Chính trị - Xã hội

Đà Nẵng vượt qua đại dịch Covid-19, vững bước khôi phục phát triển kinh tế - xã hội

08:18, 16/09/2022 (GMT+7)

Hơn 2 năm trước, đại dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, ngày 1-4-2020, thực hiện cách ly toàn xã hội trên phạm vi toàn quốc trong vòng 15 ngày. Đợt cách ly đầu tiên đi qua chưa bao lâu thì xảy ra đợt dịch thứ hai mà Đà Nẵng là tâm điểm. Ngày 28-7-2020, thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố. Đầu tháng 1-2021, Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, ngày 5-1-2021, Thường trực Ban Bí thư có Công điện về tăng cường công tác phòng, chống Covid-19 và ngày 7-1-2021, Thành ủy Đà Nẵng đã có Công văn số 239-CV/TU chỉ đạo về công tác này.

Đến hết tháng 8-2022, kinh tế thành phố tiếp đà phục hồi nhanh ở hầu hết các ngành, lĩnh vực.TRONG ẢNH: Công nhân sản xuất tại Nhà máy UAC, Khu Công nghệ cao, huyện Hòa Vang. Ảnh: VĂN HOÀNG
Đến hết tháng 8-2022, kinh tế thành phố tiếp đà phục hồi nhanh ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. TRONG ẢNH: Công nhân sản xuất tại Nhà máy UAC, Khu Công nghệ cao, huyện Hòa Vang. Ảnh: VĂN HOÀNG

Linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả trong công tác phòng, chống đại dịch

Từ cách nhìn nhận, đánh giá mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, từ đó đặt vấn đề quyết liệt phòng, chống Covid-19 “chống dịch như chống giặc” của cả nước và thành phố Đà Nẵng, ngay từ đầu đã thể hiện rõ sự quyết đoán cần thiết và đúng mức. Quan điểm chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế trong ngắn hạn để bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho nhân dân; thực hiện nhiệm vụ kép “vừa phòng chống dịch vừa duy trì khôi phục phát triển kinh tế” đã thể hiện rõ sự ưu việt của chế độ. Các biện pháp ứng phó, xử lý tác động từ dịch bệnh, biến “nguy” thành “cơ” trên địa bàn cả nước đã thể hiện rõ cách nhìn nhận sáng suốt, chuẩn mực, đem lại kết quả đáng ghi nhận.

Đầu tháng 5-2021, lần thứ 4 Đà Nẵng đối mặt với đại dịch Covid-19. Với nỗ lực cao nhất, dưới sự chỉ đạo kịp thời, kiên quyết của lãnh đạo thành phố, sự phối hợp của các đơn vị chức năng, cùng sáng kiến xét nghiệm gộp, ngành y tế thần tốc truy vết, khoanh vùng, đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm trên diện rộng, tổ chức cách ly hiệu quả, Đà Nẵng từng bước khống chế đại dịch lây lan trong cộng đồng. Cam go nhất là đợt dịch thứ 5, bắt đầu từ tháng 7-2021.

Từ 16-8 đến 5-9-2021, Đà Nẵng quyết định thực hiện quy định “ai ở đâu thì ở đó” với các biện pháp cấp bách phòng, chống Covid-19, người dân tuân thủ triệt để quy định của thành phố. Dư luận xã hội cũng thể hiện sự đồng tình rất cao chủ trương này. Ai cũng thấu hiểu đây là sự lựa chọn phù hợp, nếu không thực hiện nghiêm ngặt việc giãn cách, thì không có cách nào ngăn chặn được đà lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng. Thái độ và cách thể hiện của người dân không chỉ là chấp hành, mà ở mức cao hơn, đó là sự đồng lòng với quyết sách của thành phố.

Sự đồng lòng ấy xuất phát từ các giải pháp hợp lý, từ các phương pháp cụ thể tổ chức chăm lo đời sống của người dân của các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng từ thành phố đến tận tổ dân phố. Thông tin về đời sống của người dân được tiếp nhận liên tục 24/24 giờ, những tồn tại, vướng mắc lớn nhỏ từ cơ sở đều được tiếp thu, xử lý; các tổ chức chính trị - xã hội tích cực động viên, khơi dậy tinh thần tương thân tương ái giúp nhau trong khó khăn, hoạn nạn.

