Chính trị - Xã hội
Phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ
Mùa hè là thời điểm trẻ em cùng gia đình tham gia các hoạt động vui chơi, du lịch. Đã có nhiều tai nạn thương tích, đuối nước đáng tiếc xảy ra do sự chủ quan của người lớn. Nhân viên y tế khuyến cáo cần có sự chủ động của người thân để bảo vệ an toàn cho trẻ, không gây những hậu quả trước mắt và di chứng về lâu dài.
Lực lượng cứu hộ làm nhiệm vụ tại bãi biển Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG |
Thời gian qua, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng tiếp nhận nhiều trường hợp đuối nước nguy hiểm đến tính mạng. Chẳng hạn, trường hợp cháu Nguyễn Thanh S. (10 tuổi, trú huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) được cơ sở y tế địa phương chuyển đến bệnh viện trong tình trạng hôn mê. Gia đình cho biết, S. theo bạn đi chơi, sau đó ra sông gần nhà tắm và không may bị sảy chân. Mặc dù được phát hiện, cứu kịp thời nhưng cháu vẫn bị hoảng loạn.
Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, sang chấn tâm lý là một dạng tổn thương phổ biến của trẻ em khi bị đuối nước. Chính vì vậy, dù nhiều trường hợp đã được cấp cứu kịp thời không còn nguy hiểm đến tính mạng, nhưng tinh thần vẫn hoảng loạn, lo lắng, cần được theo dõi, điều trị một thời gian dài.
Trước đó không lâu, bệnh nhi Trần Ngọc Như D. (8 tuổi, trú Hà Nội), du khách du lịch tại Đà Nẵng, Quảng Nam được người nhà đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng sau khi bị đuối nước tại hồ bơi tại một khu du lịch. Thông tin từ bệnh viện ghi nhận, cháu D. bị sặc nước tại hồ bơi dành cho trẻ em với độ sâu chỉ 0,5 m. Do không biết bơi, trong lúc vui đùa, cháu D. vô tình bị té ở mép nước cạn nhưng vẫn xảy ra sự cố đáng tiếc. Theo thống kê, trong vòng hơn 1 tháng qua, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng tiếp nhận cấp cứu, điều trị 6 bệnh nhi bị đuối nước, được người dân, các cơ sở y tế tuyến dưới chuyển lên.
Trong khi đó, dọc các bãi tắm ven biển trên địa bàn thành phố, mỗi ngày có hàng trăm trẻ em theo người thân ra tắm biển, vui đùa. Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng phải bố trí lực lượng cứu hộ làm việc dọc bãi tắm để cảnh giác, nhắc nhở và cứu hộ kịp thời những trường hợp nguy hiểm.
Theo anh Nguyễn Quốc Vinh, Đội trưởng Đội cứu hộ, cứu nạn (Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng), hằng năm, cứ đến mùa hè là lực lượng cứu hộ hết sức vất vả do lượng khách tắm biển quá đông. Đáng chú ý, tình trạng trẻ em đi lạc trên bãi biển vẫn liên tục xảy ra, dù lực lượng cứu hộ thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở trên loa phát thanh.
Mỗi ngày, đơn vị tiếp nhận thông tin và tìm kiếm 10-15 trẻ em đi lạc tại các bãi biển. Thực tế này xuất phát từ việc người lớn mải mê tắm biển, vui chơi. Người đông, chỉ một phút không để mắt đến con cũng có thể để lại những hậu quả đáng tiếc.
Hiện lực lượng cứu hộ bố trí 95 cán bộ, nhân viên, chia làm 19 tổ để bảo đảm an toàn cho du khách dọc các bãi biển trên địa bàn thành phố, tập trung 3 quận chính là Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Liên Chiểu. “Mùa cao điểm, lực lượng cứu hộ bắt đầu làm nhiệm vụ từ 4 giờ 30 sáng và kết thúc lúc 19 giờ.
Tuy nhiên, vào ban đêm, vẫn còn nhiều người dân, du khách, bao gồm cả trẻ em tham gia tắm, vui đùa trên biển. Người dân cần nâng cao cảnh giác để không xảy ra những hậu quả đáng tiếc. Bởi đêm tối, thủy triều thay đổi liên tục, nếu không có nhân viên cứu hộ túc trực, hướng dẫn có thể sẽ rơi vào các vùng xoáy mà không hề hay biết”, anh Vinh khuyến cáo.
Theo bác sĩ Võ Hữu Hội, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, mùa hè là thời điểm mà rất nhiều trẻ em nhập viện cấp cứu do gặp phải tai nạn đuối nước hoặc các thương tích khác như hóc dị vật, côn trùng cắn, bỏng nước sôi...
Nhiều trẻ, nhất là trẻ dưới 5 tuổi rất dễ bị tổn thương, nghẹt đường thở do ngậm đồ chơi, hạt dưa, đậu phộng. Một số trẻ em, nhất là ở vùng quê thường xuyên bị côn trùng cắn, bỏng nước sôi để lại nhiều di chứng. “Đáng báo động nhất vẫn là tình trạng đuối nước ở trẻ em, không cứu kịp thời thì nguy hiểm đến tính mạng. Có trường hợp giữ được tính mạng, thì để lại những di chứng nặng nề về sau do não bị tổn thương.
Vì vậy, khi xảy ra sự cố đuối nước, người lớn cần bình tĩnh và biết cách xử lý, sơ cấp cứu đúng cách. Nếu thấy bệnh nhân ngưng tim, ngưng đường thở, cần tận dụng thời gian vàng cấp cứu tại hiện trường trước khi chuyển đến bệnh viện.
Nếu qua thời gian này sẽ khó cứu chữa. Việc cấp cứu phải được thực hiện liên tục kể từ khi đưa người bị đuối nước lên bờ cho đến lúc đưa vào bệnh viện. Thậm chí, nếu sau sơ cứu tại chỗ, người bị đuối nước có thể hô hấp lại bình thường thì vẫn phải đưa vào bệnh viện để liên tục theo dõi”, bác sĩ Hội cho biết.
Tăng cường phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ em UBND thành phố đã ban hành công văn về tăng cường công tác phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho trẻ em. Cụ thể, các cơ quan, đơn vị, địa phương và hội, đoàn thể trên địa bàn thành phố đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước cho trẻ em. Chỉ đạo, hướng dẫn tăng cường rèn luyện thể dục, thể thao, các hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, nghệ thuật cho trẻ em trong mùa hè; kiểm tra, rà soát, có biện pháp khắc phục các công trình, khu vực thường xuyên xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn, thương tích, đuối nước đối với trẻ em... Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai, hướng dẫn phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước đến từng trường học, đẩy mạnh phong trào dạy bơi an toàn cho học sinh trong trường học. UBND các quận, huyện chỉ đạo tổ chức, thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các ngành, tổ chức trong việc tham gia quản lý chặt chẽ trẻ em trong thời gian không đến trường, đặc biệt là dịp hè, nghỉ lễ dài ngày, thời gian xảy ra bão, lũ, thiên tai; rà soát, lập bản đồ cảnh báo kịp thời các địa điểm, khu vực có nguy cơ gây tai nạn, thương tích, đuối nước cho trẻ em và triển khai các biện pháp phòng ngừa, khắc phục... |
PHAN CHUNG