Phát huy tinh thần chiến thắng Đồn Nhất - Hải Vân Quan trong giai đoạn cách mạng mới

.

ĐNO - Hội thảo khoa học "70 năm chiến thắng Đồn Nhất - Hải Vân Quan" (25-9-1952 - 25-9-2022) - Dấu ấn lịch sử, kinh nghiệm về xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân" do Thành ủy Đà Nẵng, Viện Lịch sử Quân sự (Bộ Quốc phòng) và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 phối hợp tổ chức vào sáng 23-9 đã làm rõ giá trị của chiến thắng Đồn Nhất - Hải Vân Quan và nêu lên những bài học kinh nghiệm phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. 

lãnh đạo thành phố cùng các chiễn sỹ của tiểu đoàn 59 chuoj ảnh lưu niệm với Chủ tịch nước nguyễn xuân phúc
Lãnh đạo thành phố cùng các cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 59 chụp ảnh lưu niệm cùng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: NGỌC PHÚ

* Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, con trai của Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 59 - Nguyễn Lựu: Cuộc chiến đấu táo bạo, sáng tạo, rất dũng cảm

Chánh án Tòa án Tối cao Nguyễn Hòa Bình – con trai của Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 59 Nguyễn Lự phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NGỌC PHÚ
Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NGỌC PHÚ

Hội thảo khoa học “70 năm Chiến thắng Đồn Nhất - Hải Vân quan” đã quy tụ được các nhà nghiên cứu lịch sử tên tuổi, có uy tín của quốc gia và của quân đội, những tướng lĩnh, sĩ quan quân đội có nhiều năm công tác, chiến đấu tại miền Trung, Tây Nguyên, rất am hiểu về chiến trường liên khu 5 ác liệt và anh hùng. Đặc biệt, hội thảo đã mời được các chiến sĩ Tiểu đoàn 59 tham dự như là những nhân chứng sống của cuộc kháng chiến chống Pháp gian lao, những người đã làm nên lịch sử với nhiều chiến công hiển hách.

Các báo cáo khoa học trình bày tại hội thảo được nghiên cứu công phu, nghiêm túc, đã mô tả trận đánh Đồn Nhất, cuộc chiến đấu táo bạo, sáng tạo, dũng cảm của các chiến sĩ Tiểu đoàn 59; ý nghĩa lịch sử của trận tiêu diệt đồn địch đầu tiên tại chiến trường Liên khu 5 và những bài học kinh nghiệm công đồn của trận đánh đã được phổ biến trong toàn quân.

Chúng tôi tự hào được sinh trưởng trong gia đình có truyền thống cách mạng; là con, cháu của tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 59 can trường ấy - ông Nguyễn Lựu. Tôi sinh ra trong những năm tháng chiến tranh ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, được cha đặt tên và gửi gắm trong đó khát vọng Hòa Bình cho đất nước, quê hương. “Gia đình chúng tôi trân trọng cám ơn các chú, đồng đội của ba tôi đã viết, đã kể về Tiểu đoàn 59 và tiểu đoàn trưởng của mình với niềm tự hào và lòng mến mộ. 

* Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết: Phát huy giá trị Đồn Nhất gắn kết chặt chẽ với việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết phát biểu tham luận tại hội thảo. Ảnh: NGỌC PHÚ
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết phát biểu tham luận tại hội thảo. Ảnh: NGỌC PHÚ

Đồn Nhất là một bộ phận không thể tách rời của di tích cấp quốc gia Hải Vân Quan, tọa lạc trên đỉnh đèo Hải Vân, thuộc địa phận quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng và huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là một di tích lịch sử - văn hóa mang nhiều giá trị, tiêu biểu về lịch sử, quân sự và giá trị cảnh quan. Do đó cần tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị Đồn Nhất gắn kết chặt chẽ với việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan.

