Chính trị - Xã hội
Để cách mạng thắng lợi phải bám sát dân
55 năm qua, trong ký ức của những người tham gia công tác tại các đơn vị thuộc Đặc Khu ủy Quảng Đà ngày ấy vẫn còn hiện rõ cuộc kháng chiến chống Mỹ đầy gian khổ, thử thách, cam go, ác liệt nhưng cũng hết sức hào hùng của quân và dân Đặc khu Quảng Đà. Với họ, để cách mạng đi đến đích thắng lợi cuối cùng, nguyên tắc bám dân có ý nghĩa hết sức quan trọng, có tính quyết định.
* Ông Đoàn Văn Lộc, nguyên Đặc Khu ủy viên Quảng Đà: Quyết tâm bảo vệ cơ quan đầu não của Đặc khu
Ông Đoàn Văn Lộc, nguyên Phó Trưởng ban Nội chính Thành ủy. Ảnh: T. HUY |
Tháng 8-1971, tôi tham gia Đặc Khu ủy viên Quảng Đà, được phân công làm Phó Bí thư, Chính trị viên Huyện đội Duy Xuyên, đến tháng 2-1973 bị thương, ra Bắc điều trị. Từ cuối năm 1967 đến 1968, lính Mỹ tăng cường canh gác ngày đêm trên các tuyến hành lang đi lại của ta. Thường vụ Đặc Khu ủy chỉ thị cho các đảng bộ kịp thời làm tốt công tác tư tưởng, quyết tâm đánh và thắng Mỹ. Huyện đội Duy Xuyên có trách nhiệm bảo vệ nơi ăn ở, làm việc của Thường vụ Đặc Khu ủy, nhất là khu vực Hòn Tàu và tuyến hành lang huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An nhằm phục vụ công tác đưa, đón cán bộ, bộ đội qua lại an toàn và vận chuyển lương thực, thực phẩm, chuyển thương binh về căn cứ và vận chuyển vũ khí cho các đơn vị chiến đấu.
Tôi nhớ nhất là lần đồng chí Hồ Nghinh, Bí thư Đặc Khu ủy Quảng Đà và đoàn cán bộ Đặc Khu ủy đi từ hướng Đại Lộc lên căn cứ vào tháng 8-1968. Đội bảo vệ nhiều lần đưa đoàn cán bộ qua tuyến hành lang, nhưng địch canh gác nghiêm ngặt, nên không thành công. Huyện ủy chỉ đạo Huyện đội Duy Xuyên và xã Duy Hòa, bằng mọi cách phải đưa đoàn cán bộ lên căn cứ an toàn. “Sau nhiều phương án đưa ra, tôi đề nghị phải đánh trực tiếp với lính Mỹ gác đường để chúng co cụm lại. Nhân lúc đó, mình tranh thủ thời cơ đưa đoàn cán bộ đi qua tuyến hành lang”, ông Lộc nhớ lại.
Sau công tác chuẩn bị cho trận đánh hoàn thành, lực lượng của ta chỉ 36 người chia thành các mũi thứ yếu, chủ yếu, mũi chặn đầu, mũi khóa đuôi quyết tâm phải đánh thắng. Trận đánh diễn ra khoảng 20 phút, ta đã tiêu diệt 40-50 tên địch. Đúng như ta dự báo, địch tạm thời co cụm, lực lượng ta đưa đồng chí Hồ Nghinh và đoàn cán bộ trở về căn cứ an toàn. Suốt những năm đó, chúng tôi luôn hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ cơ quan đầu não Đặc Khu ủy và tuyến hành lang huyết mạch của Đặc khu là nhờ biết bám vào dân, nhân dân luôn che chở, với tinh thần, ý thức bảo mật rất cao.
