Chính trị - Xã hội

"Dân vận khéo" trong giải phóng mặt bằng: Kinh nghiệm từ Đà Nẵng

08:39, 11/08/2022 (GMT+7)

Giải phóng mặt bằng (GPMB) là công việc khó khăn do tác động trực tiếp đến đời sống người dân, dù sau đó dự án mang lại nhiều lợi ích trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Do đó, công tác dân vận trong GPMB cần đi trước để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai. Bằng những cách làm hay, mô hình dân vận khéo, nhiều địa phương trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tạo được sự đồng thuận của người dân ủng hộ bàn giao mặt bằng, góp phần để các dự án triển khai đúng tiến độ.

Công tác dân vận được lãnh đạo các cấp của thành phố quan tâm thực hiện thường xuyên. TRONG ẢNH: Cầu vượt khác mức ngã ba Huế, một trong những công trình động lực, trọng điểm đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Ảnh: THÀNH LÂN
Công tác dân vận được lãnh đạo các cấp của thành phố quan tâm thực hiện thường xuyên. TRONG ẢNH: Cầu vượt khác mức ngã ba Huế, một trong những công trình động lực, trọng điểm đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Ảnh: THÀNH LÂN

Bài 1: Tháo gỡ “nút thắt”

Thực tế những năm qua, việc GPMB tại một số dự án bị vướng bởi một bộ phận người dân chưa đồng thuận với chủ trương, chính sách chung về bồi thường khiến dự án chậm tiến độ. Nhận thức được vấn đề này, các địa phương chủ động, linh hoạt xây dựng, triển khai nhiều mô hình, cách làm sáng tạo để vận động nhân dân bàn giao mặt bằng.

Lập tổ vận động, kiên trì thuyết phục

Phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) có gần 2/3 diện tích nằm trong diện quy hoạch, giải tỏa. Trên tinh thần vì sự phát triển chung, nhân dân phường luôn đồng thuận với các chủ trương giải tỏa, đền bù của thành phố, di dời đến nơi ở mới nhường đất cho dự án. Nhờ đó, nhiều dự án lớn đã hoàn thành như: Dự án nút giao thông ngã ba Huế, đoạn nút giao thông ngã ba Huế đến Bệnh viện Ung bướu, đường Tô Hiệu, khu dân cư (KDC) Hòa Minh 1, 2, 3; KDC Hòa Mỹ, KDC Trung Nghĩa,…

Sau giải tỏa, hầu hết người dân có cuộc sống ổn định hơn trước. Theo Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Minh Phạm Ngọc Lãnh, trên địa bàn phường hiện còn 15 dự án đã công bố quy hoạch và đang triển khai thực hiện. Trong khi đó, tại phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu) đang triển khai 5 dự án động lực, trọng điểm của quận và thành phố.

Thực hiện chủ đề năm 2022 “Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công tác giải tỏa đền bù trên địa bàn quận”, UBND quận Liên Chiểu đã thành lập tổ vận động từ cấp quận đến phường, khu dân cư, phối hợp các ban, ngành, đoàn thể thực hiện công tác vận động nhân dân.

Ông Phan Văn Đại, Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Bắc cho biết, tổ vận động có nhiệm vụ giúp UBND phường vận động các hộ dân nằm trong diện giải tỏa, đền bù bàn giao mặt bằng tại các dự án bảo đảm đúng quy định pháp luật. Tại phường Hòa Minh, mỗi lãnh đạo UBND phường phụ trách các dự án khác nhau. Từ đó, chủ động tiếp cận với các hộ dân nằm trong diện giải tỏa, vận động, thuyết phục giải thích các chế độ chính sách liên quan đến việc thu hồi đất để các hộ dân biết và bàn giao mặt bằng theo quy định; đồng thời ghi nhận những kiến nghị chính đáng của người dân để đề xuất với Hội đồng GPMB quận Liên Chiểu tại các buổi tiếp dân, góp phần đẩy nhanh tiến độ của dự án.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Cẩm Lệ Nguyễn Thị Nhàn cho biết, để công tác vận động bảo đảm sự nhất quán, thường xuyên, Thường trực Quận ủy Cẩm Lệ đã chỉ đạo thành lập tổ vận động cấp quận, thực hiện nhiệm vụ vận động tại các địa bàn có dự án. Thành viên tổ vận động được phân công đứng điểm tại từng tổ dân phố để nắm bắt tình hình, vận động, thuyết phục từng hộ dân; giải thích những điều mà người dân chưa rõ. Định kỳ hằng tuần, tổ vận động họp giao ban, báo cáo kết quả công tác vận động cũng như khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện. Sau đó tổng hợp những kiến nghị, nguyện vọng của nhân dân và đề xuất với Hội đồng GPMB quận và thành phố để giải quyết kịp thời. Với những trường hợp đã được giải quyết thỏa đáng nhưng cố tình chây ỳ, tổ vận động phân công những cán bộ dân vận dày dạn kinh nghiệm để tiếp cận và kiên trì thuyết phục.

