Chính trị - Xã hội

20 năm đồng hành người nghèo và các đối tượng chính sách

08:26, 19/09/2022 (GMT+7)

Trong 20 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội thông qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, toàn thành phố đã có 419.743 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn với số tiền trên 9.590 tỷ đồng.

Các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã góp phần  thực hiện giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Trong ảnh: Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội quận Sơn Trà tổ chức điểm giao dịch tại phường An Hải BắcẢnh: M.Q
Các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã góp phần thực hiện giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. TRONG ẢNH: Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội quận Sơn Trà tổ chức điểm giao dịch tại phường An Hải Bắc. Ảnh: M.Q

Chính sách tín dụng ưu tiên người nghèo

Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác là cơ sở cho việc thành lập Ngân hàng CSXH trên cơ sở sắp xếp và tổ chức lại Ngân hàng Phục vụ người nghèo. Qua đó tập trung các nguồn vốn ngân sách tài trợ cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác vào một đầu mối.

Ngân hàng CSXH được thành lập để thực hiện tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, hoạt động của NHCSXH không vì mục đích lợi nhuận, được Nhà nước bảo đảm khả năng thanh toán; tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng 0%; không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi; được miễn thuế và các khoản phải nộp Ngân sách Nhà nước.

Cùng với sự ra đời của hệ thống ngân hàng CSXH trên cả nước, Chi nhánh Ngân hàng CSXH thành phố Đà Nẵng được thành lập theo Quyết định số 50/QĐ-HĐQT ngày 14-1-2003. Ban đầu, tổng dư nợ nhận bàn giao từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Công Thương và Kho bạc Nhà nước là 117 tỷ đồng, có 3 chương trình tín dụng. Với 9 cán bộ ban đầu được chuyển sang từ Ngân hàng Phục vụ người nghèo,  đến nay Ngân hàng CSXH Đà Nẵng có 104 cán bộ với phương châm “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”.

20 năm xây dựng và trưởng thành

Ngay sau khi thành lập, Chi nhánh NHCSXH thành phố tiếp nhận bàn giao chương trình cho vay giải quyết việc làm từ Kho bạc Nhà nước với dư nợ 19,406 tỷ đồng; chương trình cho vay học sinh sinh viên từ Ngân hàng Công Thương với dư nợ 4,228 tỷ đồng; chương trình cho vay hộ nghèo từ Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn với dư nợ 93,184 tỷ đồng. Từ 3 chương trình tín dụng chính sách ban đầu, đến nay, trên địa bàn thành phố đang thực hiện 14 chương trình tín dụng chính sách, với tổng dư nợ đạt 3.730 tỷ đồng, tăng gấp 30,9 lần so với thời điểm năm 2002.

Ngân hàng CSXH được thực hiện cho vay theo phương thức ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hội theo hợp đồng ủy thác hoặc trực tiếp đến người vay tại các Tổ tiết kiệm và vay vốn ở 56 phường, xã. Chi nhánh Ngân hàng CSXH thành phố thực hiện phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên, giúp cho việc quản lý vốn tín dụng chính sách được công khai, dân chủ, giúp cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay thuận tiện, nhanh chóng.

Tính đến ngày 30-6-2022, tổng dư nợ ủy thác cho vay qua các tổ chức chính trị - xã hội là 3.628 tỷ đồng với 77.481 khách hàng đang vay vốn, chiếm tỷ trọng 97,2% trên tổng dư nợ tín dụng chính sách. Trong đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ quản lý 1.305 tỷ đồng với 28.691 khách hàng đang vay vốn tại 675 Tổ tiết kiệm và vay vốn, chiếm 36%; Hội Nông dân quản lý 810 tỷ đồng với 17.232 khách hàng đang vay vốn tại 400 Tổ tiết kiệm và vay vốn, chiếm 22%; Hội Cựu chiến binh quản lý 823 tỷ đồng với 17.006 khách hàng đang vay vốn tại 397 Tổ tiết kiệm và vay vốn, chiếm 23%; Đoàn Thanh niên quản lý 690 tỷ đồng với 14.552 khách hàng đang vay vốn tại 332 Tổ tiết kiệm và vay vốn, chiếm 19%.