Lãnh đạo thành phố quyết liệt triển khai các chỉ đạo của Trung ương, vận dụng linh hoạt và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với những biện pháp chống dịch mạnh nhất từ trước đến nay với mục tiêu “bảo vệ sức khỏe và an toàn tính mạng của người dân là trước hết, trên hết”. Thường trực Thành ủy duy trì họp giao ban Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch hằng ngày, chỉ đạo xử lý các vấn đề phát sinh, không để bị động, bất ngờ; linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả trong công tác phòng, chống đại dịch.

Kinh tế - xã hội phục hồi, phát triển mạnh mẽ

Hai năm 2020-2021, Đà Nẵng là địa phương chịu tất cả 5 đợt Covid-19, gây những ảnh hưởng hết sức nặng nề. Năm 2020, lần đầu tiên Đà Nẵng tăng trưởng âm 9,77%. Năm 2021, Covid-19 tiếp tục gây hậu quả lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh với hơn 2.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động, 623 doanh nghiệp giải thể. Bằng nỗ lực vượt bậc, Đà Nẵng gượng dậy với tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2021 tăng 0,18% so với năm 2020.

Bởi vậy mà Đà Nẵng rất cân nhắc xây dựng 3 kịch bản phát triển kinh tế năm 2022. Một là: nếu dịch bệnh được khống chế nhưng kinh tế trong nước và thế giới phục hồi chậm, dự kiến tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 đạt 4,9%. Hai là: nếu dịch bệnh được khống chế tốt, kinh tế đang trong quá trình phục hồi, GRDP Đà Nẵng dự kiến tăng 6,2%. Ba là: kinh tế cả nước phát triển trở lại bình thường, lượng khách du lịch có xu hướng tăng cao, GRDP Đà Nẵng năm 2022 dự kiến tăng 8,11%. Để thực hiện mục tiêu trên, Ban Thường vụ Thành ủy kịp thời ban hành nhiều chủ trương, biện pháp, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện quyết liệt chủ đề năm 2022 “Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”.

Trong quý 1-2022, tình hình Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, GRDP chỉ tăng 0,89%. Dù vậy, đã bắt đầu xuất hiện những gam màu sáng. Từ đầu tháng 4, thành phố đã kiểm soát hiệu quả Covid-19, kinh tế - xã hội có những chuyển biến tích cực, hoạt động du lịch phục hồi mạnh mẽ, thu ngân sách Nhà nước đạt gần 70% dự toán; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng hơn 20%… GRDP quý 2 tăng 12,3% so với cùng kỳ, theo đó, GRDP 6 tháng đầu năm 2022 ước tăng 7,23% so với cùng kỳ năm 2021.

Đến hết tháng 8-2022, kinh tế thành phố tiếp đà phục hồi nhanh ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 11.859 tỷ đồng, tăng 56,1% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt gần 2,4 triệu lượt, tăng 125,7% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 70.676 tỷ đồng, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm 2021; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 181 triệu USD, tăng 38,4% so với cùng kỳ 2021; lũy kế 8 tháng ước đạt 1.406,9 triệu USD, tăng 23,4%.

Hoạt động sản xuất công nghiệp thành phố trên đà phục hồi: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8-2022 ước tăng 59,6% so với cùng kỳ 2021; lũy kế 8 tháng đầu năm 2022, chỉ số IIP thành phố ước tăng 9,3%. Số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 40,7% so với cùng kỳ năm 2021. Về thu chi ngân sách, tính đến ngày 20-8, tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 16.650 tỷ đồng, tăng 21,1%; tổng chi ngân sách Nhà nước đạt 16.172 tỷ đồng, bằng 83% so với cùng kỳ năm 2021.

Đi qua vô vàn khó khăn trong hơn 2 năm do Covid-19 gây ra, với những quyết sách đúng đắn của lãnh đạo thành phố và sự đồng lòng, chung tay góp sức của người dân, với đà phát triển trong 8 tháng đầu năm 2022, chúng ta hy vọng GRDP Đà Nẵng năm 2022 sẽ đạt được kết quả tốt nhất như dự kiến.

NGUYỄN ĐỨC NAM

.