Chính trị - Xã hội

Cần ban hành Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính với hành vi cản trở hoạt động tố tụng

16:05, 15/08/2022 (GMT+7)

Sáng 15-8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8-2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN.

Các hành vi cản trở hoạt động tố tụng xảy ra ngày càng nhiều

Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ đã trình bày Tờ trình dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Theo Tờ trình, Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 ngày 20-6-2012 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 1-7-2013 (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23-6-2014, Luật Thủy sản số 18/2017/QH14, Luật số 67/2020/QH14 ngày 13-11-2020 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính).

Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết, theo khoản 3 Điều 4 Luật này quy định “Căn cứ quy định của Luật này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kiểm toán nhà nước và đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng”. Như vậy Quốc hội đã giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệm vụ ban hành quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho rằng, thực tiễn xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động tố tụng cho thấy, các hành vi cản trở hoạt động tố tụng xảy ra ngày càng nhiều, có xu hướng gia tăng, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ việc, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giải quyết vụ việc của cơ quan, người có thẩm quyền, tính tôn nghiêm và quyền uy của tư pháp. 

Trong khi đó, pháp luật nước ta chưa có văn bản quy định có hệ thống về việc xử phạt các hành vi cản trở hoạt động tố tụng, mà chỉ có một số quy định chung, chưa cụ thể, chưa rõ ràng về xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng nằm rải rác trong Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính. Các loại hành vi, hình thức xử phạt, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử phạt hành vi cản trở hoạt động tố tụng chưa được quy định cụ thể, dẫn đến việc xử phạt hành vi vi phạm gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. 

Việc ban hành một văn bản pháp luật thống nhất và chi tiết sẽ tạo cơ sở pháp lý để xử lý nghiêm minh những hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong tố tụng và ý thức chấp hành pháp luật, phòng ngừa những vi phạm có thể xảy ra; nâng cao uy tín của cơ quan nhà nước, bảo đảm sự tôn nghiêm của Tòa án, bảo đảm sự tôn trọng của cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với cơ quan tiến hành tố tụng; tạo điều kiện giải quyết các vụ việc nhanh chóng, hiệu quả, đúng pháp luật. Với những lý do trên, việc ban hành Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng là cần thiết.

Về mục đích xây dựng Pháp lệnh, Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân tối cao cho biết, việc xây dựng Pháp lệnh nhằm quy định thống nhất về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. 

“Hoạt động tố tụng” theo Pháp lệnh này được hiểu “là hoạt động giải quyết các vụ án, vụ việc của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Pháp lệnh Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân, Pháp lệnh Trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và pháp luật về trình tự, thủ tục bắt giữ tàu bay, tàu biển” (khoản 1 Điều 2 dự thảo Pháp lệnh).

Ngoài điều chỉnh hành vi cản trở hoạt động tố tụng trong tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thì Pháp lệnh còn điều chỉnh đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng trong quá trình Tòa án xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân, đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (theo quy định của Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 và Pháp lệnh 01/2022/UBTVQH15), thực hiện thủ tục bắt giữ tàu bay, bắt giữ tàu biển; dự thảo Pháp lệnh không điều chỉnh đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng trong quá trình Tòa án giải quyết phá sản (theo Luật Phá sản).

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN.
Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN.

Nhà báo livestream tại phiên tòa có thể bị phạt đến 30.000.000 đồng

Tại điểm 5 của Điều 23 dự án Pháp lệnh có quy định về hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, phiên họp như sau: Phạt tiền từ 15.000.0000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi khi nhà báo ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh Hội đồng xét xử không được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa và phát trực tiếp trên không gian mạng; Nhà báo ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh người tham gia tố tụng không được sự đồng ý của họ và phát trực tiếp trên không gian mạng.

Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ Xử cho rằng, dự án Pháp lệnh quy định việc xử phạt nghiêm minh những hành vi cản trở hoạt động tố tụng nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong tố tụng, giáo dục mọi người chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, phòng ngừa những vi phạm có thể xảy ra. Bảo đảm quyền uy tư pháp, giữ gìn sự tôn nghiêm của Tòa án, sự tôn trọng của cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với các cơ quan tiến hành tố tụng; tạo điều kiện giải quyết các vụ việc nhanh chóng, hiệu quả, đúng pháp luật.

Đối với một số nội dung lớn của dự thảo Pháp lệnh, Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân tối cao nêu rõ, về phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh, Điều 1 dự thảo Pháp lệnh quy định: “Pháp lệnh này quy định về hành vi cản trở hoạt động tố tụng bị xử phạt vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt; biện pháp khắc phục hậu quả; biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính; thẩm quyền, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng”. 

Ngoài ra, về phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân tối cao cho biết, Luật Xử lý vi phạm hành chính không quy định về người có thẩm quyền xử phạt của Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát quân sự, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát quân sự Trung ương và Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân, vì vậy đã dẫn đến khó khăn, vướng mắc về việc xác định thẩm quyền xử phạt đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng của các cơ quan này.

Để khắc phục vướng mắc của thực tiễn, bảo đảm mọi hành vi cản trở hoạt động tố tụng phải được xử lý nghiêm minh, tiếp thu ý kiến góp ý của các cơ quan, bộ, ngành, dự thảo Pháp lệnh phân định thẩm quyền xử phạt cho người có thẩm quyền của Công an nhân dân, Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự xử phạt đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng khi Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát quân sự, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát quân sự Trung ương và Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân thực hiện nhiệm vụ trong hoạt động tố tụng.

Theo Baotintuc.vn

.