Nêu cao tinh thần trách nhiệm trong hoạt động báo chí ở nước ta hiện nay

.

“Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” là định hướng quan trọng được Đảng ta xác lập trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Để hiện thực hóa mục tiêu trên, đòi hỏi các cấp độ chủ thể hoạt động trên lĩnh vực báo chí - truyền thông phải làm nhiều việc, trong đó: Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách làm báo và viết báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những chủ đề được chia sẻ góp phần tạo dựng thống nhất trong nhận thức và hành động.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam. (Ảnh tư liệu)
Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam. (Ảnh tư liệu)

Nêu cao tinh thần trách nhiệm

Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Trong rất nhiều việc đã làm, từ rất sớm, Người tiến hành đấu tranh để giành quyền tự do ngôn luận cho số đông quần chúng. Ngay trong 8 điều “Yêu sách của nhân dân An Nam”, ở Điều thứ ba, Người đã đòi cho nhân dân Việt Nam nói riêng và nhân dân các dân tộc bị áp bức nói chung quyền được “Tự do báo chí và ngôn luận”…

Là người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định rõ trách nhiệm của người làm báo trong suốt tiến trình cách mạng. Theo đó, trong kháng chiến, Người chỉ rõ: mục đích chung của các tờ báo là tuyên truyền cổ động, huấn luyện, tổ chức nhân dân đoàn kết: “dùng sức ta, giải phóng cho ta”. Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, trên cương vị Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh khẳng định: Báo chí đã là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, nó có vai trò to lớn trong cổ vũ “thi đua ái quốc” để “kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công”. Tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam (16-4-1959),

Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định: Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên nền báo chí đó phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu. Báo chí góp phần đề cao cái tốt, cái tích cực, phát hiện và đấu tranh chống cái xấu, cái tiêu cực… Nhà báo phải gần gũi với quần chúng, học hỏi nhân dân để tiến bộ, phải phản ánh trung thực hiện thực xã hội. Vì rằng, “những gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, những gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh”, nên nhà báo luôn cần phải có cái tài để phát hiện và chuyển tải những vấn đề bức xúc của thực tiễn, và quan trọng hơn là phải có cái tâm trong sáng, phải có bản lĩnh để giữ cho ngòi bút không bị bẻ cong trước những cám dỗ...

Đà Nẵng hôm nay. Ảnh: LÊ HUY TUẤN
Đà Nẵng hôm nay. Ảnh: LÊ HUY TUẤN

Thể hiện rõ “chiến sĩ tiên phong”

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách làm báo, viết báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có thể nói nêu cao tinh thần trách nhiệm trong hoạt động báo chí nói chung, người làm báo nói riêng là giải pháp tự ý thức, là điều kiện tiên quyết. Biện pháp cho việc làm này, ít nhất gồm: Thứ nhất, người làm báo cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để vững tin hơn vào chính mình.

Hồ Chí Minh đã đúng khi cho rằng, cái cốt lõi, hàng đầu mà chủ nghĩa Mác-Lênin đem lại cho chúng ta là phương pháp hành động đúng để nhận thức và cải tạo hiện thực khách quan. Những thắng lợi to lớn mà chúng ta giành được trong tiến trình cách mạng..., trước hết “nhờ cái vũ khí không gì thay thế được là chủ nghĩa Mác - Lênin”. Từ bản chất khoa học và cách mạng đó, chủ nghĩa Mác-Lênin khi vận dụng vào điều kiện cách mạng Việt Nam đã được tiếp nối và bổ sung thành chủ nghĩa Mác-Lênin - tư tưởng Hồ Chí Minh.

Việc hiểu đúng, đầy đủ, sâu sắc cái tạo nên nền tảng tư tưởng của Đảng ta, là điều kiện để mỗi nhà báo có thể trở thành mỗi chiến sĩ - đủ sức khẳng định tầm vóc, dũng khí trong tuyên truyền khẳng định và đề xuất những ý tưởng mới - tất yếu nảy sinh trong sự đổi thay nhanh chóng, sâu rộng của đời sống hiện thực. Đó là cách tốt nhất để tự bảo vệ và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta, cũng là cách thức góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ chuẩn giá trị trong đời sống tinh thần của xã hội Việt Nam.

Thứ hai, báo chí thể hiện trách nhiệm trong việc góp phần phát huy mọi nguồn lực để từng bước hoàn thành mục tiêu nhân văn cao cả “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Hiện thực hóa triết lý nhân văn Cộng sản chủ nghĩa là tìm cách trả lại quyền tự do, bình đẳng, dân chủ, công lý và phát triển vốn có của con người và các cộng đồng người (tầng lớp, giai cấp, quốc gia, dân tộc) trong mối quan hệ hòa hợp giữa tự nhiên và xã hội. Tất nhiên, điều đó chỉ được triển khai thực hiện một cách đầy đủ khi nền văn minh vật chất đạt đến trình độ có thể đảm bảo một cách cơ bản về sự ăn uống (năng lượng để sống khỏe mạnh và sáng tạo), ở, mặc, di chuyển, thông tin liên lạc, tiếp cận tri thức mới cho mọi thành viên.

