Chính trị - Xã hội

Người nữ thanh niên xung phong ngày ấy và bây giờ

09:08, 26/07/2022 (GMT+7)

Những năm tháng tuổi trẻ, bà đã cùng đồng đội hiến dâng cho đất nước, để rồi giờ đây, bà tiếp tục cùng đồng đội viết tiếp những câu chuyện nghĩa tình, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Thị Thao (thứ 3, bên phải sang) phối hợp với các đơn vị trao kinh phí sửa nhà cho cựu Thanh niên xung phong. Ảnh: D.Q
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Thị Thao (thứ 3, bên phải sang) phối hợp với các đơn vị trao kinh phí sửa nhà cho cựu Thanh niên xung phong. Ảnh: D.Q

Ðó là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Thị Thao, thuộc Tổng đội Thanh niên xung phong Quảng Ðà - Nguyễn Văn Trỗi ngày nào.

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Hòa Hải giàu truyền thống cách mạng, mới 14 tuổi đã tham gia đội du kích xã và sau đó làm Bí thư Ðoàn Thanh niên xã. Sau đó bà xung phong thoát ly, tham gia lực lượng thanh niên xung phong tỉnh Quảng Ðà. Dưới mưa bom bão đạn, bà cùng hàng trăm nữ thanh niên xung phong gùi gạo, cõng đạn, khiêng cáng thương binh, vượt rừng sâu núi cao, tiếp lửa cho chiến trường. Dáng người nhỏ bé, gầy gò, ít ai biết rằng người phụ nữ ấy có thể cõng cả tạ vũ khí, lương thực đi băng băng.

Chỉ riêng trong 4 năm, từ 1969-1972, đội quân tóc dài của bà Thao đã vận chuyển hơn 9.000 tấn hàng hóa các loại. Vượt qua thời tiết khắc nghiệt, những cơn sốt rét rừng hành hạ, những nữ thanh niên xung phong ngày ấy luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, mang lương thực phục vụ cho những thương binh nặng, vượt dốc cao vực thẳm, băng rừng, lội suối vận chuyển súng đạn ra chiến trường cho bộ đội. Năm 1967, bà được cấp trên tặng thưởng danh hiệu “Kiện tướng hành lang, chân đồng vai sắt” và được chọn là chiến sĩ thi đua cấp tiểu đoàn, được tặng huy hiệu “Chiến thắng Ấp Bắc”.

Từ năm 1968 đến 1972, được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ từ đại đội trưởng, rồi đến tiểu đoàn trưởng, với những nhiệm vụ nào bà Thao cũng đều nỗ lực hoàn thành tốt nhất. Sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968, công tác hậu cần có nhiều khó khăn do địch đánh phá liên tục cả ngày lẫn đêm vào các địa điểm của tiểu đoàn làm nhiệm vụ, bà luôn động viên chị em làm bất cứ những gì có thể được, vận tải súng đạn, các loại thuốc, đặc biệt vừa sẵn sàng chiến đấu khi có địch để bảo vệ hành lang bảo vệ hàng gạo để phục vụ cho bộ đội chiến đấu, đồng thời mở đường sản xuất lương thực, làm doanh trại để đơn vị sinh hoạt.

Từ năm 1970 đến 1972, đơn vị được điều động đi vận chuyển hàng từ tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam đến đường 9 Nam Lào. Ở những nơi này, đi đến đâu cũng có dấu chân của chị em nữ vận tải Tiểu đoàn 232 - còn được người dân gọi bằng cái tên thân thương là “Tiểu đoàn bà Thao”.

Hòa bình trở về, nữ anh hùng Phạm Thị Thao tiếp tục tham gia công tác xã hội. Bà tham gia HÐND phường Hòa Cường Nam (quận Hải Châu), rồi làm Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường. Bà cùng cộng sự vận động sửa chữa, xây dựng mới hàng chục ngôi nhà đại đoàn kết với tổng số tiền hơn 400 triệu đồng; đồng thời hỗ trợ cho hơn 200 trường hợp có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 86 triệu đồng; hỗ trợ hơn 500 suất quà trị giá 90 triệu đồng cho hội viên cựu Thanh niên xung phong có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Chỉ tính từ năm 2011 đến nay, bà Thao đã cùng đồng đội sửa chữa và làm mới 19 nhà với tổng số tiền 600 triệu đồng.

Ðược bầu là Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong thành phố, bà đã tổ chức các đoàn về thăm lại khu căn cứ chiến trường xưa - nơi hội viên cựu Thanh niên xung phong chiến đấu hy sinh và đến các nghĩa trang dâng hương cho đồng đội đã ngã xuống. Dù gặp nhiều khó khăn, bà cùng đồng đội đã tìm được 18 hài cốt liệt sĩ.

Ngoài công tác hội, công tác Mặt trận ở phường, bà cũng tích cực hoạt động ở khu dân cư, vận động nhân dân thực hiện tốt nghị quyết của Ðảng. Bà Phạm Thị Thao đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về thành tích hoạt động nghĩa tình đồng đội và tìm mộ liệt sĩ đưa về nghĩa trang năm 2011; Trung ương Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam, UBND thành phố tặng nhiều bằng khen…

Nay đã ở tuổi 75, nhưng những kỷ niệm về đồng đội có lẽ chẳng bao giờ phai trong trái tim của người nữ thanh niên xung phong ngày ấy, là động lực để bà tiếp tục trên hành trình giúp đỡ đồng đội, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.                              

DOÃN QUANG

.