đóng góp nhiều công sức trong thời kỳ tái thiết, xây dựng đất nước…

Đồng chí Phạm Hùng - người Cộng sản kiên trung. (Ảnh tư liệu)
Đồng chí Phạm Hùng - người Cộng sản kiên trung. (Ảnh tư liệu)

Một lòng kiên trung vì lý tưởng cách mạng

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Nam Bộ giàu truyền thống yêu nước, đồng chí Phạm Hùng tham gia hoạt động cách mạng trong tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng tại Mỹ Tho khi mới 16 tuổi; vinh dự được kết nạp Đảng, làm Bí thư chi bộ trường học khi 18 tuổi; được Đảng phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho lúc 19 tuổi. Khi đang tích cực lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống thực dân Pháp và chế độ phong kiến, ngày 2-6-1931, đồng chí bị thực dân Pháp bắt tại Mỹ Tho. Kẻ thù đã dùng mọi thủ đoạn thâm độc, cực hình để tra tấn nhưng không khuất phục được ý chí cách mạng của đồng chí. Sau hơn 7 tháng giam cầm, đầu năm 1932, chúng đưa đồng chí Phạm Hùng ra tòa Đề hình ở Sài Gòn xét xử, kết án 3 năm tù, 3 năm quản thúc và đưa về Mỹ Tho giam giữ.

Trong lao tù, đồng chí Phạm Hùng lãnh đạo anh em tù nhân đấu tranh đòi cải thiện chế độ nhà tù, xây dựng đường dây liên lạc với bên ngoài để tiếp tục chỉ đạo phong trào đấu tranh của quần chúng. Thực dân Pháp đã đàn áp dã man cuộc đấu tranh của tù nhân, đồng chí Phạm Hùng bị biệt giam vào xà lim. Ngày 20-9-1932, thực dân Pháp mở phiên tòa Đại hình xét xử những người chống lại “an ninh công cộng”, đồng chí bị kết án tử hình và đưa về giam ở xà lim án chém Khám Lớn Sài Gòn.

Tại đây, đồng chí cảm hóa một số tù thường phạm bị kết án xử tử, thức tỉnh lương tâm và truyền niềm tin vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng cho các bạn tử tù. Sau đó, phong trào đấu tranh của các lực lượng yêu nước và tiến bộ trong nước cũng như trên thế giới buộc thực dân Pháp phải giảm án tử hình đối với đồng chí Phạm Hùng và một số chiến sĩ cách mạng xuống chung thân khổ sai, đày ra Côn Đảo vào tháng 1-1934.

Gần 15 năm tù đày, trong đó có 12 năm bị giam giữ ở nhà tù Côn Đảo, đồng chí Phạm Hùng đã thể hiện khí phách cách mạng cao đẹp, kiên cường, dũng cảm, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng cách mạng, là biểu tượng của “tinh thần thép”.

Đồng chí Phạm hùng đã cùng chi ủy, chi bộ lãnh đạo tù nhân đấu tranh quyết liệt đòi giảm nhẹ chế độ tù khổ sai, cải thiện chế độ sinh hoạt nhà tù; trực tiếp tham gia tổ chức nhiều lớp học tập văn hóa, học tập lý luận nâng cao trình độ chính trị, củng cố lập trường tư tưởng, giữ vững lý tưởng và niềm tin vào tương lai của cách mạng cho các chiến sĩ cộng sản, bạn tù thường phạm, bạn tù thuộc các đảng phái khác, góp phần quan trọng vào việc biến nhà tù đế quốc thành trường học cộng sản, đào tạo lớp cán bộ cách mạng trưởng thành ngay trong nhà tù đế quốc.

Trong khí thế Cách mạng Tháng Tám năm 1945, với tư cách là Bí thư Đảo ủy, đồng chí Phạm Hùng đã lãnh đạo tù nhân đứng lên giải phóng nhà tù Côn Đảo lần thứ nhất (1945) và trở về đất liền tiếp tục tham gia lãnh đạo kháng chiến ở miền Nam.

Nhà lãnh đạo tài năng, có uy tín lớn của Đảngvà Nhà nước

Sau khi được Đảng đón từ nhà tù Côn Đảo về đất liền, đồng chí Phạm Hùng tham gia vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam bộ và được bầu vào Xứ ủy lâm thời Nam bộ. Đầu năm 1946, được bầu làm Bí thư Xứ ủy Nam bộ kiêm Giám đốc Quốc gia Tự vệ (Giám đốc Nha Công an Nam bộ), đồng chí Phạm Hùng luôn bám sát các nghị quyết của Đảng và những chỉ đạo của Bác Hồ, cùng tập thể Xứ ủy góp phần quan trọng vào việc chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Nam bộ, lập được nhiều chiến thắng vẻ vang, được Bác Hồ tặng danh hiệu “Nam Bộ Thành Đồng”…

Tại Đại hội toàn quốc lần thứ II (tháng 2-1951), đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, được chỉ định tham gia và làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam kiêm Bí thư Phân Liên khu ủy miền Đông (tháng 3-1952). Đồng chí đã lãnh đạo, chỉ đạo, từng bước tạo ra thế và lực đưa cuộc kháng chiến của quân dân miền Đông phát triển lên đỉnh cao, góp phần phối hợp với chiến trường chính buộc địch phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ (21-7-1954)…

Năm 1967, đồng chí Phạm Hùng được giao nhiệm vụ Bí thư Trung ương Cục miền Nam và Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam. Từ năm 1968 đến tháng 4-1975, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Phạm Hùng, Trung ương Cục đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, chỉ đạo phong trào đấu tranh của quân và dân miền Nam trên cả ba vùng chiến lược. Tháng 4-1975, sau thắng lợi của các chiến dịch Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch giải phóng Sài Gòn, mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh, đồng chí Phạm Hùng làm Chính ủy Bộ Chỉ huy Chiến dịch và đã góp phần quan trọng trong việc tổ chức, lãnh đạo quân và dân ta, nhất là cổ vũ, động viên lực lượng vũ trang chớp thời cơ để hoàn thành thắng lợi chiến dịch lịch sử.

Sau khi đất nước thống nhất, đồng chí Phạm Hùng được Đảng và Nhà nước giao nhiều trọng trách quan trọng như Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Đặc biệt, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VIII (17-6-1987), đồng chí được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam – Thủ tướng đầu tiên của nước ta thời kỳ đổi mới.

Tình hình nước ta trong những năm đầu đổi mới gặp vô vàn khó khăn, khủng hoảng, lạm phát nghiêm trọng, các thế lực thù địch thực hiện cấm vận bao vây, phá hoại nhiều mặt. Trên cương vị người đứng đầu Chính phủ, đồng chí Phạm Hùng khẳng định trước Quốc hội: “Tập thể Hội đồng Bộ trưởng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức mình bằng ý chí tiến công cách mạng, bằng hành động thiết thực, bằng hiệu quả cụ thể để làm tròn trách nhiệm đối với Đảng, Quốc hội và nhân dân”.

Những cống hiến và hoạt động không mệt mỏi của đồng chí Phạm Hùng trong những năm tháng chèo chống con thuyền cách mạng vượt qua khó khăn thời kỳ đầu đổi mới đã để lại dấu ấn sâu đậm, khẳng định tài năng và tinh thần trách nhiệm của một nhà lãnh đạo chủ chốt, góp phần đưa đất nước thoát khỏi nghèo đói, từng bước phát triển…

NGỌC PHÚ (Tổng hợp từ nguồn tài liệu Ban Tuyên giáo Thành ủy)

;
;
.
.
.
.
.