Chính trị - Xã hội

Tận tâm vì công việc

06:29, 15/08/2022 (GMT+7)

Khắc ghi lời dạy của Bác Hồ “lương y như từ mẫu”, nữ điều dưỡng Dương Thị Quỳnh Hương (SN 1998) công tác tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, tận tình chăm sóc để xoa dịu nỗi đau của bệnh nhân tâm thần.

Chúng tôi đến Bệnh viện Tâm thần khi thời tiết nóng như đổ lửa. Khu bệnh nhân nữ tâm thần vang lên tiếng cười, thỉnh thoảng có những tiếng la ó, hú hét. Nữ điều dưỡng Dương Thị Quỳnh Hương mồ hôi nhễ nhại đi từng giường đo huyết áp cho bệnh nhân. Trong cái nóng oi bức của thời tiết cộng với những âm thanh ồn ào, hỗn tạp của bệnh nhân dễ khiến con người cáu gắt, nhưng điều dưỡng Dương Thị Quỳnh Hương vẫn nhẹ nhàng, ân cần để lấy chính xác chỉ số huyết áp của từng người bệnh.

Hương tốt nghiệp ngành điều dưỡng tại Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam năm 2019, sau đó xin vào làm tại Khoa nữ, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng. Sau thời gian đầu tiếp cận học tập công việc, Hương được phân về chăm sóc bệnh nhân nữ.

Những ngày đầu vào làm việc khá bỡ ngỡ, tuy đã chuẩn bị đầy đủ tinh thần và các tình huống nhưng những vết cào xé của bệnh nhân tâm thần lúc bị rối loạn thần kinh, lên cơn mất kiểm soát hành vi khiến Hương cũng sợ hãi và nản lòng. Hương cứ dặn lòng mình, ngày mai, ngày mốt sẽ quen, chỉ là bệnh nhân lên cơn, họ sẽ tỉnh lại nhanh thôi, rồi mọi thứ sẽ ổn…

Cứ thế, Hương tự động viên mình và với trách nhiệm y đức, lòng thương cho những phận người bất hạnh, Hương xốc lại tinh thần để tiếp tục công việc của mình.

“Thời còn học THPT, nhìn cảnh người bị bệnh tâm thần có những hành động mất kiểm soát, gây nguy hiểm cho người thân, xã hội nên em mong muốn sau này mình sẽ làm được điều gì đó để giúp ích cho họ, giảm bớt nỗi bất hạnh. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp, em không ngần ngại xin vào làm điều dưỡng tại bệnh viện”, Hương chia sẻ. Hằng ngày, sau giao ban, Hương xuống khu vực bệnh nhân để thăm khám, thực hiện công tác vệ sinh, hướng dẫn cho bệnh nhân những công việc để họ làm theo.

Đến giờ ăn, Hương nhẹ nhàng bưng từng bát cơm cho bệnh nhân, có bệnh nhân nhõng nhẽo không chịu ăn, nữ điều dưỡng phải xắn tay áo bón cơm, trông giống một cô giáo mầm non đang chăm sóc cho các em nhỏ. Khi bệnh nhân ốm đau, Hương tận tình chăm sóc, thậm chí có những ngày chị ở lại với bệnh nhân vào ban đêm để tiện bề chăm sóc.

Tình cảm, sự ấm áp của Hương giúp cho người bệnh vơi bớt đi những nỗi cô đơn khi tỉnh táo trở lại. Những ngày nắng nóng, bệnh nhân dễ bị rối loạn lên cơn nên các điều dưỡng luôn túc trực bên cạnh để xử lý. “Giờ mình đã có nhiều kinh nghiệm, được trang bị nhiều kỹ năng xử lý các tình huống bất ngờ có thể xảy ra nên không còn lo bệnh nhân đánh, đạp, tát vào mặt khi họ lên cơn”, Hương nói.

Bà N. - bệnh nhân từng tát vào má Hương khi lên cơn rối loạn thần kinh cho biết, giờ bệnh tình đã thuyên giảm cũng nhờ sự chăm sóc tận tình của đội ngũ y, bác sĩ tại bệnh viện, trong đó đặc biệt là cô Hương. Mỗi lần tỉnh táo, khi nghe mọi người kể lại mình tát cô Hương trong lúc mất kiểm soát, lúc đó cảm thấy ăn năn lắm. “Cô ấy còn trẻ nhưng như “mẹ hiền” của chúng tôi, tận tâm, tận tình từng ly từng tý; nhỏ nhẹ, vỗ về khi người bệnh có những biểu hiện không bình thường; chịu đựng khi bệnh nhân cấu xé lúc lên cơn. Chúng tôi cảm thấy mang ơn cô Hương nhiều lắm”, bà N. nói trong nước mắt.

Những ngày Covid-19 diễn biến phức tạp, Hương xung phong ra “tuyến đầu” chống dịch, chăm sóc cho các F1 tại Bệnh viện khu ký túc xá phía tây thành phố và Trường Tiểu học Phan Phu Tiên. Ròng rã 3 tháng phục vụ F1, về lại bệnh viện, Hương chăm sóc cho bệnh nhân tâm thần mắc Covid-19. Chăm sóc bệnh nhân tâm thần những ngày bình thường đã vất vả, khi họ mắc Covid-19 thì nỗi vất vả ấy tăng lên nhiều lần.

Chấp nhận vất vả, rủi ro nhiễm bệnh, hằng ngày, Hương thăm khám, hướng dẫn các biện pháp y tế để giúp bệnh nhân điều trị Covid-19. Khi bệnh nhân khỏi bệnh cũng là lúc Hương bị lây nhiễm bệnh. “Vất vả, nhọc nhằn nhưng đã dấn thân với nghề thì phải chấp nhận và làm tốt phận sự của mình”, Hương chia sẻ.

Với Hương, vất vả, nhọc nhằn của nghề không thể đếm xuể nhưng sẽ không bao giờ chùn bước, bởi đã lựa chọn thì phải theo nghề. Đang trò chuyện với chúng tôi thì có bệnh nhân la ó, ảnh hưởng đến những người xung quanh, Hương vội nói lời chào tạm biệt để vào chăm sóc bệnh nhân. Nhìn dáng vẻ cuống quýt lúc Hương vội vào bên bệnh nhân, tôi thầm nghĩ, cô ấy gắn bó với công việc, gắn bó với những con người lúc tỉnh lúc mê phần nhiều xuất phát từ trách nhiệm và trái tim lương thiện…

AN NHIÊN

.