Chính trị - Xã hội
Phát huy tinh thần chiến thắng Đồn Nhất, xây dựng Đà Nẵng thành khu vực phòng thủ vững chắc, ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, quán triệt đường lối, chủ trương của Trung ương Đảng, dưới sự lãnh đạo của Liên Khu ủy, trực tiếp là sự chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh, quân và dân Quảng Nam - Đà Nẵng đã củng cố, giữ vững vùng tự do, phát triển phong trào du kích chiến tranh, tạo nên thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp. Lực lượng vũ trang (LLVT) đã phát huy vai trò nòng cốt trong phá thế kìm kẹp của địch, lập nên nhiều chiến công xuất sắc, trong đó có chiến thắng Đồn Nhất năm 1952. Trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, LLVT Đà Nẵng được Trung ương Đảng và Chính phủ biểu dương: “So sánh với toàn quốc, mặt trận Đà Nẵng được liệt vào hạng đánh mạnh nhất và dẻo dai nhất...” và tặng thưởng lá cờ “Giữ Vững”(1).
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng. |
Thành phố Đà Nẵng là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, quốc phòng, an ninh của khu vực miền Trung và cả nước; có nhiều mục tiêu quan trọng như: sân bay, nhà ga, cảng biển,… Thực dân Pháp xem Đà Nẵng là địa bàn chiến lược trọng yếu của Việt Nam và Đông Dương, tướng Christian de Castries đánh giá: “Trong dải đất nhỏ hẹp đó (tức miền Trung), thì “Tua-ran” (tức Đà Nẵng), rất đáng giá về quân sự. Đà Nẵng là hải cảng và là căn cứ hải quân và không quân quan trọng. Vì thế, Đà Nẵng là điểm giữa, điểm phòng thủ chiến lược, kiểm soát đường biển, đường bộ và đường hàng không của toàn miền Trung Đông Dương. Bản thân của “Tua-ran nhỏ” rất dễ bảo vệ và rất khó bị tấn công hoặc bị đánh chiếm, vì một phía là biển, hai phía là núi. Đèo Hải Vân và núi Sơn Trà là những cao điểm thiên nhiên quý giá bảo vệ cho Đà Nẵng”(2). Đồn Nhất án ngữ đỉnh đèo Hải Vân, nên cứ điểm quân sự này càng có vị trí trọng yếu.
Lực lượng địch chiếm giữ Đồn Nhất gồm 1 trung đội Âu - Phi tăng cường, trang bị 4 trọng liên 20mm, 15 trung liên, có tường cao bao quanh. Đêm 24 rạng ngày 25-9-1952, Đại đội 6, Tiểu đoàn 59, Trung đoàn 803 chủ lực cơ động của Liên khu 5 phối hợp cùng LLVT xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang thực hiện trận tập kích tiêu diệt địch ở Đồn Nhất. Đây là trận tập kích công đồn của 1 đại đội quân chủ lực của ta được tăng cường 1 trung đội, có sự phối hợp của LLVT địa phương, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhất là về vũ khí trang bị, thời gian chuẩn bị gấp rút, điều kiện thời tiết không thuận lợi… Với tinh thần, ý chí quyết tâm cao, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 6 cùng các lực lượng tăng cường, phối hợp đã khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Sau 2 giờ chiến đấu, ta tiêu diệt và bắt toàn bộ quân địch tại Đồn Nhất, thu nhiều súng và quân trang, quân dụng của địch.
Chiến thắng Đồn Nhất tạo điều kiện thuận lợi và để lại bài học quý cho Đà Nẵng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cũng như xây dựng LLVT hiện nay. Tinh thần chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ tham gia trận đánh, tiêu biểu là hình ảnh chiến đấu dũng cảm quên mình của Tiểu đội trưởng Nguyễn Bá Dương là tấm gương sáng cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 59 (Trung đoàn 803) nói riêng và lực lượng vũ trang Liên khu 5 nói chung.