Ngoài ra, phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội gắn với thực hiện bình xét cho vay được ngân hàng giải ngân trực tiếp cho người vay tại các Điểm giao dịch, bảo đảm vốn đến đúng các đối tượng thụ hưởng một cách nhanh chóng, thuận tiện, công khai, minh bạch và kịp thời.

Thông qua phương thức này, cộng với hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp người dân nâng cao thu nhập, bảo đảm an sinh xã hội và hiệu quả trong sử dụng vốn. Các Điểm giao dịch cũng tạo điều kiện thuận lợi cho người vay nhận vốn vay, trả nợ, trả lãi, gửi tiền tiết kiệm ngay tại điểm giao dịch xã.

Mô hình của Ngân hàng CSXH trong điều kiện trước mắt cũng như lâu dài được đánh giá là một giải pháp, một bước đổi mới về tổ chức, phù hợp với điều kiện thực tế, phát huy được chủ trương xã hội hóa, tiết kiệm đáng kể chi phí cho ngân sách Nhà nước, đồng thời giúp tổ chức chính trị - xã hội có thêm điều kiện tổ chức lồng ghép các dự án với kênh tín dụng ưu đãi phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nhờ đó, trong 20 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn không ngừng tăng, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Giai đoạn 2003 - 2022, Ngân hàng CSXH đã cho vay 199.366 lượt hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo bổ sung nguồn vốn sản xuất kinh doanh; duy trì, mở rộng và tạo việc làm mới cho 156.111 lao động; 67.758 học sinh, sinh viên được vay vốn để trang trải chi phí học tập; cho vay xây dựng 51.389 công trình nước sạch, công trình vệ sinh môi trường ở huyện Hòa Vang; 162 người lao động vay vốn đi xuất khẩu lao động; 261 hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão lụt; 88 doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn sản xuất kinh doanh; 1.286 khách hàng vay vốn mua nhà ở xã hội, xây dựng mới, sửa chữa nhà để ở; 98 lượt doanh nghiệp trên địa bàn thành phố vay vốn  trả lương 11.899 lượt lao động; cho vay 51 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập...

Thông qua các chương trình tín dụng chính sách xã hội, ngân hàng góp phần cùng thành phố hoàn thành vượt kế hoạch giảm nghèo hằng năm. Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh Đà Nẵng Đoàn Ngọc Chung nhấn mạnh, vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng tín dụng đen trên địa bàn thành phố, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, giúp hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo.

Ngày 22-11-2014, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Sau 8 năm triển khai, có thể nói, nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền và hội đoàn thể nhận ủy thác trên địa bàn thành phố đã thay đổi một cách sâu sắc, quan tâm đẩy mạnh thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Hoạt động tín dụng chính sách luôn bám sát phương châm “Đảng lãnh đạo - Chính quyền điều hành - Ngân hàng CSXH tham mưu - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc giám sát - hội đoàn thể phối hợp”.

Nhờ vậy, hoạt động tín dụng chính sách xã hội không ngừng phát triển và ngày càng ổn định; nguồn vốn phục vụ cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác ngày càng tăng, chất lượng tín dụng ngày một tốt hơn, góp phần đóng góp trong việc hoàn thành mục tiêu an sinh xã hội tại địa phương. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc đồng bộ giúp cho hoạt động tín dụng chính sách ngày càng phát huy được hiệu quả, chất lượng tín dụng ngày càng được củng cố và nâng cao.

Ông Chung cho rằng, điểm nổi bật trong việc tập trung nguồn lực thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội tại địa phương kể từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, đó là việc huy động được nguồn lực tại chỗ của địa phương, nguồn vốn các địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH để cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác vay.

Việc tăng cường nguồn lực cho ngân hàng để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách theo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước là mục tiêu góp phần thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Qua 20 năm hoạt động, nguồn vốn của Chi nhánh Ngân hàng CSXH Đà Nẵng ngày càng tăng với tốc độ tăng bình quân 18,68%/năm. Từ nguồn vốn khi nhận bàn giao 129,723 tỷ đồng, đến 30-6-2022, tổng nguồn vốn đạt 3.739 tỷ đồng, tăng 3.609 tỷ đồng, tăng 2.782% so với năm 2002.

  HOÀNG NHUNG

.