Thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam ở nước ngoài ngày càng mở rộng

.

Sáng 25-8, Ban Chỉ đạo Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TW ngày 8-5-2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài”.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An đồng chủ trì hội nghị. Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng.

Dự thảo báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TW của Ban Bí thư cho thấy, thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam ở nước ngoài ngày càng mở rộng, phát triển. Từ 9 thị trường năm 2013, đến nay đã mở rộng lên 25 thị trường trọng yếu.

Người lao động và chuyên gia đi làm việc tại nước ngoài tăng gần 40% so với giai đoạn 2007-2012. Trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, kỷ luật, tác phong làm việc của người lao động và chuyên gia đi làm việc tại nước ngoài được nâng cao, bước đầu hình thành đội ngũ chuyên gia, lao động chuyên nghiệp khi trở về nước.

Vấn đề thu nhập của người lao động ở nước ngoài tương đối cao, ổn định, không chỉ giúp xóa đói, giảm nghèo mà còn tích lũy, đầu tư cho sản xuất kinh doanh, tạo việc làm mới sau khi trở về nước. Người lao động Việt Nam đi nước ngoài được đánh giá chăm chỉ, khéo tay, khả năng nắm bắt công việc nhanh, ham học hỏi, sáng tạo và làm việc năng suất, chất lượng.

Dẫu vậy, trình độ lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vẫn còn thấp. Thời gian gần đây, Việt Nam đã nỗ lực đưa được một số chuyên gia đi lao động ở nước ngoài thay vì chỉ lao động phổ thông như trước...

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, tham gia ý kiến vào dự thảo báo cáo tổng kết với các nội dung phân tích tình hình thực tế về lao động làm việc ở nước ngoài, đào tạo chuyên môn, tay nghề, thu nhập; tình hình các thị trường trên thế giới; bảo hộ lao động làm việc ở nước ngoài…

Đồng thời, làm rõ vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, phân tích bối cảnh mới đặt ra ở quốc tế, khu vực và trong nước; dự báo xu thế phát triển, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đến thị trường lao động...

Theo đó, tổ biên tập tiếp tục nghiên cứu ý kiến của các đại biểu; phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, hoàn thiện báo cáo và các văn bản khác để bảo đảm chất lượng công tác tổng kết chỉ thị trình Ban Bí thư.

TRIỆU TÙNG

;
;
.
.
.
.
.