Chính trị - Xã hội

Phê phán các luận điệu xuyên tạc của Tổ chức Phóng viên không biên giới

08:59, 15/06/2022 (GMT+7)

Nhân sắp kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6, người viết có vài suy nghĩ về bảng xếp hạng tự do báo chí mà Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) đưa ra hồi đầu tháng 5 vừa qua. Theo nhiều trang mạng nước ngoài đưa tin, trong bảng xếp hạng lần này, RSF xếp Việt Nam ở vị trí 174/180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới về Chỉ số tự do báo chí?! Vậy những toan tính nào để RSF có những hoạt động như vậy?

Được biết, RSF thành lập năm 1985, có trụ sở tại Paris (Pháp), không phải là một tổ chức do cộng đồng quốc tế thống nhất lập thành, mà chỉ là một tổ chức phi chính phủ lợi dụng vỏ bọc “bảo vệ tự do báo chí” để tiến hành các hoạt động can thiệp chính trị vào nhiều quốc gia.

Dưới danh nghĩa bảo vệ tự do báo chí trên thế giới, nhưng RSF không đưa ra khái niệm về “tự do báo chí”, tức là tổ chức này đã không hình thành được một định nghĩa và cách hiểu cơ bản về tự do báo chí, những yếu tố được tổ chức này sử dụng để đánh giá tự do của một nền báo chí nhưng không cân nhắc đến các yếu tố về văn hóa, xã hội, nhận thức của từng quốc gia riêng biệt mà những đánh giá và xếp hạng của tổ chức này luôn dựa vào vấn đề “dân chủ, nhân quyền” theo khái niệm của phương Tây.

Ở một phương diện khác, RSF cũng chẳng hề được bất kỳ cộng đồng, hiệp hội hay liên hiệp nào tài trợ, ủng hộ, mà hầu hết nguồn tiền hoạt động được tài trợ từ các nước phương tây. Điều đó phần nào cũng giúp chúng ta hiểu rằng mục đích hoạt động thực sự của RSF hoàn toàn chẳng hề vì cái gọi là “tự do báo chí”, mà đó là chỉ một chiếc vỏ bọc cho động cơ, thủ đoạn chính trị đằng sau.

Thông qua chiêu trò đưa ra bảng xếp hạng tự do báo chí hàng năm, RSF liên tục chĩa mũi nhọn công kích vào một số nước như Nga, Iran, Syria, Triều Tiên, Việt Nam, Cuba, Trung Quốc… Trong khi đó, RSF lại không ngừng ca ngợi cho cái gọi là “giá trị tự do báo chí phương Tây”.

Một sự phiến diện, thiếu khách quan khi đánh giá về tự do báo chí của các nước trên thế giới của RSF đang đi ngược lại những gì tự do báo chí phải có. Đó là chưa kể, tổ chức này thường xuyên cổ vũ, ca ngợi, hỗ trợ, giúp sức cho các đối tượng chống phá núp bóng “nhà báo độc lập” tiến hành các hoạt động chống đối chính quyền của các nước.

Dư luận đều biết, RSF không hề đưa ra bất kỳ báo cáo nào về hoạt động chống lại nhà báo của các nước phương Tây, như việc 176 người hoạt động trên lĩnh vực truyền thông bị giết hại tại Philippines từ năm 1986 đến nay. Hay vụ đánh bom đẫm máu của NATO vào Belgrade (Cộng hòa Liên bang Nam Tư) đêm 23-4-1999, làm hư hại nặng trụ sở Đài Truyền hình Serbia (RTS) khiến 16 nhân viên của RTS đã thiệt mạng khi một tên lửa NATO bắn trúng tòa nhà.

Đặc biệt gần đây, khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bùng phát, nhiều nước phương Tây đã thực hiện chính sách bao vây cấm vận khốc liệt chưa từng có tiền lệ nhằm vào nước Nga. Thế nhưng, trước sự tấn công trực diện vào nền báo chí vào sự tự do hoạt động báo chí của hàng ngàn nhà báo Nga, thì RSF không hề đưa ra bất cứ một phản ứng nào. Từ thực tế, chúng ta có thể hiểu rằng, báo chí tự do và các “nhà báo tự do” trong mắt của RSF thực chất chỉ là những tờ báo, những đối tượng phục vụ cho các lợi ích, giá trị của phương Tây.

Trở lại việc RSF xếp Việt Nam ở vị trí 174/180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới về Chỉ số tự do báo chí. Cứ theo một đường vẽ định sẵn, ngay sau khi RFS công bố bảng “xếp hạng tự do báo chí”, hoặc phê phán tự do báo chí ở Việt Nam thông qua một vụ việc nào đó, là các thế lực thù địch trong và ngoài nước và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí đã nhanh chóng hùa theo để vu cáo Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân ở Việt Nam được thể hiện trong các Điều 10 và Điều 11, Luật Báo chí năm 2016. Theo đó, công dân đầy đủ có các quyền tự do báo chí: sáng tạo tác phẩm báo chí; cung cấp thông tin cho báo chí; phản hồi thông tin trên báo chí; tiếp cận thông tin báo chí; liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí; in, phát hành báo in. Còn các cơ quan báo chí, các nhà báo nước ta đã và đang hoạt động tự do theo luật pháp và Luật Báo chí quy định.

Thực tiễn hoạt động báo chí tại Việt Nam là câu trả lời rõ ràng nhất cho việc Việt Nam có tự do báo chí hay không. Hiện có 816 cơ quan báo chí, 17.161 nhà báo và hơn 40.000 cộng tác viên báo chí đang hoạt động trên đất nước Việt Nam và thường trú ở hàng trăm quốc gia trên thế giới. Cùng với các cơ quan thông tấn, báo chí, loại hình thông tin mạng cũng phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ không kém. Mỗi người dân ở bất kỳ nơi đâu cũng đều có thể dễ dàng tham gia vào việc khởi tạo, chia sẻ thông tin thông qua các trang mạng xã hội.

Việc RSF luôn xếp hạng tự do báo chí ở Việt Nam thấp từ năm 2002 đến nay là một chuyện không lạ, bởi đó là mục đích của họ để thỏa mãn yêu cầu mà chủ nhân bỏ tiền ra nuôi RSF không hơn không kém.

Thiết nghĩ, trong một xã hội toàn cầu hóa về truyền thông hiện nay, việc RSF ca đi ca lại bài ca “tự do báo chí” sẽ chẳng giúp ích gì cho sự phát triển về uy tín của chính tổ chức này đến các quốc gia khác, càng cho thấy sự bôi nhọ, thiên lệch, bộc lộ bản chất thật của một tổ chức dựa dẫm vào các nước phương Tây, không từ bỏ tham vọng can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác, nhất định sẽ không thuyết phục được ai.

TUYẾT MINH

.