Thắng lợi của trận đánh đã mở ra một cách đánh mới, hiệu quả trong điều kiện địa hình rừng núi hiểm trở, hệ thống công sự trận địa của địch kiên cố. Đó là kết quả của sự kết hợp giữa hoạt động quân sự và hoạt động chính trị, giữa tác chiến của bộ đội chủ lực với LLVT địa phương. Chiến thắng đó là minh chứng sống động tính đúng đắn về chủ trương của Đảng trong chỉ đạo Liên khu 5 chống thực dân Pháp: Tổng động viên nhân, vật, tài lực một cách kiên quyết và triệt để; đẩy mạnh phong trào nhân dân du kích chiến tranh lên cao độ, làm cho địch hao tổn thật nhiều về mọi mặt quân sự, chính trị, kinh tế, đưa đến một cuộc khủng hoảng trong hàng ngũ địch. Đây là bài học quý để cấp ủy, chính quyền, nhân dân và LLVT Đà Nẵng phát huy, vận dụng trong xây dựng thành phố thành khu vực phòng thủ (KVPT) vững chắc, ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (thứ 4, từ trái sang) kiểm tra công tác chuẩn bị hội thảo khoa học “Chiến thắng Đồn Nhất – Hải Vân Quan” (25-9-1952 – 25-9-2022): Dấu ấn lịch sử, kinh nghiệm về xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân” diễn ra sáng nay (23-9). Ảnh: NGỌC PHÚ |
Kế thừa và phát huy ý nghĩa của chiến thắng Đồn Nhất, quân và dân Đà Nẵng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là sau 26 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và LLVT thành phố Đà Nẵng thực hiện nhiệm vụ củng cố quốc phòng - an ninh vững chẳc, tạo ổn định để phát triển kinh tế - xã hội.
Để đạt được kết quả đó, thành phố thực hiện có hiệu quả những vấn đề lớn, mang tính đột phá, đặc biệt đã triển khai tốt công tác quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch, đề ra nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn, hợp lòng dân; huy động được sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, tranh thủ được các nguồn lực bên ngoài để đầu tư phát triển kinh tế, du lịch phát triển toàn diện, đạt được tốc độ tăng trưởng khá; kết cấu hạ tầng đô thị được đầu tư đồng bộ, diện mạo đô thị phát triển theo hướng văn minh, hiện đại.
Tuy nhiên, tình hình trật tự an toàn xã hội, hoạt động tội phạm còn có những diễn biến phức tạp; các thế lực thù địch, phản động, cơ hội bất mãn lợi dụng những vấn đề bất cập trong xã hội, những hạn chế của các cấp ủy, chính quyền ở một số thời điểm để xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước ta; kêu gọi, kích động, lôi kéo người dân tập trung đông người, khiếu kiện; mặt trái cơ chế thị trường, tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp; những thiếu sót, khuyết điểm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của thành phố được chỉ ra qua thanh tra, kiểm tra… Những vấn đề trên ảnh hưởng đến kết quả lãnh đạo, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng lực lượng, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân.
Trước yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Đà Nẵng thành KVPT vững chắc, ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố lãnh đạo, chỉ đạo tập trung xây dựng tiềm lực chính trị, tư tưởng, kinh tế, xã hội và chuẩn bị các mặt để động viên quốc phòng của KVPT; xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh toàn diện; thực hiện tốt công tác đối ngoại nhân dân. Chủ động kiện toàn tổ chức biên chế LLVT theo hướng “tinh, gọn, mạnh, cân đối, đồng bộ”, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng lực lượng; xây dựng các chi bộ, đảng bộ quân sự, biên phòng, công an trong sạch vững mạnh; tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu của các LLVT, bảo đảm thực sự là công cụ bạo lực sắc bén, chỗ dựa vững chắc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố.
Lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức biên chế đối với LLVT theo đúng qui định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, công tác tuyển quân luôn hoàn thành chỉ tiêu, chất lượng. Thường xuyên chăm lo xây dựng lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ có cơ cấu, thành phần hợp lý, chất lượng cao, vững mạnh về chính trị. Đến nay, lực lượng dự bị động viên đã xếp vào các đơn vị đạt trên 95% biên chế. Tổ chức xây dựng lực lượng dân quân tự vệ “vững mạnh, rộng khắp” có quy mô, số lượng hợp lý, phù hợp với địa phương, cơ quan, tổ chức, chất lượng chính trị ngày càng được nâng lên, tỷ lệ đảng viên đạt trên 24%; 100% cán bộ ban chỉ huy quân sự cấp xã có trình độ từ trung cấp chuyên nghiệp quân sự cơ sở trở lên. Duy trì thường xuyên, hiệu quả hoạt động của lực lượng dân quân thường trực ở các cấp xã (phường), huyện (quận) và lực lượng dân quân biển. Tiếp tục xây dựng, duy trì hiệu quả hoạt động của Hải đội dân quân thường trực theo Đề án số 10609/ĐA-BQP ngày 24-9-2018 của Bộ Quốc phòng về “Xây dựng Hải đội dân quân thường trực tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới”.
Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ cơ quan quân sự, công an, biên phòng các cấp, nâng cao năng lực làm tham mưu và tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng, hoạt động của KVPT, duy trì nghiêm các chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, diễn tập, không ngừng nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật, nghiệp vụ, khả năng phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng trong quản lý, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới biển và xử lý có hiệu quả các tình huống có thể xảy ra.
Công tác hậu phương quân đội và thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng luôn được quan tâm đúng mức. Tập trung giải quyết tốt các tồn đọng sau chiến tranh theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ; đề nghị Nhà nước phong và truy tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, tặng thưởng huân, huy chương cho các đối tượng, giải quyết chế độ trợ cấp cho liệt sĩ, thương binh, phụng dưỡng Bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Đến nay 100% gia đình chính sách có mức sống từ trung bình trở lên so với dân cư nơi cư trú. Chăm lo giải quyết việc làm cho quân nhân xuất ngũ; thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên, cán bộ quân đội nghỉ hưu, sĩ quan dự bị, hạ sĩ quan - binh sĩ xuất ngũ, góp phần xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, tạo cơ sở chính trị vững mạnh.
Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang Đà Nẵng quyết tâm xây dựng thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc, ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Ảnh: XUÂN TƯ |
Trước yêu cầu, nội dung xây dựng KVPT vững chắc, giữ vững quốc phòng, an ninh hiện nay; trên cơ sở Nghị quyết 33-NQ/TW, ngày 16-10-2003 của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, nghị quyết các kỳ đại hội của Đảng bộ thành phố và chiến lược phát triển kinh tế, xã hội đã được Chính phủ phê duyệt: “Xây dựng Đà Nẵng trở thành một đô thị lớn của cả nước, trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ của miền Trung; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của khu vực miền Trung và cả nước”, cấp ủy, chính quyền thành phố đã tích cực triển khai các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế gắn với xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn thế trận an ninh nhân dân và biên phòng toàn dân. Xây dựng quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng kết hợp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố; quy hoạch thế trận quân sự KVPT và hệ thống các công trình kinh tế - xã hội có tính lưỡng dụng.
Cấp ủy, chính quyền thành phố đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng thế trận KVPT vững chắc. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, các sở, ban, ngành đã triển khai nhiều biện pháp thiết thực đồng bộ để phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong kết hợp giữa kinh tế - xã hội với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế - xã hội. Việc quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, các công trình giao thông vận tải, sân bay, bến cảng, bưu chính viễn thông, đầu tư phát triển du lịch… luôn gắn với xây dựng thế trận quốc phòng ngay từ khâu quy hoạch.
Các dự án phát triển kinh tế - xã hội đều được triển khai thực hiện đúng quy định. Các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp được hình thành và phát triển đều có dự tính các phương án sẵn sàng huy động, chuyển đổi mục đích, công năng phục vụ cho mục đích quốc phòng khi có chiến tranh; các ngành nông, lâm, ngư nghiệp, nuôi trồng thủy, hải sản, đánh bắt xa bờ được đầu tư xây dựng phát triển từng bước đồng bộ… góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ nhu cầu dân sinh, bảo đảm tăng cường khả năng quốc phòng, an ninh và xây dựng KVPT trên địa bàn thành phố.