Theo thời gian, cùng với tiến trình phát triển lịch sử, Hải Vân Quan đã từng chứng kiến những chiến tích oai hùng trong công cuộc giữ nước của dân tộc. Năm 1947, nơi đây đã ghi dấu chiến công của Trung đoàn 108 Vệ quốc quân khi tiêu diệt Trung đoàn cơ giới Pháp tại chân cầu Roger ở phía Bắc đèo Hải Vân.

Trong chiến dịch Hè Thu năm 1952, vào 1 giờ 30 phút ngày 25-9, Đại đội 6 của Tiểu đoàn 59, Trung đoàn 803, bộ đội chủ lực Liên khu 5 mở cuộc tiến công tiêu diệt và bắt sống một số tên trong Trung đội lính Âu - Phi của Pháp trấn giữ Đồn Nhất. Trong trận chiến mùa xuân Mậu Thân 1968, Tiểu đoàn đặc công 87 của ta đã tập kích tiêu diệt toàn bộ Tiểu đoàn Hock của đế quốc Mỹ án ngữ tại đèo Hải Vân.

Không chỉ có giá trị về mặt lịch sử, Hải Vân Quan còn được mệnh danh là “thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Từ xưa đến nay, đèo Hải Vân nói chung và Hải Vân Quan nói riêng luôn có sức hấp dẫn kì lạ đối với du khách thập phương. Hiện nay, du lịch văn hóa đang chiếm một tỷ trọng khá lớn trong nền kinh tế du lịch, trong đó di sản văn hóa được xem như là một trong những tiền đề và yếu tố thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. 

Di sản văn hóa nếu được đặt vào đúng vị trí sẽ phát huy được tối đa giá trị trong ngành kinh tế du lịch. Khai thác di tích để phát triển du lịch không những đem lại các lợi ích kinh tế - xã hội, mà còn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích, tạo nên sự phát triển bền vững. Tiềm năng và giá trị của Đồn Nhất - Hải Vân Quan đã được khẳng định, tuy nhiên để khai thác hiệu quả và bền vững, không gây tổn hại đến di tích và môi trường sinh thái tại Hải Vân Quan là vấn đề cần được cân nhắc thận trọng. 

Cần có sự phối hợp chặt chẽ, cùng chia sẻ lợi ích và hướng đến phát triển bền vững. Việc bảo tồn, phục hồi và tôn tạo di tích Hải Vân Quan trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Chúng ta có quyền tin và hy vọng rằng, trong tương lai, Hải Vân Quan sẽ trở thành một điểm du lịch hấp dẫn, một điểm dừng chân thú vị khi đến với thành phố Đà Nẵng hiện đại và năng động. 

* Giáo sư, TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: Trận đánh Đồn Nhất đã để lại nhiều kinh nghiệm trong đánh công kiên, tiêu diệt địch trong lô cốt

Giáo sư TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phát biểu tham luận tại hội thảo. Ảnh: TRỌNG HÙNG
Giáo sư TSKH Vũ Minh Giang phát biểu tham luận tại hội thảo. Ảnh: TRỌNG HÙNG

Phát huy truyền thống “Trung dũng, kiên cường”, chỉ sau hai năm thành lập, Tiểu đoàn 59 đã thể hiện vai trò đơn vị chủ lực cơ động trên chiến trường, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của đồng bào, chiến sĩ Nam Trung Bộ.

Trong đó, chiến thắng Lệ Sơn của Tiểu đoàn 59 đã góp phần kết thúc thắng lợi chiến dịch Hè Thu 1952. Tuy vậy, thực hiện mệnh lệnh của chỉ huy Trung đoàn 803, Tiểu đoàn đã tạm quên niềm vui chiến thắng, lên đường làm nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm Đồn Nhất. Đúng 1 giờ 30 ngày 25-9-1952, tiếng nổ khối bộc phá 20kg vang dội núi rừng, nhưng không đủ sức phá vỡ bức tường dày 1m.

