Chính trị - Xã hội

Phát huy tính ưu việt của mô hình chính quyền đô thị

Bài 3: Phân cấp chưa mạnh, ủy quyền chưa thông

07:13, 24/08/2022 (GMT+7)

Ngày 19-11-2021, UBND thành phố đã ban hành Đề án số 7796/ĐA-UBND về phân cấp, ủy quyền quản lý Nhà nước gắn với thí điểm mô hình chính quyền đô thị (CQĐT) trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, việc triển khai ở nhiều nơi chưa thực sự mạnh mẽ, chưa mang lại hiệu quả như mong đợi.

Bí thư Quận ủy Sơn Trà Trần Thắng Lợi (bên  phải) nêu kiến nghị tại buổi giám sát của Thường trực HĐND thành phố về triển khai thực hiện mô hình chính quyền đô thị tại quận Sơn Trà. Ảnh: TRỌNG HUY
Bí thư Quận ủy Sơn Trà Trần Thắng Lợi (bên phải) nêu kiến nghị tại buổi giám sát của Thường trực HĐND thành phố về triển khai thực hiện mô hình chính quyền đô thị tại quận Sơn Trà. Ảnh: TRỌNG HUY

Khi quận, phường trở thành cấp dự toán ngân sách, bước đầu đã nảy sinh vướng mắc, bất cập trong triển khai các nhiệm vụ chính trị của các địa phương.

Chưa được phân cấp, ủy quyền

Hiện toàn thành phố chỉ còn 3 phường gồm: Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu), Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn) và Hòa Thuận Đông (quận Hải Châu) chưa triển khai ủy quyền cho công chức Tư pháp - Hộ tịch phường ký chứng thực bản sao từ bản chính và chứng thực chữ ký. Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Bắc Phan Văn Đại lý giải, theo quy định, công chức Tư pháp - Hộ tịch phải đủ 3 năm công tác mới được nhận ủy quyền. Tuy nhiên, 2 công chức Tư pháp - Hộ tịch của phường chưa đủ 2 năm công tác tại vị trí chuyên môn nên UBND phường chưa thực hiện ủy quyền lĩnh vực này. Trong khi đó, công chức lãnh đạo của UBND phường hiện chỉ có chủ tịch và 1 phó chủ tịch (do 1 phó chủ tịch UBND vừa luân chuyển) nên gặp không ít khó khăn trong công tác điều hành, quản lý, thực hiện nhiệm vụ.

Ông Đại đề xuất, để thuận tiện và giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, UBND quận cần phân quyền cho UBND phường trong công tác ký cấp giấy chứng nhận số nhà cho người dân; đồng thời bổ sung kinh phí để UBND phường thực hiện công tác khảo sát, lập phương án, đánh số nhà và cấp giấy chứng nhận. Bên cạnh đó, cần phân quyền cho UBND phường thực hiện các thủ tục liên quan đến cấp giấy phép sử dụng vỉa hè ngoài mục đích giao thông để thuận tiện trong công tác quản lý trật tự đô thị, trật tự vỉa hè các tuyến đường trên địa bàn phường.

Tại quận Hải Châu, UBND quận đã triển khai hiệu quả các nội cung về phân cấp trên các lĩnh vực tài nguyên và môi trường, quản lý đô thị, cấp phép xây dựng… Các nội dung được phân cấp như: cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà lần đầu, cấp phép xây dựng đối với các công trình theo phân cấp trên các tuyến đường, quản lý nạo vét cống thoát nước, cắt tỉa cây xanh theo phân cấp các tuyến đường dưới 10,5m… đã đi vào ổn định, bảo đảm hiệu quả trong việc triển khai thực hiện kịp thời, phục vụ tốt nhu cầu của tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND phường Thạch Thang (quận Hải Châu) Trần Thế Sơn, hiện nay phường được phân cấp một số nhiệm vụ về cắt tỉa cây xanh các tuyến đường dưới 5,5m hoặc nạo, vét cống rãnh, thu phí sử dụng tạm vỉa hè ngoài mục đích giao thông tại một số tuyến đường… Song, việc phân cấp vẫn chưa hoàn toàn dứt điểm. Phường vẫn phải lập dự toán, tính khối lượng, dự trù kinh phí sau đó trình các phòng chuyên môn quận thẩm định, duyệt, mới đủ điều kiện triển khai.