Công tác dân vận được lãnh đạo các cấp của thành phố quan tâm thực hiện thường xuyên.  Trong ảnh: Trưởng ban Dân vận Thành ủy Lê Văn Trung (bên trái) trao đổi, lắng nghe ý kiến người dân vùng giải tỏa thuộc dự án đường vành đai phía tây 2 (đoạn xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang). Ảnh: LAM PHƯƠNG
Công tác dân vận được lãnh đạo các cấp của thành phố quan tâm thực hiện thường xuyên. TRONG ẢNH: Trưởng ban Dân vận Thành ủy Lê Văn Trung (bên trái) trao đổi, lắng nghe ý kiến người dân vùng giải tỏa thuộc dự án đường vành đai phía tây 2 (đoạn xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang). Ảnh: LAM PHƯƠNG

Triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ

Với chủ trương của thành phố phát triển cơ sở hạ tầng về phía tây, quá trình đô thị hóa trên địa bàn huyện Hòa Vang diễn ra mạnh mẽ. Hiện có hơn 250 dự án lớn, nhỏ trên địa bàn 11 xã của huyện, chiếm 2/3 tổng các dự án của thành phố, với 68 dự án trọng điểm, động lực đang triển khai thực hiện, tổng diện tích đất thu hồi khoảng 1.360ha (đất ở 410ha, đất nông nghiệp khoảng 950ha), 5.250 hộ dân bị ảnh hưởng.

Ban Thường vụ Huyện ủy Hòa Vang xác định công tác GPMB các dự án là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, là khâu đột phá trong quá trình triển khai thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, chủ tịch, các phó chủ tịch UBND huyện phụ trách từng dự án; xây dựng kế hoạch tiến độ thực hiện GPMB cụ thể đối với từng dự án, kế hoạch giải ngân cụ thể từng tháng, từng quý.

Các buổi đối thoại với người dân có đất thu hồi được lãnh đạo huyện tổ chức thường xuyên, kể cả thứ Bảy và Chủ nhật, nhằm giải thích về phương án, cơ chế chính sách và giải quyết, xử lý các vướng mắc. Để đẩy nhanh tiến độ giải tỏa, đền bù, huyện Hòa Vang cũng quy định, chủ tịch UBND các xã là phó chủ tịch hội đồng bồi thường dự án, giải quyết các vướng mắc và triển khai hình thức “3 trong 1” - vừa tiếp dân, vừa chi tiền và bố trí đất tái định cư cho người dân bị giải tỏa tại UBND các xã.

Ông Nguyễn Tấn Khoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, huyện đã có những đột phá trong công tác GPMB, như phân công trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị liên quan, quy định cụ thể thời gian hoàn thành; có cơ chế khen thưởng cho tập thể, cá nhân làm tốt và phê bình, kiểm điểm trường hợp làm chưa tốt. Một số dự án chưa đủ điều kiện triển khai công tác GPMB theo quy định như chưa có giá đất bồi thường, chưa có thông báo thu hồi đất, chưa có thủ tục thu hồi rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng nhưng hội đồng GPMB đã vận động người dân ủng hộ chủ trương và hợp tác, tạo điều kiện để triển khai các nhiệm vụ liên quan đến bồi thường và được người dân ủng hộ, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư triển khai thi công dự án trong thời gian thực hiện các trình tự thủ tục thu hồi đất theo quy định.

Trong khi đó, Quận ủy Ngũ Hành Sơn xác định công tác giải tỏa đền bù, GPMB là hoạt động khó khăn, phức tạp, nhạy cảm vì nó tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống, liên quan đến thói quen, tập quán, sinh hoạt của người dân. Vì vậy, Quận ủy thống nhất quan điểm chung “vận động là chính”. Việc bồi thường, di dời các hộ dân trong khu vực quy hoạch được giải quyết thỏa đáng trên cơ sở quy định của pháp luật, kết hợp hài hòa giữa lợi ích của người dân, Nhà nước và nhà đầu tư, trong đó lợi ích người dân luôn được đặt lên hàng đầu.

Ông Nguyễn Hòa, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn cho biết, giải tỏa đền bù, GPMB là 1 trong 3 nhiệm vụ trọng tâm hằng năm quận đăng ký với UBND thành phố. Ban Thường vụ Quận ủy thành lập Ban vận động GPMB của quận, do Phó Bí thư Thường trực Quận ủy làm trưởng ban. Các ban, ngành, đoàn thể xây dựng chương trình phối hợp, chủ động nắm chắc tình hình của nhân dân tại các dự án triển khai và phản ánh kịp thời những vấn đề phát sinh, tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu kiến nghị của nhân dân về chủ trương, cơ chế, chính sách, phương án bồi thường, các điều kiện bảo đảm cho tái định cư. Các cơ quan liên quan tập trung giải quyết những vấn đề phát sinh, khiếu nại, tố cáo của nhân dân trong việc thực hiện chủ trương bồi thường, giải tỏa đền bù thực hiện dự án; động viên nhân dân khắc phục những khó khăn trước mắt, bàn giao mặt bằng cho dự án đúng tiến độ, thời gian.

Phát huy tính chủ động của địa phương
Quyết định số 15/2017/QĐ-UBND ngày 10-4-2017 của UBND thành phố Đà Nẵng về việc ban hành quy định về trình tự, thủ tục thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, phân cấp cho lãnh đạo UBND quận, huyện làm chủ tịch hội đồng bồi thường, GPMB, bố trí tái định cư của từng dự án giúp phát huy tính chủ động của các địa phương trong công tác chuẩn bị mặt bằng cho các dự án triển khai trên địa bàn thành phố.

HOÀNG NHUNG - LAM PHƯƠNG

.