Phong trào thi đua “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” trở thành một trong những động lực thúc đẩy cán bộ, hội viên Hội Cựu chiến binh (CCB) thành phố phát huy truyền thống, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ để xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Đại diện lãnh đạo Hội Cựu chiến binh thành phố trao quyết định cấp nhà ở chung cư cho cựu chiến binh nghèo, chưa có nhà. Ảnh: T.D |
Hội CCB thành phố có gần 20.000 hội viên, đa phần tham gia chiến đấu ở biên giới phía bắc, biên giới tây nam, làm nhiệm vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia và bảo vệ biên giới biển, đảo của Tổ quốc. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trong quân đội, phục viên, xuất ngũ trở về địa phương, nhiều CCB không có lương hưu, không có nghề nghiệp ổn định; nhiều hội viên sức khỏe yếu, bệnh tật, thiếu kiến thức về kinh tế, kỹ thuật, kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nên đời sống gặp nhiều khó khăn.
Các cấp hội CCB trên địa bàn thành phố kịp thời phát động phong trào thi đua “CCB gương mẫu” nhằm khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của CCB, phát huy bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, tương thân, tương ái giúp nhau khắc phục khó khăn trong cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, làm kinh tế giỏi.
Đồng thời, triển khai kết nối các mô hình kinh tế của các hội viên CCB hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Qua đó, tạo điều kiện cho hội viên, cựu quân nhân gắn kết, hỗ trợ, tư vấn, trao đổi kinh nghiệm, cùng phát triển kinh tế bằng phương thức thành lập CLB doanh nghiệp CCB cấp quận, huyện...
Trưởng ban Tuyên giáo - Phong trào Hội CCB thành phố Huỳnh Bá Thành cho biết, tính đến nay, Hội CCB thành phố có 87 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 4 hợp tác xã, 29 tổ hợp tác sản xuất, 22 trang trại, 95 gia trang, 903 hộ kinh doanh dịch vụ, đặc biệt hộ kinh doanh dịch vụ cá thể tăng 129 hộ so với năm 2016.
“Các mô hình trên thu hút hơn 4.300 lao động, trong đó có hàng nghìn lao động là con em CCB, cựu quân nhân ở địa phương. Ngoài các mô hình trên còn có Hội Doanh nhân CCB thành phố với 53 thành viên, 6 CLB doanh nghiệp sản xuất kinh doanh với hơn 180 thành viên. Các công ty, xí nghiệp này do các CCB làm chủ, đang hoạt động có hiệu quả, thu hút hàng nghìn lao động với thu nhập 5-7 triệu đồng/người/tháng”, ông Huỳnh Bá Thành thông tin.
Hội CCB thành phố đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn, giúp hộ CCB nghèo vay vốn ưu đãi để sử dụng vào sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Tính đến cuối tháng 6-2022, Hội CCB thành phố quản lý 397 tổ tiết kiệm và vay vốn, tổng dư nợ hơn 823,1 tỷ đồng với 17.006 hộ vay, trong đó có 4.950 hộ CCB.
Ngoài ra, hội các cấp xây dựng quỹ hội hơn 10,7 tỷ đồng và quỹ đồng đội hơn 9,6 tỷ đồng. Nguồn vốn từ hai quỹ trên cho hội viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vay không lãi, tạo vốn làm ăn vươn lên thoát nghèo...
Với nỗ lực của các cấp hội và hội viên, phong trào thi đua CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi đã thu được những kết quả đáng phấn khởi như: giảm 100% hộ CCB nghèo, về đích trước 2 năm so với kế hoạch của thành phố; nâng hộ khá, giàu từ 38,68% lên 52,52%.
Nhiều hộ vươn lên làm kinh tế giỏi, trở thành chủ các doanh nghiệp, hợp tác xã, các trang trại, gia trang, đặc biệt là hộ kinh doanh dịch vụ cá thể từ 900 hộ đến nay tăng lên 1.029 hộ. Quy mô sản xuất kinh doanh của các mô hình trên ngày càng phát triển, giải quyết nhiều việc làm cho người lao động, đóng góp phát triển kinh tế - xã hội thành phố, được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao.
Một việc làm đáng trân trọng là các cấp hội vận động từ nhiều nguồn với số tiền gần 40 tỷ đồng, hỗ trợ xây mới 330 nhà, sửa chữa 990 nhà, đề nghị UBND thành phố bố trí 29 căn hộ chung cư cho những hội viên không có nhà ở.
Đến nay, các hộ CCB nghèo, hộ CCB thuộc đối tượng chính sách cơ bản có nhà ở ổn định. “Những kết quả trên chứng tỏ được hiệu quả và sức lan tỏa sâu rộng từ phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” tạo động lực giúp nhiều hội viên CCB vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương”, ông Huỳnh Bá Thành nhấn mạnh.
TRÍ DŨNG