Chính trị - Xã hội

Những ngày đi chợ giúp dân

08:39, 17/09/2022 (GMT+7)

Nhằm bảo đảm lương thực, thực phẩm cho người dân trong những ngày cao điểm phòng, chống Covid-19, lực lượng phụ nữ, công an thành phố đã triển khai các mô hình hay, ý nghĩa, ghi dấu ấn riêng...

Cán bộ, chiến sĩ Công an thành phố phân loại hàng hóa tại Thành Đoàn, sau đó chuyển đến 30 “chợ container” để phân phối cho Ban điều hành tổ dân phố. Ảnh: NGỌC QUỐC
Cán bộ, chiến sĩ Công an thành phố phân loại hàng hóa tại Thành Đoàn, sau đó chuyển đến 30 “chợ container” để phân phối cho Ban điều hành tổ dân phố. Ảnh: NGỌC QUỐC

Đồng lòng, sẻ chia

Với bà Nguyễn Thị Ánh Bích, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Núi Cùng 2, phường Chính Gián (quận Thanh Khê), những ngày “đi chợ giúp dân” không thể nào quên. Khi ấy, các tình nguyện viên phối hợp với tổ dân phố thông báo về việc mua hàng hóa kèm theo số điện thoại của người được phân công đi chợ giúp đến các hộ dân, người dân có nhu cầu chỉ cần gọi điện thoại hoặc nhắn tin.

Các đơn hàng được lên đơn và chốt từ 17 giờ hôm trước để sáng hôm sau các tình nguyện viên đi chợ sớm, bảo đảm mua được thực phẩm tươi ngon. Mua hàng xong, các chị ghi rõ tên từng hộ dân và kẹp hóa đơn cẩn thận kèm từng túi hàng, giao cho tổ dân phố chuyển đến tận nhà hoặc qua các chốt kiếm soát phòng, chống dịch. Ưu tiên các hộ gia đình có người già yếu, trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh...

“Những ngày đó, nhóm zalo của ban điều hành phòng, chống dịch khu dân cư hoạt động liên tục. Do hàng hóa khan hiếm nên chúng tôi kiếm được nguồn thực phẩm nào là ngay lập tức thông báo cho bà con. Mỗi ngày, thành viên ban điều hành từ 5 giờ sáng đi chợ giúp người dân trong khu dân cư; cùng tổ dân phố nhận rau, củ, quả từ UBND phường về phát cho người dân. Chính giai đoạn khó khăn đó, tôi cảm nhận được sự đồng lòng, sẻ chia của người dân toàn thành phố; tình làng nghĩa xóm càng gắn kết hơn”, chị Bích chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Thanh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) quận Liên Chiểu cho hay, trong giai đoạn thành phố thực hiện giãn cách, các hội viên phụ nữ không ngại gian khó, tham gia mô hình “Đi chợ giúp dân”.

Ngoài ra, với đặc thù trên địa bàn quận có sinh viên Lào ở tại ký túc xá Trường Đại học (ĐH) Sư phạm, ĐH Đà Nẵng và Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng, Hội LHPN quận Liên Chiểu đã đi chợ giúp cho các em, hỗ trợ nhu yếu phẩm, tạo sự yên tâm cho các du học sinh Lào trong những ngày giãn cách.

Bên cạnh đó, Hội LHPN quận đã tổ chức 2 điểm cung ứng thịt heo để kịp thời cung cấp cho nhân dân; phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam quận và các đoàn thể quận tổ chức 3 phiên chợ “Nghĩa tình lưu động” kịp thời hỗ trợ người dân gặp khó khăn...

Bà Nguyễn Thị Huyền, Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố cho biết, nhận thấy nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân khá cao, Hội LHPN thành phố đã phát động và triển khai mô hình “đi chợ giúp dân” ở các cấp hội.

Theo đó, hội đã chỉ đạo mỗi chi hội phụ nữ vận động bảo đảm mỗi tổ dân phố có tối đa 2 tình nguyện viên là cán bộ hội, hội viên phụ nữ, nữ đoàn viên thanh niên, nữ công chức viên chức (đang thực hiện giãn cách tại nhà) tham gia hỗ trợ người dân đi chợ mua lương thực, thực phẩm tại các khu dân cư.

“Có thể khẳng định, mô hình “Đi chợ giúp dân” trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đã mang ý nghĩa thiết thực, giúp người dân vững tin và an tâm thực hiện giãn cách đồng lòng cùng chính quyền đẩy lùi dịch bệnh Covid-19”, bà Nguyễn Thị Huyền chia sẻ.

