Cải cách hành chính hướng về cơ sở

.

Các xã của huyện Hòa Vang triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC) đạt được nhiều kết quả tích cực, nhất là xây dựng mô hình “Thôn điện tử”, hỗ trợ người dân triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) ngay tại cơ sở.

Xã Hòa Phước ra mắt tổ tình nguyện hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại các thôn trên địa bàn xã. Ảnh: P.V
Xã Hòa Phước ra mắt tổ tình nguyện hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại các thôn trên địa bàn xã. Ảnh: P.V

Nâng tỷ lệ dịch vụ công mức độ 3, 4

Với phương châm CCHC lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, kết quả triển khai mô hình CCHC ở các xã, tiêu biểu như xã Hòa Phước và xã Hòa Nhơn đã phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.

Chủ tịch UBND xã Hòa Phước Trần Bùi Quốc Bình cho biết, qua triển khai các mô hình mới trong CCHC, bước đầu đem lại hiệu quả cao, được nhân dân đồng tình hưởng ứng, giảm chi phí, thời gian đi lại của tổ chức, công dân.

Năm 2020, xã Hòa Phước đưa vào triển khai mô hình “3 trong 1”, gồm đăng ký khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi và nhập hộ khẩu cho trẻ sơ sinh; mô hình “2 trong 1” gồm đăng ký khai tử - xóa khẩu; mô hình “3 trong 1” gồm đăng ký khai tử - xóa khẩu - giải quyết phí mai táng.

Bà Mai Thị Trinh, cán bộ phụ trách bộ phận “Một cửa” xã Hòa Phước cho biết, nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) theo hướng nhanh, gọn, hiệu quả, gắn với thực hiện cuộc vận động “3 hơn”, xã rà soát và đã rút ngắn 1.650 ngày đối với các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết so với quy định. Đặc biệt, xã đã chủ động xây dựng và triển khai mô hình 2 tại chỗ: “Giao dịch hồ sơ tại chỗ và trả kết quả tại chỗ” trong CCHC, trong đó, tập trung hướng dẫn công dân đăng ký DVCTT tại nhà nhằm hạn chế đi lại trong mùa dịch, đồng thời tăng cường DVCTT tại xã.

Năm 2021, xã Hòa Phước xây dựng mô hình “Cuộc gọi hành chính” để khuyến khích tổ chức, công dân thực hiện DVCTT mức độ 3, 4; thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, thiên tai, thời hạn đổi thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) để không bị trễ hạn… Bên cạnh đó, xã đã có các sáng kiến, kinh nghiệm như xây dựng phần mềm tự động thông báo TTHC dành cho người dân khuyết tật; phần mềm gọi điện thông minh trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, được UBND huyện Hòa Vang công nhận. Theo Trưởng thôn Trà Kiểm, xã Hòa Phước Ngô Định, việc triển khai mô hình “Thôn điện tử”, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong CCHC tại thôn đã khuyến khích người dân sử dụng DVCTT tại chỗ, giúp người dân giải quyết TTHC thuận tiện, nhanh chóng.

Từ năm 2019, xã Hòa Nhơn đã thành lập tổ tình nguyện hỗ trợ DVCTT mức độ 3, 4 tại các thôn trong giải quyết TTHC. Để triển khai có hiệu quả, xã trang bị cho các thôn hệ thống cơ sở vật chất gồm: wifi, máy tính, máy in, bàn ghế… tại nhà văn hóa 14 thôn để tiện sử dụng.

Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn Trần Văn Thu cho biết, khuyến khích tổ chức, công dân thực hiện DVCTT mức độ 3, 4 là một trong những nhiệm vụ được xã rất quan tâm nên chỉ đạo xây dựng và triển khai nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao chất lượng DVCTT, đặc biệt là trong tình hình Covid 19 diễn biến phức tạp trong hai năm qua.

Địa phương chủ động phân công 2 cán bộ trực tiếp tại điểm lồng ghép hỗ trợ thực hiện DVCTT để hỗ trợ, tuyên truyền hướng dẫn để người dân thực hiện DVCTT; phối hợp Đoàn thanh niên hướng dẫn, giúp đỡ, tuyên truyền cho người dân về thực hiện DVCTT và các dịch vụ công khác tại điểm ứng dụng công nghệ thông tin nông thôn mới kiểu mẫu của các thôn. Hiện nay, số lượng hồ sơ giải quyết trực tuyến của xã đạt khoảng 70% trên tổng số hồ sơ tiếp nhận.

Gắn cải cách hành chính với công tác chuyển đổi số

Theo Trưởng phòng Nội vụ huyện Hòa Vang Ngô Duy Quang, huyện tập trung các giải pháp gắn công tác CCHC với xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, chú trọng phát triển các mô hình, giải pháp CCHC hướng về cơ sở, định hướng tuyên truyền các nội dung về chuyển đổi số, về thực hiện DVCTT mức độ 3, 4, thanh toán trực tuyến phí; dịch vụ bưu chính công ích; khảo sát chất lượng dịch vụ công trên cổng dichvucong.danang.gov.vn.

Hiện nay, các phòng, ban, các địa phương triển khai có hiệu quả các mô hình như hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng DVCTT mức độ 3, 4 đối với thủ tục “đăng ký hộ kinh doanh”, “thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh” đến cấp huyện và tăng cường hỗ trợ người dân sử dụng DVCTT thủ tục “cấp bản sao trích lục hộ tịch” qua dịch vụ bưu chính công ích tại UBND xã Hòa Sơn.

Toàn huyện Hòa Vang thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện tại 113/113 thôn. Huyện thành lập nhóm Zalo Tổ công nghệ số với 151 thành viên, các xã đã thành lập 11/11  nhóm Zalo Tổ công nghệ số của xã, 113/113 tổ đã thành lập nhóm Zalo Tổ công nghệ số theo hướng dẫn của UBND thành phố.

Các xã duy trì mô hình “Thôn điện tử”, các điểm ứng dụng công nghệ thông tin tại thôn gắn với thực hiện chuyển đổi số. Hiện nay, điểm ứng dụng công nghệ thông tin nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn huyện là 11 điểm/113 thôn thuộc các xã trên địa bàn huyện.

Xã Hòa Ninh đã triển khai các nội dung chuyển đổi số với các giải pháp như xây dựng mô hình chuyển đổi số tại cộng đồng dân cư - lồng ghép hỗ trợ DVCTT mức độ 3, 4. Trong khi đó, xã Hòa Bắc triển khai mô hình “Hỗ trợ thủ tục hành chính cho đồng bào hai  thôn Tà Lang và Giàn Bí”... “Thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện các nội dung CCHC hướng về cơ sở như tổ chức các lớp tuyên truyền, tập huấn về chuyển đổi số kết hợp hướng dẫn, sử dụng các ứng dụng dùng chung của thành phố cho các tổ công nghệ số cộng đồng, cán bộ, công chức, viên chức và người dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn huyện”, ông Quang nói.

TRỌNG HUY

;
;
.
.
.
.
.