Nghĩa tình Đà Nẵng - Nam Trung Lào

.

Trong các cuộc kháng chiến vệ quốc, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng luôn có mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt với các tỉnh Nam Trung Lào. Sau khi Việt Nam và Lào giành độc lập, thống nhất đất nước, mối quan hệ đó càng khăng khít, bền chặt hơn. Hiện nay, thành phố Đà Nẵng có nhiều chương trình hợp tác, hỗ trợ, giúp địa phương của Lào đào tạo nguồn nhân lực và hợp tác trên nhiều lĩnh vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của hai bên.

Lãnh đạo thành phố thăm Trường Hữu nghị Việt-Lào tại tỉnh Attapeu, ngày 3-7-2022. Ảnh: NGỌC PHÚ
Lãnh đạo thành phố thăm Trường Hữu nghị Việt-Lào tại tỉnh Attapeu, ngày 3-7-2022. Ảnh: NGỌC PHÚ

Bài 1: Những “nhịp cầu” hợp tác, hữu nghị

Để thắt chặt mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam - Lào nói chung, thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Nam Trung Lào nói riêng, thành phố cử cán bộ đến đất nước triệu voi công tác, giúp bạn và trở thành những “nhịp cầu” hợp tác, hữu nghị đặc biệt.

Cô giáo Việt trên đất Lào

Trong chuyến công tác đến Nam Trung Lào tháng 7 vừa qua, để lại ấn tượng khó phai với chúng tôi là hình ảnh cô giáo Tạ Thị Toàn (67 tuổi, nguyên giảng viên Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng), là giáo viên dạy tiếng Việt tại Trung tâm tiếng Việt tỉnh Salavane. Cô Toàn là 1 trong 10 giáo viên được thành phố cử sang công tác tại các trung tâm tiếng Việt ở Nam Trung Lào.

Năm 2007, khi thành phố triển khai chủ trương cử giáo viên sang Lào dạy tiếng Việt tại tỉnh Champasak và Savannakhet, Tổ Ngôn ngữ Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng họp chọn người. Cô Toàn là người đầu tiên đăng ký lên đường làm nhiệm vụ. Sau một năm hoàn thành nhiệm vụ, cô Toàn trở về Đà Nẵng, tiếp tục dạy cho du học sinh Lào sang học tại Đà Nẵng theo chương trình học bổng của thành phố tại các trường đại học: Sư phạm, Kinh tế, Ngoại ngữ. Năm 2012, cô Toàn nghỉ hưu theo chế độ nhưng vẫn tham gia dạy lưu học sinh Lào tại các trường. Năm 2018, Sở Ngoại vụ mời cô Toàn sang Lào dạy tiếng Việt tại Trung tâm tiếng Việt tỉnh Sê Kông. Lúc ấy, cô đã ngoài 60 tuổi. Đến năm 2019, Trung tâm Salavane được Đà Nẵng hỗ trợ xây dựng và đưa vào sử dụng, cô được phân công đến để thực hiện nhiệm vụ cho đến bây giờ.

Cô Toàn tâm niệm rằng khi đã nhận nhiệm vụ và thực thi công việc được giao, dù ở đâu đều phải cố gắng làm việc thật tốt để tạo uy tín của một giáo viên và nhận sự tin tưởng của người học. Tôn chỉ của cô là tuyệt đối không được làm người học thất vọng, vì vậy, mỗi giờ lên lớp không chỉ dạy đủ, dạy đúng mà còn phải dạy hay, hấp dẫn. Ngoài việc dạy tiếng Việt cho cán bộ, học sinh Lào chuẩn bị đi học tại thành phố Đà Nẵng, cô còn dạy tiếng Việt miễn phí cho trẻ em ở gần trung tâm.

“Chúng tôi luôn ý thức về việc xây dựng, vun đắp mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt giữa hai nước Việt-Lào ngày càng tốt đẹp, sắt son. Chính vì vậy, mình đối xử với người bản địa bằng trái tim nồng ấm thì tự khắc sẽ được họ đáp trả bằng tình cảm chân thành. Đấy là những món quà đơn sơ, những cái bắt tay, lời hỏi thăm nồng ấm, những lời mời dự đám cưới chân thành”, cô Toàn chia sẻ.