Chủ tịch UBND quận Hải Châu Lê Tự Gia Thạnh cho biết, UBND thành phố có quyết định phân cấp một số nội dung liên quan đến lĩnh vực đô thị. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các tuyến đường đô thị có bề rộng mặt đường lớn hơn 7,5m và nhỏ hơn 10,5m bị chồng chéo trong công tác quản lý hạ tầng (UBND quận quản lý hệ thống thoát nước; Sở Xây dựng quản lý hệ thống cây xanh, Sở Giao thông vận tải quản lý hệ thống đường giao thông).

Do đó, UBND quận đề xuất điều chỉnh phân cấp cho UBND quận quản lý hệ thống thoát nước trên các tuyến đường đô thị có bề rộng mặt đường bằng và nhỏ hơn 7,5m và điều chỉnh phân cấp Sở Xây dựng quản lý hệ thống thoát nước trên các tuyến đường đô thị liên quận. Ngoài ra, quận đề nghị phân cấp công tác cắt tỉa phòng, chống bão, xử lý sự cố cây xanh sau bão trên các tuyến đường bề rộng mặt đường bằng và nhỏ hơn 7,5m cho UBND phường, bảo đảm kịp thời giải tỏa giao thông, vệ sinh môi trường, các tình huống cấp thiết sau bão.

Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Đồng cho biết, trong quá trình thực hiện, thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo rà soát, xem xét, quyết định việc điều chỉnh, bổ sung các nội dung phân cấp, ủy quyền bảo đảm theo quy định pháp luật và phù hợp tình hình thực tiễn, điều kiện triển khai tại các địa phương, đơn vị.

Bị động khi trở thành cấp dự toán

Chủ tịch UBND quận Sơn Trà Hoàng Sơn Trà nêu ra một ví dụ về câu chuyện dự toán của cấp quận, phường: “Hằng năm, chúng tôi không thể dự tính được bao nhiêu cơn bão đổ bộ vào để từ đó dự trù, tính toán kinh phí triển khai để xử lý, nên việc dự toán không thể sát sườn thực tế (?!)”.

Bí thư Quận ủy Sơn Trà Trần Thắng Lợi đưa ra giả dụ: Quận dự toán một năm cháy 50 cái bóng đèn chiếu sáng và được phê duyệt hết. Nếu thực tế cháy hết 51 cái bóng đèn, nghĩa là phải chấp nhận chịu tối ở vị trí bóng đèn thứ 51 cho đến kỳ dự toán năm sau...

Trong khi đó, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn Nguyễn Hòa dẫn chứng, bình quân mỗi năm khi còn là đơn vị cấp ngân sách, UBND quận chi từ nguồn kết dư khoảng 3,5 tỷ đồng để thăm, tặng quà cho gia đình chính sách dịp lễ, Tết, kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7). Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, ngoài quà của Trung ương và thành phố, chỉ còn quà của… khu dân cư (do khu dân cư vận động từ mạnh thường quân). “Vừa rồi, chúng tôi tổ chức diễn tập phòng thủ, có đề xuất dự trù kinh phí lên thành phố, nhưng đều bị từ chối, dẫn đến nhiều đơn vị của quận phải đi… mượn áo quần để diễn tập”, ông Hòa kể.

Theo Phó Chủ tịch UBND phường An Hải Tây (quận Sơn Trà) Nguyễn Đình Vương, là phường trọng điểm du lịch không chỉ quận Sơn Trà mà còn của cả thành phố, nhưng do chỉ là phường loại 2, nên số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách được bố trí ít hơn so với các phường loại 1, trong khi nhiệm vụ, khối lượng công việc của phường rất lớn.

“Ngày trước, anh em tổ liên ngành đi làm nhiệm vụ bảo đảm hoạt động du lịch hằng đêm, phường chi “tiền tươi” hỗ trợ, bồi dưỡng nước uống, đồ ăn đêm. Cuối tháng, bộ phận tài chính cân đối, quyết toán. Nay, tổ liên ngành vẫn làm nhiệm vụ hằng đêm, nhưng phải chờ đến cuối tháng mới tổng hợp hỗ trợ dựa trên bảng “chấm công”. Hiện cả phường chỉ còn 4 công chức đủ điều kiện tham gia tổ liên ngành (bắt buộc phải có công chức phường tham gia) bảo đảm du lịch đêm trên địa bàn phường. Rõ ràng, khi trở thành cấp dự toán ngân sách khiến cho việc triển khai nhiệm vụ của phường bị động rất nhiều”, ông Vương trải lòng.