Theo đó, báo chí cần phản ánh kịp thời thực tiễn tiến trình “hoàn thiện thể chế phát triển”, góp phần phát triển bền vững, hài hòa về xã hội và môi trường. Đưa tin kịp thời việc tìm kiếm và xây dựng các thể chế có thể khuyến khích, dung nạp sự tham gia đông đảo của người dân trong các hoạt động kinh tế, phát huy tối đa năng lực của con người. Chỉ ra hay chứng minh sinh động rằng, hoàn thiện thể chế phát triển không chỉ xây dựng một thể chế có khả năng huy động tối đa mọi nguồn lực (dân tộc và thời đại) mà còn giải quyết hài hòa tương quan mối quan hệ nhu cầu và nguồn lực để xác định mục tiêu, nhịp điệu, bước đi hợp lý, hài hòa; là tìm kiếm phương thức quản lý, vận hành quá trình phát triển kinh tế-xã hội một cách hiệu lực, hiệu quả; để từng bước hiện thực hóa “khát vọng về một xã hội phồn vinh, hạnh phúc” - nền móng vững chắc cho hệ tư tưởng của Đảng, bản sắc văn hóa của dân tộc, các giá trị văn minh, tiến bộ của thời đại.

Ba là, báo chí tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực thực hiện lối sống tích cực - vì hạnh phúc của mỗi người, mỗi gia đình, vì sự tiến bộ xã hội, góp phần hình thành khả năng đề kháng, miễn dịch với các thông tin độc hại.

Vì rằng, “những gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, những gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh”, nên nhà báo luôn cần phải có cái tài để phát hiện và chuyển tải những vấn đề bức xúc của thực tiễn, và quan trọng hơn là phải có cái tâm trong sáng, phải có bản lĩnh để giữ cho ngòi bút không bị bẻ cong trước những cám dỗ...

Cái tạo nên mọi sự đổi thay, xét đến cùng là sức dân. Vì thế, báo chí phải chú trọng đúc kết thực tiễn, truyền tải và truyền cảm hứng kịp thời quá trình “khai dân trí, chấn dân khí”. Trong đó, đặc biệt quan tâm việc học tập và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác đoàn thể, công tác dân vận, phát huy dân chủ, tăng cường đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo; lấy đoàn kết trong tổ chức Đảng, chính quyền làm hạt nhân, làm cơ sở để xây dựng và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân.

Đề cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc đối thoại, lắng nghe ý kiến, giải quyết những khó khăn, vướng mắc và nguyện vọng chính đáng của nhân dân, tập trung tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh ở cơ sở, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, tạo môi trường ổn định, sự đồng thuận trong xã hội để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

Mặc dù về bản chất những âm mưu và thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá cách mạng Việt Nam hiện nay không mới, nhưng về thủ đoạn, cách thức tiến hành thì đã có sự điều chỉnh theo hướng để triệt để lợi dụng, phát huy vai trò của “mạng xã hội - siêu quyền lực mới” - một mặt trận mà báo chí cách mạng phải thể hiện rõ “chiến sĩ tiên phong”. Theo đó, xét từ phương diện tự bảo vệ, cần có những bài viết góp phần chỉ rõ trách nhiệm của các chủ thể quản lý, ý thức của người kinh doanh dịch vụ và người sử dụng internet…

Cùng với đó, gia đình, nhà trường phối hợp quản lý chặt chẽ việc sử dụng thời gian hằng ngày của con em mình. Ngay những biểu hiện thiếu niềm tin hay hoài nghi của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân đều có căn nguyên từ những tác nhân khách quan - những diễn biến phức tạp, khó lường trong đời sống chính trị - xã hội đương đại, đáng quan ngại đó là sự “nhiễu giá trị” trong “thế giới phẳng”.

Vì lẽ đó, bên cạnh huy động những bài viết, những phóng sự điều tra mang tính khoa học, thực chứng - tích hợp hệ thống dữ liệu phong phú từ thực tiễn của đất nước và quốc tế, báo chí góp phần phản bác một cách thuyết phục các luận điệu sai trái, cần tuyên truyền các giải pháp thiết thực, sát hợp các đối tượng, góp phần tăng sức đề kháng, miễn dịch thông tin độc hại cho mỗi người dân và các tầng lớp dân cư…là một bộ phận hợp thành sứ mệnh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta hiện nay.

PGS.TS HỒ TẤN SÁNG

;
;
.
.
.
.
.