Từ trong đồn, lợi dụng điểm cao địch bắn trả mãnh liệt. Trước tình thế vô cùng khó khăn, chỉ huy Tiểu đoàn lệnh cho các hỏa lực chế áp mạnh vào lô cốt, vào các hỏa điểm, đồng thời điều động thang để leo lên đánh thủ pháo, lựu đạn; nhưng lô cốt quá cao, nối hai thang vẫn không lên tới đỉnh. Rất nhanh chóng Tiểu đội trưởng Nguyễn Bá Dương đã dùng sức hai cánh tay nâng tăng chiều cao cho thang, để đồng đội leo lên vai mình rồi trèo lên thang để đánh thủ pháo, lựu đạn vào lô cốt từ trên xuống.

Lô cốt của Đồn Nhất bị tiêu diệt, tạo điều kiện cho các tổ xung kích lao vào diệt đồn. Tiểu đội trưởng Nguyễn Bá Dương trúng đạn, anh dũng hy sinh. Sau 2 giờ chiến đấu kiên cường, Đại đội 6 và trung đội tăng cường đã diệt cứ điểm Đồn Nhất, bắt tên quan Hai đồn trưởng người Pháp và tên xạ thủ súng trọng liên 20 ly, thu 3 khẩu trọng liên 20 ly, 11 khẩu trung liên, 10 khẩu súng ngắn và các quân trang quân dụng khác.

Thắng lợi trận đánh Đồn Nhất đã ghi thêm chiến công của Tiểu đoàn 59 trong chiến dịch Hè Thu 1952, để lại nhiều kinh nghiệm trong đánh công kiên, tiêu diệt địch trong lô cốt, có công sự vững chắc, góp phần tô thắm thêm truyền thống “Trung dũng, kiên cường” mà tiểu đội trưởng Nguyễn Bá Dương là tấm gương điển hình, chấp nhận hy sinh vì non sông đất nước, tiếp thêm sức chiến đấu, ý chí tiến công cho cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 59 giành những thắng lợi to lớn hơn trên chiến trường Nam Trung Bộ, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Bài học của Tiểu đoàn 59 cần được tiếp tục vận dụng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên địa bàn Nam Trung Bộ còn nhiều khó khăn. Đó là chấp nhận mọi thử thách, tìm ra hướng đi thích hợp, phát huy lợi thế, tiềm năng để củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội góp phần đưa hiện thực khát vọng đưa đất nước đến hùng cường.

* Ông Nguyễn Kháng, Trưởng ban liên lạc Cựu chiến binh Tiểu đoàn 59: Tiểu đoàn 59 là gia đình lớn của chúng tôi

Ông Nguyễn Kháng, Trưởng ban liên lạc Cựu chiến binh Tiểu đoàn 59 phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NGỌC PHÚ
Ông Nguyễn Kháng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NGỌC PHÚ

Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Tiểu đoàn 59 là gia đình lớn của chúng tôi, anh em chiến sĩ tình thân như ruột thịt trong gia đình. Đặc biệt, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu là người chỉ huy tài giỏi, mẫu mực, dũng cảm, oai hùng cùng chúng tôi xông pha chiến đấu khắp dải đất Liên khu 5 và Tây Nguyên.

Đã hơn 70 năm trôi qua, những người lính của Tiểu đoàn 59 đến nay không còn nhiều, sức khỏe mai một nhưng ký ức về những tháng ngày hành quân đánh giặc vẫn nguyên vẹn trong tâm trí.

Cũng sau 70 năm, chiến thắng Đồn Nhất - Hải Vân Quan đã được vinh danh xứng đáng với ý nghĩa là trận đánh công đôn đầu tiên của bộ đội chủ lực liên khu 5 và cũng là mốc son đánh dấu sự trưởng thành của lực lượng vũ trang Liên khu 5.

Tôi tự hào là người lính Cụ Hồ của Tiểu đoàn 59, được đào luyện dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu. Đi qua hai cuộc chiến tranh, hôm nay được sống bình yên, hạnh phúc là may mắn hơn rất nhiều đồng đội đã không thể trở về.

TRỌNG HÙNG - NGỌC PHÚ 

;
;
.
.
.
.
.