Chính trị - Xã hội

Cần chủ động phòng tránh các cơn giông gây lốc, sét

09:00, 10/08/2022 (GMT+7)

Hai năm qua, do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina, trên phạm vi cả nước nói chung, thành phố Đà Nẵng nói riêng có mưa nhiều hơn so với những năm trước đó. Bên cạnh gây lũ, lụt, ngập úng cục bộ, còn xuất hiện các trận mưa giông kèm lốc, sét bất ngờ, gây nguy hiểm, thiệt hại đến tính mạng và tài sản nhân dân. Theo dự báo, hiện tượng La Nina còn kéo dài đến hết năm 2022 nên người dân cần chủ động phòng tránh để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại.

Chiều 9-7, lực lượng chức năng đã cứu hộ 6 người đi cắm trại gần suối ở thôn Phú Túc (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang) do nước suối dâng lên nhanh, chảy xiết sau khi có mưa giông lớn. Ảnh: PV
Chiều 9-7, lực lượng chức năng đã cứu hộ 6 người đi cắm trại gần suối ở thôn Phú Túc (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang) do nước suối dâng lên nhanh, chảy xiết sau khi có mưa giông lớn. Ảnh: PV

Loại hình thiên tai dễ gây nguy hiểm

Những cơn mưa giông mùa hè và mùa thu mang lại thời tiết mát mẻ và nước tưới cho ruộng đồng, cây cối nhưng cũng gây ra những hiện tượng thời tiết nguy hiểm, sự cố tai nạn như: lũ, sét... Giông gây lốc, sét là loại hình thiên tai có cường độ mạnh và xuất hiện nhanh, bất ngờ, cục bộ nên gây nhiều thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhân dân. Trong các cơn giông mạnh thường hay xuất hiện lốc xoáy và gió giật mạnh gây tốc mái nhà, cây cối và cột điện ngã đổ...

Những trận mưa giông lớn làm mực nước trên các sông, suối dâng lên nhanh, chảy xiết gây cuốn trôi người. chẳng hạn, vào ngày 1-5-2022, do mưa dông lớn, nước khe Muông (thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) dâng cao và chảy xiết đã cuốn trôi, gây tử vong một học sinh khi đi cắm trại, dã ngoại cùng nhóm bạn. 

Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Việt Nam nằm trong khu vực tâm dông của châu Á và là một trong 3 tâm giông lớn nhất trên thế giới. Mặt khác, 2 năm qua, do hiện tượng La Nina nên nước ta có nhiều mưa hơn, tần suất xuất hiện các trận mưa giông kèm theo lốc, sét cũng nhiều hơn so với những năm trước đó. Từ đầu năm 2022 đến nay, trên phạm vi cả nước có 145 trận giông, lốc và 110 trận mưa lớn gây ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất. Đặc biệt, tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, cả nước có 44 người tử vong do sét đánh, chưa kể thiệt hại về vật nuôi, mùa màng.

Phần lớn những vụ sét đánh gây chết người gần đây xảy ra trên những cánh đồng mà người dân đang cắt cỏ, cấy lúa... hoặc trên tuyến đường đi qua khu vực trống. Lý giải về điều này, bà Nguyễn Thị Thanh Bình, dự báo viên Phòng Dự báo số trị viễn thám, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho rằng, ở các khu vực trung tâm thành phố có nhiều nhà cao tầng sẽ có nhiệt cột thu lôi nên người dân đi lại trên các tuyến đường khi xuất hiện giông sẽ có ít nguy cơ bị sét đánh. Nhưng ở những vùng trống trải như: đồng ruộng, tuyến đường qua khu vực ẩm ướt... nguy cơ sẽ cao hơn bởi khi đó, con người nhô lên cao nhất so với địa hình bằng phẳng xung quanh thì dễ bị sét đánh. Rủi ro do sét đánh xuất hiện ngẫu nhiên, thậm chí có những vùng quê chưa từng xảy ra sét đánh thì cũng có khả năng xuất hiện sét nên người dân cần chủ động đề phòng với sét khi sắp hoặc đang xảy ra Giông.

Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống và giảm nhẹ thiên tai (Chi cục Thủy lợi Đà Nẵng) Nguyễn Vĩnh Long thông tin, ở khu vực trung tâm thành phố Đà Nẵng có nhiều cột thu lôi được xây dựng nên ít có nguy cơ sét đánh. Trong khi đó, huyện Hòa Vang có nhiều khu vực trống, bằng phẳng nên nguy cơ sét đánh cao hơn. Thực tế, những trận giông, lốc, sét xảy ra và gây thiệt hại nặng, chủ yếu ở huyện Hòa Vang.

Kịp thời dự báo, chủ động ứng phó

Giông gây lốc, sét là loại hình thiên tai khó dự báo nhưng gần đây, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đã cảnh báo được về loại hình thiên tai này chỉ trước một vài giờ so với thời điểm xảy ra.

Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, ông Phùng Hồng Long, Trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ cho hay, những bản tin cảnh báo mưa giông, lốc, sét được đơn vị gửi ngay cho Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng để kịp thời thông báo, cảnh báo cho nhân dân và các địa phương, đơn vị, cơ sở. Bên cạnh tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng, tránh giông, lốc, sét qua các kênh thông tin, nhất là mạng xã hội, nhằm hạn chế thấp nhiệt hại do loại hình thiên tai này, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng vừa ban hành Công văn số 91/PCTT ngày 22-7-2022 đề nghị các sở, ban, ngành và địa phương tăng cường triển khai các giải pháp cảnh báo, phòng, tránh tai nạn, đuối nước tại các khu vực nguy hiểm, có nguy cơ cao như: sông, khe, suối, vùng núi tại huyện Hòa Vang (các xã Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Ninh...), bán đảo Sơn Trà, đèo Hải Vân...

Theo đó, các địa phương phối hợp với Sở Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý và kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở kinh doanh các hoạt động dịch vụ, du lịch... không bảo đảm điều kiện an toàn, hoạt động tự phát, không phép hoặc khi xuất hiện thời tiết nguy hiểm. Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng và các quận, huyện kịp thời cập nhật, truyền tin cảnh báo thời tiết nguy hiểm (mưa giông, lốc, sét...) và thiên tai đến các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương và các cơ sở du lịch, vui chơi... để chủ động tuyên truyền, cảnh báo, phòng tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra.

HOÀNG HIỆP

.