Chính trị - Xã hội

"Sống" với nhân vật để viết thực, viết đúng

13:17, 19/06/2022 (GMT+7)

Viết về người tốt việc tốt, những nhân cách cao đẹp theo tư tưởng Hồ Chí Minh là công việc văn hóa, giáo dục, góp phần làm cho cái tốt, cái đẹp, cái thiện ngày càng có nhiều hơn, trở thành phổ biến trong xã hội, chiến đấu và chiến thắng cái xấu, cái ác, đem lại hạnh phúc cho mọi người dân.

Thể loại ký chân dung đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc tuyên truyền gương người tốt việc tốt, từ đó nhân rộng các gương điển hình tiên tiến, góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong xã hội.

“Gặp đến khi nào thành bạn”

Ký chân dung là một thể tài chính luận nghệ thuật. Thể loại này tương đối khó viết bởi cần sự nhạy bén và thấu hiểu về con người, cụ thể là nhân vật của mình, nên đòi hỏi người viết phải có kinh nghiệm về tuổi nghề cũng như tuổi đời thì mới thể hiện tác phẩm hấp dẫn, lôi cuốn bạn đọc.

Phóng viên Hà Hải (Báo Doanh nghiệp Việt Nam) cho rằng: “Để nâng cao kỹ năng viết ký chân dung, nhà báo cần phải trang bị cho mình nhiều kiến thức và trải nghiệm thực tế để có nhiều vốn sống. Mặt khác, phải có đủ thời gian cần thiết để hiểu rõ về nhân vật. Người viết phải hiểu rõ bản chất của vấn đề sự kiện liên quan đến nhân vật. Khi hiểu rõ hoàn cảnh gia đình, lịch sử bản thân nhân vật thì tác giả mới đặt mình vào bối cảnh lịch sử của nhân vật để đồng cảm, đồng hành với họ”.

Phóng viên Tiểu Yến (Báo Đà Nẵng) (bên trái) phỏng vấn nhân vật tại Văn phòng Hội Người khuyết tật thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Đ.H.L
Phóng viên Tiểu Yến (Báo Đà Nẵng) (bên trái) phỏng vấn nhân vật tại Văn phòng Hội Người khuyết tật thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Đ.H.L

Chia sẻ về vấn đề này, phóng viên Đoàn Nhạn (Báo Tuổi Trẻ) cũng cho hay: “Điều quan trọng nhất trong ký chân dung là người viết cần “sống” với nhân vật để viết thực, viết đúng, viết có cảm xúc chứ không hời hợt hay cố gắng vẽ chữ cho dài trang. Có những bài báo tôi đã gặp nhân vật rất nhiều lần, đến khi nào thành bạn mới viết về họ được. Đặc điểm khó nhất là viết ký giữa mùa giãn cách xã hội, phải phỏng vấn online, nhưng tôi ít khi viết sau một buổi trao đổi mà dành thời gian nhiều hơn để tiếp xúc, nói chuyện và thấu hiểu nhân vật mình nhất có thể. Ký chân dung cần thêm sự trau chuốt câu chữ, làm sao đọc báo mà như đọc văn thì mới là người viết ký”.

Bên cạnh trau dồi kỹ năng viết ký để hiện đại hóa cách thể hiện, tránh cách viết theo lối mòn, người viết cần trung thực, khách quan, không đẩy cao nhân vật và khai thác từ một phía. Đây chính là điều cần thiết để tác phẩm được độc giả đón nhận. “Viết không ngợi ca nhân vật mà làm sao cho nhân vật tỏa sáng và đọng lại một thông điệp gì đó trong lòng bạn đọc. Viết sao mà khi tặng lại tờ báo cho nhân vật, bản thân không cảm thấy gượng một chữ, một câu nào”, Đoàn Nhạn nhấn mạnh.

Biết lắng nghe và sẻ chia

Trước đây, ký chân dung chủ yếu viết về những con người, tập thể điển hình, tiên tiến. Tuy nhiên, hiện nay, ký chân dung đã có sự dịch chuyển, hướng đến những con người bình thường, bình dị giữa đời thường. Người viết phải biết khai thác những chi tiết đắt giá, điển hình. Thông qua những con người này tạo sự thân thuộc, hướng đến cái chân thiện mỹ cho người đọc.

Để lột tả đời sống nội tâm phong phú của nhân vật thông qua tính cách của họ, người viết phải hiểu rõ nhân vật, từ đó mô tả chân thực và có những lời bình xúc động, có chiều sâu thể hiện hết các sắc thái tình cảm của mình. Vì vậy, nhà báo cần nâng cao kỹ năng phỏng vấn, biết lắng nghe, chia sẻ để khai thác thông tin từ nhân vật và kiểm chứng thông tin.

Phóng viên Duy Cường (Báo Người đưa tin) cho rằng: “Trong quá trình phỏng vấn, phải biết lắng nghe, chia sẻ để nhân vật tin tưởng phân trần những góc khuất của mình. Người viết phải biết quan sát tỉ mẩn lời nói, hành động… của nhân vật. Người viết phải biết chắt lọc những chi tiết đắc địa và trau dồi vốn ngôn ngữ. Việc kiểm tra lại thông tin nhân vật cung cấp với thông tin của các nhân chứng cũng là điều quan trọng”. Đồng quan điểm, phóng viên Kim Phượng (Báo Đà Nẵng) cũng cho rằng: “Nhà báo hiện đại cần đổi mới cách thể hiện bài viết theo hướng đa phương tiện, mềm hóa văn phong, câu chữ; chọn nhân vật, câu chuyện, hình ảnh, phát ngôn đắt giá để đưa vào bài viết”.

Bút pháp chủ yếu của ký chân dung là đặc tả, thể hiện qua cách mô tả con người và nhấn mạnh sự việc. Nhân vật trong ký chân dung “sống” được trong lòng bạn đọc là nhờ những chi tiết điển hình. Ngoài ra, còn có thể sử dụng các bút pháp mô tả, liên tưởng, hồi tưởng, so sánh… để tạo màu sắc hấp dẫn. “Để nâng cao ký chân dung, theo tôi, người làm báo phải thay đổi cách viết theo hướng cuốn hút, pha một chút ký văn học. Ngoài thay đổi cách viết, người viết phải đi nhiều, trải nghiệm nhiều để có vốn sống; đọc nhiều để làm giàu ngôn ngữ sẽ viết tốt hơn; học nhiều qua các tác phẩm ký của người khác và học từ sách vở, đồng nghiệp có kinh nghiệm”, phóng viên Dương Út (Báo Đồng Tháp) chia sẻ.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

.