Chính trị - Xã hội
Chung tay giữ gìn môi trường biển
Trong mùa hè này, mỗi ngày các bãi biển Đà Nẵng đón hàng chục ngàn lượt khách đến vui chơi, tắm biển. Lượng khách đông nên đội ngũ nhân viên vệ sinh môi trường cũng vất vả hơn trong việc giữ gìn vệ sinh, cảnh quan chung.
Các tình nguyện viên dọn rác tại bãi biển Phạm Văn Đồng (quận Sơn Trà). Ảnh: NHẬT HẠ |
Một ngày của các công nhân Xí nghiệp Môi trường sông biển (thuộc Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng) thường bắt đầu lúc 4 giờ 30 sáng với việc dọn dẹp, thu gom rác mà sóng biển tấp vào bờ và rác do những du khách bỏ lại từ đêm hôm trước.
Anh Trần Vũ Linh, công nhân của Xí nghiệp Môi trường sông biển cho hay, mùa hè, người dân và du khách ra biển chơi khuya nhiều hơn nên sau mỗi đêm, lượng rác thải là túi ni-lon, hộp xốp, chai nhựa… để lại trên biển rất nhiều. Các công nhân cũng vất vả trong công tác thu gom để bảo đảm sáng sớm trả lại bãi biển sạch, đẹp cho người dân đến vui chơi, thưởng lãm.
Ông Nguyễn Xuân Hòa, Phó Giám đốc phụ trách Xí nghiệp Môi trường sông biển cho biết, vào mùa hè, công ty điều chỉnh mốc giờ làm việc của công nhân sớm hơn 30 phút, tức là 3 giờ sáng, công nhân đã có mặt ở các bãi biển để bắt đầu dọn dẹp. Công nhân làm việc tập trung ở những khu vực đông khách du lịch như bãi biển Phạm Văn Đồng, T18, T20, Mân Thái… và đến 5 giờ sáng, các bãi biển đã sạch. Rác được tập kết chờ xe đến thu gom.
Đối với những khu vực đông khách, công ty huy động, tăng cường thêm công nhân từ 4 người lên 6 người, bảo đảm công tác thu gom, kịp trước giờ du khách tắm biển. Trước đây, ban ngày, có một chuyến xe để thu gom nhưng hiện lượng rác tăng lên nhiều, xí nghiệp tăng cường lên 2 chuyến xe vào ban ngày và 1 chuyến vào ban đêm. Ngoài ra, các công nhân cũng thường xuyên đi kiểm tra các vị trí đã thu gom để nếu có vấn đề phát sinh sẽ xử lý ngay. Trung bình một ngày công nhân thu gom từ 12-15 tấn rác.
“Công ty cũng bố trí thùng rác dọc theo các tuyến đường để người dân và du khách sau khi ăn, uống xong thì bỏ gọn trong bao ni-lon cột lại bỏ vào thùng rác, đến giờ các công nhân thu gom sẽ nhanh, đỡ vất vả hơn”, ông Hòa chia sẻ.
Cùng với công nhân của công ty môi trường đô thị, Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch cũng phối hợp với các đơn vị liên quan, thường xuyên tổ chức các buổi ra quân, tuyên truyền, kêu gọi người dân và du khách cùng chung tay giữ gìn môi trường biển.
Trong tháng 7 và tháng 8-2022, ban quản lý tổ chức chương trình “Lễ hội môi trường năm 2022” với nhiều nội dung, hoạt động hữu ích để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và du khách, tích cực tham gia đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ môi trường, nói không với việc sử dụng túi ni-lon, rác thải nhựa khi đến tham quan, vui chơi tại bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng.
Nhiều hoạt động được tổ chức thu hút đông đảo các tình nguyện viên, cá nhân, doanh nghiệp tham gia như: chương trình Clean up Sơn Trà số thứ 2 năm 2022 diễn ra ngày 30-7; chiến binh san hô kết hợp tuyên truyền bảo vệ san hô (ngày 23-7); triển lãm đa dạng sinh học (từ 15 đến 31-7); hoạt động chạy bộ Vì một Sơn Trà xanh (ngày 30-7); thức dậy cùng biển xanh (ngày 17-7); trưng bày mô hình nghệ thuật check-in và cá sản phẩm thủ công từ vật liệu tái chế (ngày 7-8); phiên chợ ngày hội (ngày 7-8); hoạt động đồng diễn vì môi trường (ngày 7-8)…
Theo Trưởng ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng Nguyễn Đức Vũ, bãi biển sạch và đẹp như hiện nay là do có sự chung tay của các đơn vị vệ sinh môi trường và của mỗi người dân, du khách. Để nâng cao ý thức cho người dân và du khách, ban quản lý đặt các bảng tuyên truyền, các lực lượng trật tự biển cũng thường xuyên đi tuần, nhắc nhở người dân, du khách giữ gìn vệ sinh chung, không tổ chức ăn uống dưới bãi biển. Các hộ kinh doanh dịch vụ, hằng năm đều ký cam kết thực hiện các nội quy kinh doanh tại bãi biển, trong đó có giữ gìn vệ sinh môi trường…
NHẬT HẠ