Chính trị - Xã hội

Nhiều hộ dân sống trong vùng sạt lở

14:01, 26/08/2022 (GMT+7)

Sau khi hết hạn giấy phép khai thác mỏ đất, đơn vị thi công để lại hiện trạng núi đồi nham nhở, mỗi mùa mưa bão gây sạt lở, bùn đất trôi xuống nhà các hộ dân trong khu vực. Bức xúc, người dân nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng, chính quyền địa phương san gạt phần đồi đất còn lại để tránh tiếp tục sạt lở trong mùa mưa. Tuy nhiên, những kiến nghị này vẫn chưa được giải quyết.

Một điểm sạt lở nằm ngay gần nhà dân. Ảnh: P.C
Một điểm sạt lở nằm ngay gần nhà dân. Ảnh: P.C

Theo tìm hiểu, năm 2015, Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 5-CTCP được UBND thành phố cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng tại thôn An Tân, xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang). Sau khi hết hạn khai thác, ngày 10-8-2018, UBND thành phố ban hành Quyết định số 3449/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án đóng cửa mỏ khoáng sản để tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường, bàn giao cho địa phương quản lý. Phía Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 5-CTCP đã thực hiện việc trồng keo lá tràm, cải tạo tầng taluy ở khu vực khai thác, nhưng do vùng đồi núi còn lại sau khai thác chủ yếu đất, đá phong hóa nên cây không phát triển.

Mùa mưa bão hằng năm, một số ngọn đồi sau khai thác bị sạt lở, đất đá trôi xuống nhà dân, ảnh hưởng đến việc sản xuất nông nghiệp. Bức xúc trước thực trạng trên, các hộ dân sống trong khu vực nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tiến hành san gạt những khu vực đồi núi còn sót lại để tạo địa hình bằng phẳng, tránh gây sạt lở đất đá, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Ông Huỳnh Tấn Anh, nhà sống cạnh khu vực mỏ ở thôn An Tân, bày tỏ lo lắng: “Nhà tôi ở cạnh đồi, năm nào cũng bị sạt lở. Mùa mưa bão đã gần kề, thế nhưng ngọn đồi này vẫn chưa được cải tạo san gạt, gia đình chúng tôi lo sợ lắm. Mong các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương sớm có biện pháp cải tạo nhằm bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của người dân”.

Ông Trần Đại Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Hòa Phong cho biết, trước thực trạng sạt lở đất đá ở vùng mỏ thôn An Tân, các cơ quan chức năng huyện Hòa Vang, UBND xã Hòa Phong đã tiến hành cắm biển báo khu vực nguy hiểm, đồng thời làm một số tuyến mương thoát nước để hạn chế tình trạng nước đổ vào nhà dân. Nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài UBND xã Hòa Phong đề nghị cơ quan chức năng san gạt phần đồi còn lại của khu vực mỏ để tạo mặt bằng, nhằm bảo đảm an toàn cho người dân trong khu vực.

Theo ông Nguyễn Tấn Khoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, những kiến nghị của người dân, UBND xã Hòa Phong về tình trạng sạt lở đất đá ở khu vực mỏ đất thôn An Tân là đúng sự thật. Qua kiểm tra thực tế, khu vực đồi núi sau khai thác chỉ toàn đất, đá phong hóa, nên rất khó phục hồi, cải tạo môi trường.

Nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, UBND huyện Hòa Vang đã đề xuất UBND thành phố, các sở, ngành liên quan có biện pháp san gạt phần đất đồi còn lại để tránh tình trạng nước mưa từ trên cao đổ xuống đổ vào nhà dân, đồng thời tận dụng mặt bằng sau khi san gạt phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. “Chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng, UBND thành phố sớm có biện pháp thực hiện trước mùa mưa năm nay, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân trong khu vực”, ông Khoa nói.

Trên cơ sở đề xuất của UBND huyện Hòa Vang, ngày 26-7-2022, Sở Tài nguyên và Môi trường có Báo cáo 627/BC-STNMT gửi UBND thành phố liên quan đến việc khai thác mỏ đất tại thôn An Tân, xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang).

Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND thành phố xem xét, chấp thuận cho việc hạ độ cao trên toàn diện tích khai thác của Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 5-CTCP trong quá trình cải tạo, phục hồi môi trường tại thôn An Tân đến cos 13+ để tạo mặt bằng, bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

PHƯƠNG CHI - NGUYỄN QUANG

.