* Ông Phùng Văn Thành, nguyên Đặc Khu ủy viên Quảng Đà: Bám dân, gầy dựng phong trào từ cơ sở
Ông Phùng Văn Thành, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố. Ảnh: TRỌNG HUY |
Sau khi tham gia Ban Chấp hành Đặc Khu ủy Quảng Đà từ năm 1971, tôi được phân công bám trụ cơ sở, trở lại làm Phó Bí thư rồi Bí thư Huyện ủy Điện Bàn, phụ trách Huyện đội. Đó là những tháng ngày gian nan, hiểm nguy, giống như đi giữa lằn ranh sinh tử. “Có đến 99% anh em cán bộ Đặc Khu ủy đi cơ sở xuống vùng “trắng” các xã ven biển huyện Điện Bàn đều hy sinh. Nhiều lần tôi may mắn thoát chết trong gang tấc. Mỗi lần đi họp ở cơ sở trở về an toàn mới biết mình còn sống.
Theo tôi, chủ trương của Đặc Khu ủy phân công cán bộ về cơ sở, cắm địa bàn của Đặc khu là đúng đắn, sáng suốt. Với phương châm bám dân, gầy dựng phong trào từ cơ sở. Năm 1971, Thường vụ Đặc Khu ủy ra chỉ thị tổng động viên chính trị trong toàn Đảng bộ, toàn quân, toàn dân đẩy mạnh cao trào tiêu diệt địch, mở rộng vùng giải phóng lên một bước mới.
* Bà Nguyễn Thị Vân Lan, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ Đặc khu Quảng Đà: Việc thành lập Đặc Khu ủy Quảng Đà là hết sức sáng suốt
Bà Nguyễn Thị Vân Lan, nguyên Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Để đối phó với “4 tách” của địch (tách dân khỏi đất, tách du kích khỏi dân, tách thành thị khỏi nông thôn, tách cấp trên với cấp dưới), Đặc Khu ủy Quảng Đà chủ trương xây dựng lực lượng “nhiều tầng, nhiều tuyến, ngăn cách, bí mật, chủ động”. Phần lớn các khu dồn dân và khu tập trung của địch đều có cán bộ của Đặc Khu ủy hoạt động, thường xuyên tuyên truyền, tố cáo tội ác của địch, động viên tư tưởng, phát động đồng bào đấu tranh đòi trở về làng cũ làm ăn. Đặc Khu ủy đã phát động cán bộ, đảng viên móc nối “9 ruột” (cha, mẹ, vợ, con, anh, chị, em, chú, bác) của mình về vùng giải phóng tham gia cách mạng. Cán bộ, đảng viên vùng tranh chấp, vùng ven thực hiện nguyên tắc “4 bám” (cán bộ bám dân, dân bám đất, du kích bám địch, trên bám dưới) để xây dựng và phát triển phong trào.
Để gầy dựng cơ sở, mở rộng địa bàn, thâm nhập sâu vào trong lòng thành phố, Đặc Khu ủy đã thành lập Chi bộ 2 hoạt động hợp pháp trong lòng địch. Còn các đồng chí cán bộ khác thuộc Đặc Khu ủy đều được phân công đi bám sát cơ sở, tập trung xuống đồng bằng để lãnh đạo công tác xây dựng Đảng, củng cố Ban Chấp hành Đặc Khu ủy, Huyện ủy, các khu (I, II, III thuộc Hòa Vang), các Quận ủy (I, II, III thuộc thành phố Đà Nẵng)… để từ đó tuyên truyền, vận động và phát triển, mở rộng thêm nhiều cơ sở cách mạng; vận động sinh viên, học sinh, thợ máy, tiểu thương, gặp gỡ các nhà công thương và trí thức yêu nước, động viên họ tham gia vào cách mạng.
Việc thành lập Đặc Khu ủy Quảng Đà là một chủ trương hết sức sáng suốt. Nếu không có sự thành lập ấy, với sự chia cắt của địch gắt gao như thế, thì không thể nào chỉ đạo sâu sát được phong trào từng vùng được, nhất là phân công cán bộ bám cơ sở, bám phong trào, để đưa cách mạng đến thành công.
TRỌNG HUY (ghi)