30 container cung ứng hàng hóa

Trong giai đoạn thực hiện “ai ở đâu thì ở đó”, cung ứng hàng hóa đến người dân rất khó khăn. Giám đốc Công an thành phố kịp thời ban hành phương án  triển khai 30 container cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm.

Tròn 1 năm kể từ khi thực hiện phương án trên, Đại úy Nguyễn Thị Lệ Huyền, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an thành phố vẫn không quên những kỷ niệm đặc biệt trong 8 ngày thực hiện nhiệm vụ cung ứng hàng hóa cho nhân dân.

Đại úy Nguyễn Thị Lệ Huyền cho biết, ngay sau khi Giám đốc Công an thành phố triển khai phương án, Hội Phụ nữ Công an thành phố đã huy động 100 lượt hội viên phụ nữ tham gia phân phối, bán hàng, tính tiền tại các điểm đặt container. Có không ít hội viên sau khi hoàn thành đợt tăng cường bám chốt phòng, chống dịch lại tiếp tục xung phong tham gia nhiệm vụ cung ứng hàng hóa.

Đặc biệt, với đặc điểm hằng ngày thường xuyên làm các công việc chuyên môn của ngành công an, vì vậy, các hội viên phụ nữ đã gặp không ít khó khăn khi tiếp cận với việc bán và tính tiền hàng hóa.

“Thời gian đầu, với số lượng đơn hàng rất lớn từ người dân đặt qua tổ dân phố, các thành viên trong tổ cung ứng phải thay nhau thức khuya, dậy sớm tiếp nhận, phân chia hàng để ngay hôm sau phải kịp thời có đầy đủ để chuyển cho bà con. Làm công việc trái ngành, trái nghề chị em vất vả lắm. Tuy nhiên, vượt lên mọi khó khăn, chúng tôi cùng động viên nhau, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Dần dà, khi bắt đầu quen việc, chúng tôi thấy vui vì gần gũi dân hơn. Đồng thời, người dân cũng đồng cảm, chia sẻ và động viên chúng tôi rất nhiều”, Đại úy Nguyễn Thị Lệ Huyền chia sẻ.

Bên cạnh hoạt động tích cực của hội viên phụ nữ và công an các địa phương, lực lượng đoàn viên thanh niên Công an thành phố là thành phần quan trọng trong quá trình cung ứng hàng hóa thiết yếu. Bí thư Đoàn Công an thành phố Hồ Đình Trí cho biết, 200 lượt đoàn viên, thanh niên được huy động thực hiện nhiệm vụ tại 30 điểm đặt container và 1 điểm tập trung phân phối hàng hóa tại Thành Đoàn.

Tại địa điểm Thành Đoàn, đoàn viên, thanh niên thức dậy từ sáng sớm để bốc hàng hóa từ các xe hàng trung chuyển, sau đó, phân loại hàng hóa để di chuyển đến các điểm bán hàng. Ở các điểm cung ứng, lực lượng Công an phối hợp nhận đơn, cấp phát, tính tiền hàng hóa, sau đó bàn giao cho ban điều hành tổ dân phố và Cảnh sát khu vực trực tiếp giao đến tay người dân.

Ông Nguyễn Phước Thể (Tổ trưởng Tổ dân phố 91, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) cho biết, thời điểm ấy ông cùng các thành viên trong Ban điều hành tổ dân phố đều đặn hằng ngày di chuyển đến khu vực đặt container cung ứng hàng hóa trước sân vận động Hòa Xuân để mua nhu yếu phẩm giúp dân.

“Khi các nguồn thực phẩm được người dân dự trữ đã vơi dần trong thời điểm “ai ở đâu ở đó”, việc Công an thành phố triển khai các điểm cung ứng hàng hóa với giá cả bình ổn là rất kịp thời, hiệu quả. Giá cả các mặt hàng đã được bình ổn, niêm yết nên người dân rất yên tâm, tin tưởng”, ông Nguyễn Phước Thể chia sẻ.

Theo đánh giá của Ban Giám đốc Công an thành phố, phương án cung ứng thực phẩm, hàng hóa phục vụ cho người dân là sáng tạo kịp thời, được triển khai nhanh chóng, góp phần giải quyết nhu cầu thiết yếu của người dân trong thời điểm cách ly xã hội.  Có thể thấy, sự vào cuộc kịp thời với quyết tâm cao của các lực lượng đã góp phần bảo đảm công tác an sinh cho người dân trong thời điểm thành phố cao điểm phòng, chống dịch trong năm 2021.

NGỌC HÀ - NGỌC QUỐC

.