Đoàn công tác lãnh đạo cấp cao thành phố Đà Nẵng chụp ảnh lưu niệm cùng thầy và trò Trung tâm tiếng Việt tỉnh Salavane, Lào. Ảnh: NGỌC PHÚ
Đoàn công tác lãnh đạo cấp cao thành phố Đà Nẵng chụp ảnh lưu niệm cùng thầy và trò Trung tâm tiếng Việt tỉnh Salavane, Lào. Ảnh: NGỌC PHÚ

Những “chiếc cầu” ngoại giao

“Làm công tác đối ngoại, chúng tôi cảm nhận mối quan hệ Việt Nam - Lào không chỉ là mối quan hệ của hai nước láng giềng như các quốc gia khác mà giống như tình anh em trong một gia đình, là mối quan hệ mẫu mực, hiếm có trong quan hệ quốc tế”, đó là tâm sự của chị Phan Thị Đào, Trưởng phòng Lễ tân đối ngoại - Hợp tác quốc tế, Sở Ngoại vụ thành phố.

Công tác tại Sở Ngoại vụ là cơ duyên để chị Đào gắn bó với đất nước Lào, đặc biệt là các tỉnh Nam Trung Lào. Nhận công tác tại Sở Ngoại vụ thành phố năm 1998, đến năm 1999 chị đã có dịp đến với Attapeu (Lào). Với nhiệm vụ của một lễ tân đối ngoại, trong suốt gần 25 năm công tác, chị Đào đã phối hợp với các đồng nghiệp tham mưu về các chương trình hợp tác với các tỉnh Nam Trung Lào, gắn kết với nhiều thế hệ cộng sự tại các tỉnh bạn, góp phần vun đắp mối quan hệ hữu nghị truyền thống của hai địa phương.

Năm 1999, ông Lê Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm Hợp tác đầu tư và quản lý các dự án tại Lào của thành phố Đà Nẵng, được thành phố cử sang Lào làm chuyên gia đầu tiên, địa điểm mà thành phố hướng đến là tỉnh Savannakhet rồi đến tỉnh Salavane để thực hiện các dự án hỗ trợ kinh tế nông nghiệp. Thời điểm đó, các địa phương Nam Trung Lào còn nhiều khó khăn.

Được phân công thực hiện nhiệm vụ, ông Hùng tích cực phối hợp với các sở, ngành tỉnh Savannakhet để thực hiện các dự án mà thành phố Đà Nẵng sẽ triển khai. Ông lặn lội vào các vùng sâu, vùng xa, thực hiện “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc) với bà con các bộ tộc Lào. Nhờ vậy, ông nắm được tình hình từng tỉnh bạn, qua đó, cùng các sở, ngành của thành phố tham mưu cho lãnh đạo hai bên thực hiện các chuyến thăm trao đổi đoàn cấp cao, ký kết các chương trình hợp tác thiết thực, hiệu quả góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh bạn.

Còn anh Nguyễn Văn Đức (quê tỉnh Hà Tĩnh) có hơn 10 năm làm chuyên gia giảng dạy tiếng Việt tại Trung tâm tiếng Việt tỉnh Savannakhet. Ngoài dạy tiếng Việt cho người Lào, anh được chỉ định tháp tùng và là thông dịch viên cho các phái đoàn cấp cao thành phố khi sang thăm, làm việc với các địa phương Lào. Để hiểu rõ hơn về văn hóa, con người Lào, anh Đức tự tìm hiểu các phong tục tập quán để giới thiệu cho các phái đoàn khi có dịp sang đất nước bạn Lào làm việc và công tác.

Saiyavong Luong Viset (người Lào, giáo viên tại Trung tâm tiếng Việt tỉnh Salavane) có 3 năm sinh sống, học tập tại Đà Nẵng theo chương trình hợp tác học bổng, khi trở về địa phương anh trở thành “cầu nối” hữu nghị đặc biệt, là người quảng bá tiếng Việt trên đất nước Lào. Saiyavong Luong Viset tâm sự: “May mắn được cùng ăn, cùng ở, cùng học tập tiếng Việt tại Đà Nẵng. Khi về địa phương, được phân công giảng dạy tiếng Việt cho người Lào cũng như cộng đồng người Việt Nam sinh sống tại Salavane. Đó là niềm vinh dự của chúng tôi. Tôi sẽ nỗ lực để dạy tiếng Việt, truyền bá văn hóa Việt đến nhân dân Lào, xứng đáng với mối quan hệ hữu nghị, hợp tác đặc biệt của hai nước, hai địa phương”.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Lào thành phố Đà Nẵng đánh giá, quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Đà Nẵng với các tỉnh Nam Trung Lào có được kết quả như ngày hôm nay, ngoài nỗ lực của các cấp chính quyền các bên, còn có sự đóng góp của những thầy cô giáo giảng dạy tiếng Việt, những người làm lễ tân của ngành ngoại giao... Họ là những chiếc “cầu nối” hữu nghị quan trọng, làm thắt chặt thêm tình đoàn kết giữa hai Đảng, hai Nhà nước, nhân dân hai nước Việt Nam - Lào cũng như giữa Đà Nẵng với các tỉnh Nam Trung Lào…

NGỌC PHÚ

;
;
.
.
.
.
.