Chính trị - Xã hội
Các lực lượng chủ động giúp dân tránh bão an toàn
Nhằm bảo đảm công tác phòng, chống và ứng phó hiệu quả với bão số 4 (Noru), Công an thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) thành phố, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố và các lực lượng vũ trang đóng chân trên địa bàn thành phố chủ động triển khai lực lượng đến các địa bàn xung yếu, trọng điểm để hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa, di chuyển thuyền, thúng về nơi an toàn và chuẩn bị các điều kiện, cơ sở vật chất để sơ tán dân trước khi bão đổ bộ...
Cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát cơ động, Công an thành phố tích cực giúp người dân quận Sơn Trà chằng chống nhà cửa. Ảnh: LÊ HÙNG |
Sẵn sàng các phương án
Từ chiều 25-9, công an các đơn vị, địa phương đã ra quân, hỗ trợ giúp người dân chằng chống nhà cửa, di chuyển tàu thuyền tại các khu vực xung yếu đến nơi an toàn. Đồng thời, tiến hành kiểm tra, rà soát các phương án phòng, chống bão, lũ và chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị, phao cứu sinh, xăng dầu, lương thực thực phẩm sẵn sàng tham gia phòng, chống và ứng cứu khi có bão đổ bộ. Hàng chục cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát cơ động (Công an thành phố) không quản ngại khó khăn, gian khổ hỗ trợ ngư dân đưa thuyền thúng vào nơi an toàn. Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) Công an thành phố tích cực vào cuộc hỗ trợ, giúp người dân.
Là địa phương ven biển nằm trong khu vực dự báo sẽ ảnh hưởng trực tiếp bởi cơn bão số 4 nên từ ngày 24-9, Công an quận Sơn Trà đã triển khai các biện pháp ứng phó. “Đơn vị chỉ đạo các đội nghiệp vụ, công an các phường thực hiện nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống thiên tai. Bên cạnh công tác bảo đảm an toàn tại âu thuyền Thọ Quang và các khu dân cư, Công an quận tổ chức các nơi trú ẩn tại nhiều trường học trên địa bàn và sẽ tiếp tục kiểm tra, rà soát, di dời hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm trước 9 giờ ngày 27-9”, Thượng tá Phan Minh Mẫn, Trưởng Công an quận Sơn Trà cho biết.
Tính đến ngày 26-9, Công an thành phố đã yêu cầu công an các đơn vị, địa phương tổ chức trực 100% quân số và túc trực 24/24 giờ, chủ động sẵn sàng phương tiện chuyên chở cán bộ, chiến sĩ tham gia thực hiện nhiệm vụ, nhất là phối hợp các đơn vị liên quan triển khai công tác sơ tán dân, hỗ trợ nhân dân; ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra.
Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an thành phố cho biết: “Công an thành phố chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương chủ động kiểm tra, bảo dưỡng, vận hành thử tất cả các phương tiện, trang thiết bị hiện có, bảo đảm 100% phương tiện, trang thiết bị hoạt động hiệu quả khi được huy động và sử dụng, nhất là cano, cưa, đèn pin các loại, máy nổ, xe và phương tiện chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn…
Ngoài ra, bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng xử lý các tình huống cháy nổ, tai nạn, sự cố xảy ra; triển khai nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; tăng cường tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông, không để các đối tượng lợi dụng tình hình bão lũ hoạt động phạm tội, vi phạm pháp luật”.
Chủ động hướng dẫn tàu thuyền tránh bão an toàn
Ngay trong chiều 25 và sáng 26-9, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) thành phố điều động hơn 300 lượt cán bộ, chiến sĩ đến các địa bàn xung yếu, địa bàn trọng điểm có nguy cơ sạt lở cao, giúp người dân phòng, chống bão. Đại tá Hồ Sĩ Hậu, Phó Chỉ huy trưởng, kiêm Tham mưu trưởng BĐBP thành phố cho biết: “Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố phối hợp các lực lượng triển khai chằng chống, cứu kéo các phương tiện và tổ chức lực lượng kiểm tra, đôn đốc các phương tiện du lịch, tàu thuyền hoạt động ven bờ biết để chủ động trong công tác phòng tránh. Các đơn vị huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đến các địa bàn trọng điểm, xung yếu, địa bàn có nguy cơ sạt lở cao để giúp bà con di chuyển đến nơi an toàn”.
Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố chỉ đạo đồn Biên phòng Hải Vân, đồn Biên phòng Sơn Trà tăng cường cán bộ, chiến sĩ kịp thời xuống giúp dân, đồng thời thành lập trung đội cơ động, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh.
Theo Thiếu tá Phạm Đình Tân, Trực ban tác chiến BĐBP thành phố, hiện thành phố có tổng số 1.230 phương tiện tàu, thuyền với 8.365 lao động. Trong đó, số phương tiện neo đậu tại bờ là 1.199 phương tiện/8.090 lao động, số phương tiện đang hoạt động trên biển 31 phương tiện/275 lao động.
“Tất cả các phương tiện hoạt động trên biển đều đã biết được vị trí, hướng di chuyển của bão để kịp thời tìm nơi trú tránh. BĐBP thành phố duy trì thông tin liên lạc với tàu thuyền đang ở trên biển; đồng thời chỉ đạo các đồn biên phòng cử lực lượng xuống các địa bàn, hướng dẫn các phương tiện về tránh bão và bố trí sắp xếp các phương tiện về neo đậu tránh bão tại âu thuyền Thọ Quang đúng quy định nhằm đảm bảo an toàn khi có gió mạnh”, Thiếu tá Phạm Đình Tân khẳng định.
Thượng tá Nguyễn Tấn Ý, Phó Chỉ huy trưởng, kiêm Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, cho biết đơn vị yêu cầu Ban Chỉ huy quân sự các quận ven biển tiếp tục phối hợp chặt chẽ các đồn biên phòng quản lý chặt chẽ và giữ thông tin liên lạc các tàu thuyền của ngư dân đang hoạt động trên biển, thông báo kịp thời cho các chủ phương tiện còn đang hoạt động trên biển để chủ động phòng tránh, không đi vào vùng nguy hiểm và tổ chức neo đậu cố định, hạn chế va đập để bảo đảm an toàn.
“Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố chủ động phối hợp các cơ quan chức năng và địa phương theo dõi, kiểm tra hệ thống hồ thủy lợi có nguy cơ mất an toàn để sẵn sàng phương án ứng phó hiệu quả. Khi có tình huống xảy ra, nhanh chóng hiệp đồng, triển khai lực lượng, phương tiện tham gia giúp nhân dân ứng phó, khắc phục hậu quả, phát huy cao nhất phương châm “4 tại chỗ” và bảo đảm an toàn khi tham gia thực hiện nhiệm vụ. Cùng với đó, hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị của bộ, Quân khu 5 đóng quân trên địa bàn sẵn sàng lực lượng, phương tiện, tổ chức giúp nhân dân, hỗ trợ chính quyền địa phương ứng phó với các tình huống xảy ra”, Thượng tá Nguyễn Tấn Ý khẳng định.
LÊ HÙNG - BÁ VĨNH