70 năm chiến thắng Đồn Nhất - Hải Vân Quan

.

Ngày 23-9, Thành ủy Đà Nẵng tổ chức hội thảo 70 năm chiến thắng Đồn Nhất - Hải Vân Quan (25-9-1952 – 25-9-2022). Đây là trận đánh của Đại đội 6, Tiểu đoàn 59, Trung đoàn 803, Liên khu V trong chiến dịch Hè Thu 1952-1954 của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Cùng với các chiến công phá hủy hàng chục xe quân sự, tàu quân sự chở vũ khí đạn dược chạy qua đường đèo, Đồn Nhất - Hải Vân Quan với vị trí hiểm yếu, độc đạo bị quân ta đánh sập là một chiến công hào hùng đi vào lịch sử trên dải đất miền Trung.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (giữa) cùng lãnh đạo UBND thành phố và các sở, ngành kiểm tra thực tế tại Di tích lịch sử Đồn Nhất - Hải Vân Quan. Ảnh: H.H
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (giữa) cùng lãnh đạo UBND thành phố và các sở, ngành kiểm tra thực tế tại Di tích lịch sử Đồn Nhất - Hải Vân Quan. Ảnh: H.H

Trong kháng chiến chống Pháp (1946-1954), đèo Hải Vân được mệnh danh là “mồ chôn giặc Pháp”. Ca dao kháng chiến có câu: “Hải Vân cao ngất tầng mây. Giặc đi đến đó bỏ thây không về”. Đồn Nhất là một cứ điểm lẻ nằm trên đỉnh Hải Vân Quan, một bên là núi cao, một bên là vực thẳm, địa hình hiểm trở, chỉ duy nhất có một con đường độc đạo chạy ngang qua. Dù quân số địch không đông nhưng bên trong đồn, các công sự, hầm lũy xây dựng từ thời chúa Nguyễn được thực dân Pháp củng cố, tu bổ thêm nên hết sức kiên cố. Người xưa đã từng coi đây là một cửa ải vô cùng hiểm yếu với “Một người cố thủ, trăm người khó qua”. Từ lâu nơi đây cũng là nơi an toàn chưa ai đụng tới nên kẻ địch càng chủ quan.

Tháng 9-1952, cùng với các chiến thắng giòn giã ở Túy Loan, Thượng Phước, Lệ Sơn làm khiếp sợ kẻ thù, để đánh lạc hướng địch, đồng thời gây tiếng vang làm xáo động hậu phương của chúng, Trung đoàn 803 được giao nhiệm vụ thọc sâu vào vùng địch ra hướng bắc Hòa Vang, trọng tâm là tiêu diệt Đồn Nhất trên đỉnh đèo Hải Vân.

Sau khi tiến hành trinh sát nắm vững địa hình và địch tình, Đại đội 6 hạ quyết tâm dù khó khăn đến đâu cũng phải hoàn thành nhiệm vụ. Trải qua nhiều ngày đêm trèo đèo, lội suối, băng rừng trong mưa gió, mang vác trên vai trang bị vũ khí nặng nề của một đơn vị công đồn, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 6 cùng du kích Hòa Vang xuyên rừng vượt dốc, tiếp cận đỉnh đèo. Đêm 25-9-1952, trời tối đen như mực, mưa tầm tã và mây mù bao phủ, quân ta vào đến hàng rào cuối cùng mà địch không hề hay biết. Bộc phá 20kg của ta phát nổ long trời lở đất, nhưng lô cốt địch quá dày nên không sập nổi.

Lúc này Tiểu đội trưởng Nguyễn Bá Dương nhanh trí bắc thang leo lên lô cốt, nhưng do thang ngắn, anh liền kê vai mình làm trụ để anh em trèo lên nhảy vào. Sau những phút kinh hoàng vì bất ngờ, địch ở bên trong bắn ra dữ dội. Nguyễn Bá Dương trúng đạn bị thương nặng, nhưng tay anh vẫn nắm chặt thang và hét lớn: “Mau lên, mau lên”…Đồng đội tiếp tục vượt qua vai anh tấn công vào lô cốt địch, Nguyễn Bá Dương ngã xuống…Thủ pháo nổ vang, địch chỉ còn biết chui vào các căn hầm cố thủ. Ta vừa đánh vừa gọi hàng. Không chịu nổi sức công phá của thủ pháo, chúng  giơ tay ra hàng, trong số hàng binh có hai tên quan Pháp.

Sau hai giờ chiến đấu quyết liệt, Đồn Nhất - một căn cứ vô cùng hiểm yếu, xem như an toàn nhất của địch đã bị quân ta tiêu diệt, thu 4 trọng liên 20 ly, nhiều tiểu liên, súng trường và quân trang quân dụng. Trong chiến công vẻ vang đánh thắng Đồn Nhất, đồng đội không ai quên được hình ảnh Nguyễn Bá Dương, người đảng viên xung kích, người chiến sĩ cảm tử lấy vai làm trụ cho đồng đội băng lên diệt thù. Đây cũng là một trong các chiến thắng quan trọng của Trung đoàn 803, Liên khu V góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đi đến thắng lợi.

Hội thảo 70 năm chiến thắng Đồn Nhất - Hải Vân Quan được tổ chức với sự phối hợp của nhiều cấp, nhiều ngành, với nhiều bài tham luận phong phú của các nhà nghiên cứu lịch sử chính là cơ sở làm rõ thêm thành tích của các tập thể, cá nhân đóng góp vào thắng lợi của trận đánh để đề nghị các cấp tôn vinh xứng đáng.

Từ đó, làm giàu thêm tư liệu về lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của quân dân cả nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các tầng lớp nhân dân và thế hệ trẻ hôm nay hiểu thêm về lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của quân dân Quảng Nam - Đà Nẵng.

Với vai trò làm tham mưu, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố cùng 11 sở, ngành toàn thành phố đã làm tốt công tác chuẩn bị chu đáo về mọi mặt để hội thảo diễn ra thành công và đạt yêu cầu, chất lượng.

Đại tá Đoàn Duy Tân, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố khẳng định: “Cùng với các hoạt động khánh thành bia di tích, dâng hương, viếng nghĩa trang, thăm tặng quà gia đình chính sách, hội thảo góp phần khơi dậy và tuyên truyền ý nghĩa của chiến thắng Đồn Nhất - Hải Vân Quan một cách hiệu quả nhất, là đợt sinh hoạt chính trị tinh thần sâu sắc thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, trân trọng quá khứ, hướng tới tương lai của thế hệ hôm nay”.

HỒNG HẠNH

;
;
.
.
.
.
.