Cùng quan điểm, Chủ tịch UBND phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn) Bạch Ngọc Hải cho hay, phường phải có tổ liên ngành tham gia bảo đảm hoạt động khu phố du lịch đêm An Thượng và đề án biển đêm Mỹ An mới triển khai. Việc thực hiện CQĐT, công chức phường phải làm việc theo Luật Công chức, bảo đảm ngày 8 giờ hành chính.

Nhưng khi phải thực hiện thêm nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự của tổ liên ngành phường tại các điểm du lịch đêm, yêu cầu phải có công chức phường phụ trách làm đội trưởng. Dù có chế độ bồi dưỡng hằng đêm (không đáng kể), nhưng việc phải tổng hợp, “chấm công” như hiện nay vô tình gây ức chế và thiếu sự khích lệ, động viên với cán bộ làm thêm ngoài giờ hành chính so với trước đây.

Bí thư Quận ủy Sơn Trà Trần Thắng Lợi cho hay, Sơn Trà là địa bàn trọng điểm du lịch của thành phố, với rất nhiều chương trình, sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, các hoạt động kích cầu du lịch diễn ra, yêu cầu phải bảo đảm an ninh, an toàn. Tuy nhiên, nguồn nhân lực để triển khai các nhiệm vụ trên rất hạn chế, nhất là lực lương Công an, đã tạo áp lực rất lớn lên việc hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Chủ tịch UBND phường Hòa Hải (quận Ngũ hành Sơn) Huỳnh Quang Trung phân tích, năm 2020, dự toán chi thường xuyên của phường là 28,9 tỷ đồng. Năm 2021, dự toán chi thường xuyên 24,2 tỷ đồng (chưa tính tỷ lệ phần trăm % trích vượt thu để lại khoảng 30%-50% trên số lượng vượt thu hằng năm). Đến năm 2022, khi thực hiện thí điểm CQĐT, dự toán chi thường xuyên của phường chỉ còn 16,1 tỷ đồng (không có nguồn kết dư và trích phần trăm vượt thu ngân sách).

Do đó việc phân bổ và điều hành dự toán chi của địa phương gặp rất nhiều khó khăn. “UBND phường cũng là một cấp quản lý Nhà nước về tất cả các nhiệm vụ kinh tế xã hội, văn hóa, giáo dục, an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội... Khi còn là một đơn vị cấp ngân sách, phường được sử dụng nguồn tăng thu ngân sách và các nguồn khác để bố trí, bổ sung thực hiện nhiệm vụ phát sinh, đột xuất, góp phần xử lý nhanh, phục vụ nhu cầu đời sống của người dân. Nay trở thành cấp dự toán ngân sách, phường rất bị động trong việc thực hiện nhiệm vụ phát sinh, đột xuất, làm giảm tính chủ động, tăng tính phụ thuộc trong thực thi công vụ”, ông Trung nói.

Theo Bí thư Quận ủy Liên Chiểu Nguyễn Hà Bắc, trước ngày 1-7-2021, UBND quận là cấp ngân sách, hằng năm HĐND quận giao thêm dự toán thu tăng từ 5-7% so với dự toán thành phố giao để cân đối, bổ sung thêm nhiệm vụ chi thường xuyên, đồng thời sử dụng nguồn tăng thu, nguồn kết dư để bổ sung các nhiệm vụ quan trọng của địa phương như: đầu tư xây dựng cơ bản, sự nghiệp y tế, giáo dục, môi trường, sửa chữa đường, mương thoát nước, xử lý ngập úng, bổ sung ngân sách phường, giải quyết kiến nghị bức xúc người dân… Hiện nay, UBND quận và các phường không còn khoản chi dự phòng, tăng thu hay kết dư để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ thực tế đặt ra trên địa bàn quận, phường.

TRỌNG HUY - LAM PHƯƠNG

.