Tự hào với chiến thắng Đồn Nhất, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng luôn phát huy truyền thống trung dũng, kiên cường đã được các thế hệ đi trước dày công vun đắp, không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, vươn lên bằng ý chí và khát vọng phát triển; tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Trung ương, sự hợp tác, giúp đỡ của các địa phương bạn, dốc toàn lực, toàn tâm, toàn ý vào công cuộc xây dựng, phát triển thành phố.
Đến nay, quy mô và trình độ nền kinh tế của Đà Nẵng thuộc nhóm phát triển của Việt Nam, kinh tế tăng trưởng nhanh, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 1997 - 2021 đạt khoảng 9%/năm, GRDP bình quân đầu người gấp hơn 15 lần so với năm 1997; các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, hàm lượng công nghệ cao được chú trọng phát triển. Diện mạo đô thị thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại với nhiều dự án mang tính động lực, trọng điểm, quy mô lớn, hiện đại được đầu tư, đưa vào sử dụng. Không gian đô thị được mở rộng gấp hơn 3,5 lần so với thời điểm năm 1997. Môi trường đầu tư được đánh giá năng động và thông thoáng; luôn thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính, chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng thành phố thông minh và chuyển đổi số.
Nhiều chính sách an sinh xã hội thiết thực, mang đậm tính nhân văn, mang “thương hiệu” Đà Nẵng (như Chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, “4 an”(3)) đã nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng (Đảng bộ thành phố hiện có 16 đảng bộ trực thuộc, 537 tổ chức cơ sở đảng, 3.029 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở và có 61.554 đảng viên, tăng gấp 3 lần so với số lượng đảng viên năm 1997). Đội ngũ cán bộ trưởng thành về nhiều mặt, có ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ và phục vụ nhân dân. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, là điểm đến tin cậy của bạn bè trong nước và quốc tế. Uy tín và vị thế của thành phố ngày càng được khẳng định.
Ngày 24-1-2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW “Về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết khẳng định Đà Nẵng giữ vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh của khu vực và cả nước; đặt ra mục tiêu: “Đến năm 2045, xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á”, với tốc độ tăng bình quân GRDP giai đoạn 2021 - 2030 trên 12%, GRDP bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 8.700 USD. Tiếp đó, Quốc hội, Chính phủ ban hành nhiều nghị quyết, nghị định, quyết định về phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng, tạo điều kiện, động lực mới cho Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và LLVT thành phố phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu xây dựng thành phố thành KVPT vững chắc, ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, hướng đến đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh và đáng sống.
Chiến thắng Đồn Nhất ngày 25-9-1952 không phải là sự kiện lớn trong chặng đường đấu tranh giải phóng dưới sự lãnh đạo của Đảng, của quân và dân Đà Nẵng, nhưng đã để lại dấu ấn về ý chí tiến công, tinh thần khắc phục khó khăn của lực lượng được giao nhiệm vụ, biểu hiện cao độ truyền thống “trung dũng, kiên cường”, quyết tâm chiến đấu hy sinh vì đất nước. Phát huy tinh thần chiến thắng Đồn Nhất, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và LLVT Đà Nẵng quyết tâm xây dựng thành phố thành KVPT vững chắc, ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, thực sự là trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội khu vực miền Trung và Tây Nguyên như Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị đã xác định.
NGUYỄN VĂN QUẢNG,
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy
1. Tỉnh ủy Quảng Nam - Thành ủy Đà Nẵng, Lịch sử Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng (1930 - 1975), Nxb CTQG, H, 2006, tr.242.
2. Dẫn theo: Lê Mạnh Thái, Hỏi chuyện tướng Đờ Cát, Nxb Thanh Niên, H, 2000, tr.164.
3. 5 không: “Không có hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy, không có giết người cướp của”; 4 an “An ninh trật tự, An toàn giao thông, An toàn vệ sinh thực phẩm, An sinh xã hội” 3 có:” Có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa văn minh đô thị”.