Chính trị - Xã hội

Thi đua 'Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí'

22:57, 21/06/2022 (GMT+7)

Xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa là chủ đề rất rộng, vì vậy phong trào thi đua phải được lan tỏa thấm sâu, thực chất vào mỗi cơ quan báo chí và mỗi người làm báo.

Lãnh đạo các cơ quan báo chí ký giao ước thực hiện phong trào thi đua. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Lãnh đạo các cơ quan báo chí ký giao ước thực hiện phong trào thi đua. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Ngày 21-6, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhân Dân phối hợp tổ chức Lễ phát động Phong trào thi đua "Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí" hướng tới Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025).

Mỗi cơ quan báo chí là một tấm gương đi đầu trong xây dựng văn hóa công sở

Phát biểu tại lễ phát động, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa gửi lời tri ân chân thành nhất đến các nhà báo cách mạng tiền bối, các nhà báo lão thành; gửi những lời chúc tốt đẹp nhất tới đội ngũ những người làm báo cả nước nhân kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Nói về vai trò của văn hóa, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất ngày 24/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, Nhà văn hóa kiệt xuất, người khai sinh và một nhà báo kiệt xuất của nền Báo chí cách mạng Việt Nam, đã nhấn mạnh: "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi."

Trong 97 năm qua, các thế hệ những người làm báo cách mạng, những chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng đã quán triệt, thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Người, xác định đúng vị trí, tầm quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; từ đó xây dựng một tâm thế, phong cách làm báo có văn hóa, xứng đáng với sự mong đợi của Đảng và Nhân dân.

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước, các cơ quan báo chí đã thể hiện rõ vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng-văn hóa, có đóng góp quan trọng trong thông tin, tuyên truyền trên các mặt chính trị, văn hóa, kinh tế-xã hội của đất nước; khẳng định và làm sâu sắc những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta, nhân dân ta...

Nhiều cơ quan báo chí trong suốt quá trình xây dựng, phát triển đã tự thân hình thành nên những giá trị văn hóa, môi trường văn hóa tốt đẹp, những tiêu chuẩn, chuẩn mực đạo đức văn hóa để mỗi cán bộ, phóng viên, người làm báo tự giác thực hiện, coi đó là điều hiển nhiên, lẽ tất yếu của người làm báo, người làm văn hóa. Qua đó, chất lượng người làm báo và chất lượng, hiệu quả hoạt động báo chí từng bước được khẳng định, nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp trên báo chí được lan tỏa tích cực trong đời sống xã hội.

Chỉ ra một số hạn chế trong việc xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, việc Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và Báo Nhân Dân đã lựa chọn thời điểm thích hợp với một chủ đề rất trúng và đúng là "Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí" để phát động phong trào thi đua trong các cơ quan báo chí cả nước.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ: Những giá trị tốt đẹp của văn hóa Việt Nam là cội nguồn sức mạnh, giúp dân tộc ta trường tồn, vượt qua mọi khó khăn, thử thách nghiệt ngã trước thiên tai, địch họa. Với sứ mệnh vẻ vang của người chiến sỹ xung kích trên mặt trận tư tưởng-văn hóa, mỗi người làm báo cần xác định rõ trách nhiệm trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thắp lên ngọn lửa tri thức, lòng nhân ái trong toàn xã hội.

Mỗi bài báo phải là một tác phẩm văn hóa, thấm đẫm tính nhân văn, lắng đọng giá trị văn hóa dân tộc, đủ sức lay động lòng người, hướng tới các giá trị cao đẹp của chân-thiện-mỹ. Mỗi cơ quan báo chí phải là một tấm gương đi đầu trong việc xây dựng văn hóa công sở, văn hóa cơ quan.

Theo tinh thần đó, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí, đội ngũ những người làm báo nước nhà cần phát huy tinh thần, ý thức trách nhiệm, tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên trong các cơ quan báo chí về vị trí, vai trò, trách nhiệm của báo chí cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; về vị trí, vai trò của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.

Các cơ quan báo chí xây dựng, hoàn thiện, thực hiện tốt quy trình tác nghiệp, bảo đảm các chuẩn mực cao nhất về tính chính xác, sự tin cậy, tính nhân văn trong từng bản tin, từng bài báo; tích cực xây dựng các sản phẩm báo chí giàu chất văn hóa, có sức lan tỏa, góp phần hình thành môi trường văn hóa lành mạnh cả trong đời sống thực tiễn cũng như trên không gian truyền thông.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng nhiều lãnh đạo cơ quan báo chí tới dự. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng nhiều lãnh đạo cơ quan báo chí tới dự. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng nhiều lãnh đạo cơ quan báo chí tới dự. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Theo Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, xây dựng môi trường cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa thời kỳ mới gắn với phát triển, hội nhập cần chú trọng những giá trị chuẩn mực phù hợp với hệ giá trị gia đình, hệ giá trị xã hội, giá trị quốc gia-dân tộc kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại để văn hóa thực sự là "nền tảng tinh thần," "động lực phát triển" như tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc; tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, quản lý nhà nước đối với báo chí để báo chí phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng, văn hóa của Đảng; có biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, phóng viên, công chức, người làm báo.

Xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa là chủ đề rất rộng đòi hỏi sự quan tâm, đầu tư nhiều về thời gian, công sức, vì vậy phong trào thi đua phải được lan tỏa thấm sâu, thực chất vào mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương mong muốn Hội Nhà báo Việt Nam hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện phong trào ở các cấp hội, cơ quan báo chí; hằng năm tiến hành việc đánh giá kết quả thực hiện, bình xét, trao tặng danh hiệu thi đua, khen thưởng, đề xuất hình thức khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua, tạo ra niềm tin, động lực, khí thế mới cho mỗi người làm báo Việt Nam trong giai đoạn tới.

Xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa là trách nhiệm, đồng thời cũng là vấn đề tự thân của mỗi cơ quan báo chí, người làm báo.

Để phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả thực chất, ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các cơ quan báo chí, đội ngũ những người làm báo cả nước thiết thực hưởng ứng, thực hiện, lan tỏa phong trào ra xã hội; duy trì thường xuyên, liên tục, tạo thành nền nếp, từ đó tạo nên nhiều những sản phẩm báo chí có chất lượng, giàu giá trị văn hóa tốt đẹp, góp phần khơi dậy, định hướng những dòng chảy văn hóa tích cực trong đời sống xã hội.

Xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa

Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi đã phát động Phong trào thi đua và công bố "Tiêu chí cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa của người làm báo Việt Nam" làm căn cứ, cơ sở để các cơ quan báo chí, người làm báo hưởng ứng, tổ chức, triển khai, thực hiện.

Tiêu chí cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa của người làm báo Việt Nam gồm 12 điểm, với 6 điểm dành cho cơ quan báo chí, 6 điểm dành cho người làm báo. Theo đó, với vai trò là một thành phần của văn hóa, đồng thời là một trong những phương tiện chủ lực phổ biến các loại hình văn hoá đến toàn xã hội, bộ tiêu chí hướng đến: Mỗi cơ quan báo chí phải là một cơ quan văn hóa, mỗi người làm báo cần luôn có ý thức nâng cao văn hóa của bản thân, đề cao thành tố văn hóa trong sáng tạo tác phẩm. Báo chí cần chủ động, tích cực thúc đẩy, nâng cao văn hoá trong chính ngành nghề, lĩnh vực của mình.

Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi phát biểu tại lễ phát động. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi phát biểu tại lễ phát động. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Việc phát động phong trào thi đua "Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí" nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan báo chí, người làm báo về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển đất nước, cũng như sự phát triển của mỗi cơ quan báo chí, giá trị của các sản phẩm báo chí và danh dự, uy tín của người làm báo; xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí, trọng tâm là xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa.

Đồng thời, hoạt động này hướng đến thúc đẩy, lan tỏa sự hưởng ứng, tham gia tích cực, tạo phong trào thi đua thiết thực, ý nghĩa để các cơ quan báo chí thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh của báo chí cách mạng trong gìn giữ, xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là "nền tảng tinh thần," "động lực phát triển;" phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Cùng đó, hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về văn hóa, phát huy giá trị văn hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạo ra các sản phẩm báo chỉ giàu chất văn hóa, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của văn hóa, đạo đức, lòng nhân ái, góp phần xây dựng con người có nhân cách, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Dịp này, với sự chứng kiến của Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo các bộ, ban ngành, lãnh đạo 11 cơ quan thông tấn, báo chí đã đại diện cho các cơ quan báo chí cả nước ký cam kết thực hiện phong trào thi đua.

Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh phát biểu tại lễ phát động. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh phát biểu tại lễ phát động. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Lãnh đạo các cơ quan báo chí ký giao ước thực hiện phong trào thi đua. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Lãnh đạo các cơ quan báo chí ký giao ước thực hiện phong trào thi đua. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng tặng hoa cho Hội Nhà báo Việt Nam nhân 97 năm Ngày Báo chí cách mạng. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng tặng hoa cho Hội Nhà báo Việt Nam nhân 97 năm Ngày Báo chí cách mạng. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo các cơ quan báo chí dự lễ phát động. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo các cơ quan báo chí dự lễ phát động. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo và chúc mừng các cơ quan báo chí nhân dịp kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo và chúc mừng các cơ quan báo chí nhân dịp kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Theo TTXVN/Vietnam+

.